Vì sao phải khởi tố vụ 2 lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị bắn?

Tân Châu |

Dù nghi phạm đã tự sát, nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái vẫn khởi tố vụ án giết người tại trụ sở Tỉnh ủy khiến hai lãnh đạo tỉnh này tử vong. Vì sao?

Như Tiền Phong đã đưa tin, 22h hôm qua (18/8), lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này đã ra quyết định số 39, khởi tố vụ án giết người khiến Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái tử vong.

Nói về quyết định khởi tố vụ án kể trên của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Yên Bái, nhiều luật sư bày tỏ sự đồng tình.

Luật sư Lê Việt Hùng-Hãng luật Minh Mẫn cho rằng, khi đã ra quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra.

Căn cứ Khoản 1, Điều 126, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (BLTTHS 2003), khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

Tất nhiên, Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố người đã chết nếu xác định người đó thực hiện hành vi phạm tội.

Đây là vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tỉnh Yên Bái.

Do đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái khởi tố vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4, Điều 110, BLTTHS 2003.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Bộ Công an nếu xét thấy tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì sẽ trực tiếp điều tra theo quy định tại Khoản 3, Điều 11, Pháp lệnh về Tổ chức điều tra hình sự 2004.

Cũng theo luật sư Lê Việt Hùng thì Viện kiểm sát đang thụ lý vụ án ra quyết định đình chỉ vụ án khi có căn cứ xác định rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Vấn đề này quy định tại Khoản 1, Điều 169 và Khoản 7, Điều 107, BLTTHS 2003.

Luật sư Huỳnh Minh Mẫn-Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, về nguyên tắc, cho đến thời điểm này chưa có bất kỳ một kết luận nào của cơ quan chức năng về vụ việc. Do đó, hung thủ vẫn chưa được xác định.

Vì hung thủ chưa xác định nên không thể cho rằng hung thủ đã chết làm căn cứ không khởi tố vụ án theo Điều 107 BLTTHS 2003.

Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra cần làm sáng tỏ một số vấn đề như: Ai là hung thủ gây ra cái chết cho 3 người? Có nhân chứng nhìn thấy sự việc hay không? Có camera ghi hình hay không? Vật chứng thu được tại hiện trường là gì? Tin nhắn, email, điện thoại, facebook, thư tuyệt mệnh nếu có phải được thu thập và làm rõ. Có đồng phạm hay không? Có tổ chức hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Tài- Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, quyết định khởi tố vụ án là cần thiết, tránh dư luận đồn thổi gây tâm lý hoang mang.

Giám đốc Hãng luật Giải Phóng, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng: "Hiến Pháp quy định rõ người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…

Vì vậy, Đỗ Cường Minh chỉ xem là nghi can".

Như đã đưa tin, sáng 18/8, ông Phạm Duy Cường (SN 1958), Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và ông Ngô Ngọc Tuấn (SN 1964), Chủ tịch HĐND tỉnh bị Đỗ Cường Minh (SN 1963) Chi cục trưởng, Chi Cục Kiểm lâm Yên Bái dùng súng tấn công tại trụ sở. Đối tượng Minh sau đó dùng súng tự sát, cả ba người đều tử vong vào chiều cùng ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại