Miếng da ở phía sau lưng quần jean được gọi là jacron. Nó thường có hình chữ nhật, được khâu ở vị trí thắt lưng, lệch sang một bên. Quần jean của thương hiệu nào cũng có miếng da này. Sự hiện diện của jacron như một bộ phận không thể thiếu bao nhiêu năm nay khiến không ít người đặt câu hỏi vì sao quần jeans luôn có một miếng da sau cạp, liệu nó có ý nghĩa gì khác ngoài tác dụng trang trí?
Vì sao quần jeans luôn có một miếng da sau cạp?
Miếng da nhỏ đắp phía sau cạp quần jean chính là một nét bản sắc của trang phục này, tuy nhỏ nhưng nó có vai trò khá quan trọng. Trước hết, miếng jacron mang sứ mệnh "định danh", giúp bất cứ ai nhìn thấy đều nhận biết được chiếc quần đó thuộc về thương hiệu nào.
Miếng da jacron nhỏ và xinh, được thiết kế cẩn thận nên cũng là vật trang trí đầy phong cách cho chiếc quần. Vì thế, thông tin thương hiệu trên đó đem lại hiệu quả quảng cáo tuyệt vời, tinh tế. Người mặc nhiều khi cũng tự hào muốn khoe thương hiệu chiếc quần mình xịn mà mình mua.
Bạn có biết vì sao quần jeans luôn có một miếng da sau cạp? (Ảnh: Panamatrimmings)
Levi's được cho là thương hiệu đầu tiên sử dụng jacron. Trước đó, mác quần chỉ có ở bên trong quần, nhưng từ năm 1873, hãng này bắt đầu thực hiện ý tưởng cắt những miếng da nhỏ có in logo của hãng để đắp phía bên ngoài, nhằm "đánh dấu" để khách hàng nhận ra sản phẩm "xịn", tránh mua phải quần Levi's giả, quần kém chất lượng.
Theo phát ngôn viên của Levi's, Jacron sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm chính hãng qua việc nhận biết qua logo, biểu tượng hình con ngựa nổi tiếng của hãng và các thông tin về size quần, điều mà những loại quần nhái thương hiệu khó lòng bắt chước được.
Sau Levi's, các thương hiệu quần jean khác cũng bổ sung jacron trong thiết kế sản phẩm. Đầu năm 2018, hãng American Eagle thậm chí còn mở AE Studio ở thành phố New York, khách hàng đến đây có thể tạo ra jacron riêng cho mình.
Và ngày nay trên khắp thế giới, bạn rất khó tìm được chiếc quần jean chính hãng nào không có miếng jacron, dù rất nhiều người vẫn không hiểu vì sao quần jeans luôn có một miếng da sau cạp.
Tại sao quần Jeans lại có màu xanh?
Hiện tại, dải màu của quần Jeans khá phong phú, nhưng xanh vẫn là màu sắc chủ đạo, phổ biến nhất.
Những chiếc quần Jeans đầu tiên trên thế giới có màu nâu. Chúng là sáng tạo của Levi Strauss. Ông hợp tác với Latvian Jacob Davis để sản xuất quần áo bằng vải thô canvas (vải dệt từ sợi bông/cotton) và có đinh tán. Vải này có màu nâu, chất liệu dày dặn và cực bền, phù hợp với những công nhân thực hiện công việc đào vàng.
Năm 1853, Levis mới thay đổi chất liệu jeans của mình bằng vải denim, có màu xanh dương. Thật ra các công nhân không quan tâm đến màu sắc, chỉ coi trọng độ bền của vải và chất canvas đáp ứng tốt điều đó. Tuy nhiên canvas lại quá dày khiến người mặc cảm thấy bí bách, trong khi chất denim vừa rất bền lại vừa mỏng hơn, mềm lại hơn, tạo cảm giác thoải mái, tiện dụng. Khi denim được ứng dụng vào sản xuất quần jean, chất liệu canvas không còn được dùng cho sản phẩm này nữa.
Màu xanh của denim là màu của thuốc nhuộm chàm (Indigo) tự nhiên. Nếu như hầu hết các loại thuốc nhuộm tự nhiên khi bị đung nóng sẽ ngấm trực tiếp vào sợi vải thì thuốc nhuộm chế biến từ cây chàm (có màu xanh dương) chỉ bám bên ngoài mặt vải, và cần sự xúc tác của chất hóa học gọi là thuốc ăn màu. Sau mỗi lần giặt, một ít màu nhuộm phai đi, mang theo một ít sợi vải, chiếc quần jean cũng mềm hơn và có màu bàng bạc rất riêng.
Ngày nay, nhà sản xuất sử dụng thuốc nhuộm tổng hợp, vải lại có kết cấu sợi dệt thông minh nên các sợi vải jeans ngày nay có thể được nhuộm nhiều màu khác nữa. Tuy nhiên, màu xanh dương vẫn được ưa chuộng nhất và hễ nhắc đến quần jean là người ta nhớ đến màu này.