Phi công sợ không dám bay trên MiG-29
Các phi công của Không quân Bulgaria tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện những chuyến bay trên các máy bay tiêm kích MiG-29 do Liên Xô và Nga sản xuất, bởi vì không có giấy tờ kèm theo các động cơ, cho dù chúng mới được tu sửa.
Bộ Quốc phòng của nước này tuyên bố rằng họ sắp nhận được tất cả những xác nhận cần thiết từ phía Nga, còn nguồn tin của "Gazeta.ru" tại Tổ hợp chế tạo hàng không Nga khẳng định rằng, cuộc đình công này không gì khác chính là hành động nhằm tiếp tục gây khó để đẩy doanh nghiệp này của Nga ra khỏi thị trường Bulgaria.
Một số phi công lái máy bay tiêm kích của Không quân Bulgaria từ chối bay trên những máy bay MiG-29 vì nghi ngờ vào nguồn gốc của các phụ tùng trên những động cơ của các cỗ máy chiến đấu trên.
Đây là những phi công của căn cứ không quân "Graf-Ignatievo" nằm ở trung tâm đất nước này. Theo thông tin của đài phát thanh quốc gia BNR (Bulgaria), vì cuộc đình công của các phi công nên từ ngày 24/10 những chuyến bay huấn luyện không được thực hiện tại căn cứ này.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Bulgaria.
Trên bảo, dưới không nghe!
BNR dẫn nguồn tin từ lực lượng không quân Bulgaria, hành động phản đối của các phi công liên quan tới việc, theo ý kiến của họ, các máy bay MiG-29 nằm trong tình trạng kỹ thuật không đảm bảo, còn chính phủ Bulgaria cho tới này vẫn chưa thống nhất bản hợp đồng mua các máy bay mới – các tiêm kích Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển.
"Các động cơ của tiêm kích MiG-29 mới được bàn giao cách đây không lâu từ phía doanh nghiệp sản xuất có nhiều vấn đề, vì các giấy tờ liên quan từ nhà máy này vẫn chưa được cung cấp đầy đủ.
Bên cạnh đó, lực lượng Không quân ở Bulgaria đang trong tình trạng phức tạp, các phi công có quá ít số lượng giờ bay – điều thực sự có thể hoàn toàn dẫn tới những sự cố nguy hiểm", nguồn tin của BNR cho biết.
Tình hình tại căn cứ không quân "Graf-Ignatievo" đã nhận được phản ứng từ phía người đứng đầu Bộ Quốc phòng, ông Krasimir Karakachanov khi ông lên tiếng phủ nhận thông tin về cuộc đình công và gọi những tin đồn này là "vườn trẻ".
"Thậm chí tôi không muốn nghe những câu chuyện về các cuộc đình công và nổi loạn, quân đội không phải là vườn trẻ, và không ai, cả trong lực lượng không quân lẫn trong các lực lượng vũ trang khác nghĩ tới những hành động tương tự", ông Karakachanov tuyên bố.
Theo lời của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, ông đã nói chuyện với chỉ huy của "Graf-Ignatievo" và thảo luận những vấn đề liên quan tới các động cơ cho MiG-29 mà Bulgaria tiếp nhận từ phía Tập đoàn "MiG" của Nga.
"Chúng tôi có hợp đồng từng được ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ trước ký kết. Trong đó có đưa ra những yêu cầu mà các động cơ này cần phải đáp ứng. Chúng tôi không thể vi phạm thỏa thuận này, cũng như yêu cầu ký bất cứ biên bản nào đính kèm hợp đồng.
Nhưng chúng tôi sẽ yêu cầu thực hiện bản hợp đồng này, thực hiện một cách chính xác và chuẩn mực, bởi vì mạng sống của các phi công là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chúng tôi», người đứng đầu Bộ Quốc phòng Bulgaria nói.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bulgaria, ông Atanas Zapryanov thừa nhận rằng, một phần các chuyến bay tập tại căn cứ không quân "Graf-Ignatievo" đúng là bị dừng, nhưng không phải liên quan tới vấn đề với các động cơ mà do không có đủ số lượng các máy bay sẵn sàng cất cánh.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Bulgaria.
"Bộ Quốc phòng sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì các máy bay tiêm kích MiG-29 hoạt động theo đúng tuổi thọ để các phi công có thể thực hiện những chuyến bay huấn luyện và triển khai tuần tra chiến đấu", ông Zapryanov nói với báo Dnes (Bulgaria).
Đại diện Bộ Quốc phòng còn nhấn mạnh rằng, cho tới thời điểm hiện nay, đã có 4 động cơ mới dành cho các máy bay tiêm kích MiG-29 đã được tiếp nhận từ phía Tập đoàn "MiG" của Nga.
"Công ty này còn sửa chữa cho chúng tôi 6 động cơ cũ, chúng đang trong tình trạng kỹ thuật tốt. Tuy nhiên hiện giờ chưa thể sử dụng chúng bởi vì chúng tôi mới cầm trong tay các bản sao những giấy tờ liên quan, mà để sử dụng được cần phải các bản chính", ông Zapryanov nói.
Theo lời ông, sau khi vấn đề liên quan tới giấy tờ kèm theo được giải quyết, các động cơ mới có thể giúp số lượng những máy bay tiêm kích MiG-29 còn bay được của Bulgaria tăng lên thành 9-10 chiếc. Chừng đó là hoàn toàn đủ để thực hiện các chuyến bay tập, cũng như triển khai các nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia.
"Graf-Ignatievo" là căn cứ không quân được xây dựng từ thập niên 1930 với sự tham gia tích cực của các chuyên gia đến từ Đức quốc xã. Sau này nó được Bộ Quốc phòng Đức sử dụng trong những năm diễn ra Thế Chiến thứ 2.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, các máy bay quân sự của Liên Xô cũng như của Bulgaria từng được bố trí ở đây. Hiện nay, đây là căn cứ không quân duy nhất còn hoạt động của Không quân Bulgaria, ở đó có các phi công bao gồm cả những người tham gia bảo vệ không phận của các quốc gia thuộc khối NATO mà không có lực lượng không quân riêng.
Tập đoàn "MiG" không thể đưa ra các bình luận kịp thời về những gì đang xảy ra ở căn cứ không quân "Graf-Ignatievo" và có đúng là công ty không thể chuyển giao cho phía Bulgaria giấy tờ cần thiết hay không.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Bulgaria.
Tuy nhiên một nguồn tin nắm rõ tình hình nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp sản xuất máy bay của Nga đang thực hiện tất cả những trách nhiệm, và tất cả những động cơ được bàn giao cho quân đội Bulgaria đều trong tình trạng kỹ thuật đảm bảo.
Vấn đề liên quan tới các động cơ dành cho những máy bay MiG-29 của Bulgaria đã biến thành một vấn đề chính trị trong vài năm qua.
Bộ trưởng Quốc phòng nhiệm kỳ trước, ông Nikolai Nenchev quyết định không gia hạn hợp đồng bảo dưỡng các máy bay tiêm kích từng được ký kết với Nga, thời hạn hợp đồng đã chấm dứt vào tháng 9/2015. Ông cho rằng Sofia có thể sửa chữa các máy bay tại Ba Lan.
Đúng là Bulgaria đã đạt được thỏa thuận với Warsaw về việc sửa chữa 8 động cơ dành cho các máy bay tiêm kích MiG-29. Các điều khoản của thỏa thuận này còn quy định phía Ba Lan sẽ sửa thêm hai máy bay của Bulgaria.
Ông Nenchev tuyên bố với hãng truyền thông Sofia News rằng, bản hợp đồng với phía Ba Lan giúp Bulgaria tiết kiệm được hơn 12 triệu Euro. Theo lời của ông, các thợ sửa máy bay Ba Lan chỉ yêu cầu 1,2 triệu Euro cho 1 chiếc MiG-29, chỉ bằng 2/3 so với mức giá đưa ra từ phía các chuyên gia của "MiG".
Kết quả của việc thay đổi chính sách này đã khiến Tư lệnh Không quân Bulgaria, tướng Rumen Radev xin từ chức. Bản thân tập đoàn "MiG" khi đó cũng phản ứng trước quyết định này của Bulgaria một cách vô cùng tiêu cực khi nhấn mạnh rằng Ba Lan không có giấy phép sửa chữa các động cơ của Nga.
Việc chấm dứt bản hợp đồng một cách đầy tai tiếng với "MiG" khi đó cũng được Quốc hội Bulgaria tranh luận nảy lửa bởi vì nhiều đại biểu tin rằng việc cắt đứt bản hợp đồng với phía Nga sẽ kéo Sofia vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Vào tháng 1/2017, ông Ruman Radev giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Bulgaria khi đại diện cho đảng Xã hội. Sau đó, ban lãnh đạo mới của Bộ Quốc phòng đã từ chối bản hợp đồng với Ba Lan và tiếp tục hợp tác với tập đoàn của Nga.
"Hiện nay câu chuyện tại "Graf-Ignatievo" giống như một âm mưu của các thế lực nào đó nhằm mục đích để công ty của chúng tôi phải rút khỏi thị trường vũ khí và sửa chữa khí tài quân sự của Bulgaria.
Cho tới giờ vẫn chưa rõ những phi công nào tham gia đình công và các tình tiết khác của câu chuyện. Nhưng, như chúng tôi được biết, phần lớn các phi công không ủng hộ những đồng nghiệp của mình", nguồn tin tại Tập đoàn chế tạo hàng không Nga chia sẻ với "Gazeta.ru".
Nguồn tin này bổ sung thêm rằng tại Bulgaria, trong đó có cả "Graf-Ignatievo", đều có sự hiện diện của đại diện các nhà sản xuất vũ khí Nga chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề tranh chấp.
Bulgaria gia nhập NATO vào năm 2004. Khi đó quốc gia này có rất nhiều mẫu khí tài quân sự do Liên Xô sản xuất.
Trong số đó phải kể đến các máy bay tiêm kích MiG-21 và MiG-29, các máy bay cường kích Su-25, các máy bay trực thăng Mi-24 và Mi-17, các xe tăng T-72, xe thiết giáp BTR-60 và BRDM-2, những tổ hợp tên lửa "Tochka". Một phần những khí tài này đang được các doanh nghiệp sản xuất vũ khí Nga bảo dưỡng.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Bulgaria.
Theo thông tin từ những nguồn tin mở, phần lớn khí tài quân sự của Nga và Liên Xô hiện có trong quân đội các quốc gia cựu thành viên của Hiệp ước Warsaw như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumania và Hungaria.
"Về mặt kỹ thuật có nhiều quốc gia trong số này có thể sửa chữa những mẫu vũ khí nói trên. Tuy nhiên, khi đó họ sẽ không còn nhận được bảo hành của nhà máy sản xuất cho những cỗ máy chiến đấu của mình.
Ngoài ra, ở đây còn có vấn đề liên quan tới phụ tùng mà thông thường chỉ được sản xuất tại Nga", nhà nghiên cứu lịch sử và chuyên gia quân sự Nga, ông Alexei Ardashev chia sẻ trong cuộc nói chuyện với phóng viên "Gazeta.ru".
Theo lời của ông, trước khi nổ ra cuộc chiến tranh tại phía đông Ukraine, một phần những khí tài quân sự nói trên được các công ty của quốc gia này sửa chữa.