Vì sao phải đấu thầu lần 2 dự án nhà ga ‘siêu sân bay’ Long Thành?

Duy Quang |

Đấu thầu lần 1 thất bại là do chủ đầu tư chưa tiên lượng được sự phức tạp trong việc lựa chọn nhà thầu vì đây là đấu thầu quốc tế rộng rãi. Quá trình đấu thầu lần 2 đã phát hành hồ sơ và dự kiến đến ngày 12/6 các nhà thầu sẽ nộp hồ sơ.

Đấu thầu lần 2 dự kiến 29 nhà thầu tham dự

Ngày 9/5, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) tổ chức đại hội cổ đông 2023. Phát biểu tại đại hội, ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám đốc ACV - cho biết, năm 2022, ACV đã giải ngân 4.751 tỷ đồng và hầu hết tiến độ của các dự án chính đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Ngoài các dự án trọng điểm, công ty còn đầu tư vào đảm bảo an ninh an toàn và các hạ tầng chuyển đổi số.

Cụ thể, ACV đã hoàn thành dự án nhà ga hành khách T2 Phú Bài và đưa vào khai thác từ ngày 28/4. Về dự án nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phiệt cho biết, dự án gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ACV đã được tháo gỡ về giải phóng mặt bằng đất đai.

Vì sao phải đấu thầu lần 2 dự án nhà ga ‘siêu sân bay’ Long Thành? - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông ACV 2023 được tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng 9/5.

“Đến thời điểm, đã thi công cơ bản xong phần móng cọc và hiện đang đấu thầu phần thân. Dự kiến cuối quý II và đầu quý III năm nay sẽ khởi công phần thân và hoàn thành vào cuối năm 2024. Đây là dự án làm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong khi chờ dự án nhà ga quốc tế sân bay Long Thành”, ông Phiệt nói.

Về nhà ga T2 Nội Bài, ACV dự kiến cuối năm 2023 sẽ khởi công phần thân. Với dự án cảng hàng không Điện Biên, công ty đã khởi công và các mốc tiến độ về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đề ra, cố gắng cuối năm nay sẽ hoàn thành để khai thác cho năm 2024.

Về dự án thành phần 3 của cảng hàng không Long Thành , các hạng mục thiết kế và triển khai còn chưa đạt. Đây là gói thầu nhà ga hành khách, đây là đấu thầu quốc tế một công trình phức tạp, lớn nhất chưa từng triển khai ở Việt Nam.

“Việc chưa triển khai đúng tiến độ đến từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chúng tôi chưa đánh giá, dự báo được tiên lượng, sự phức tạp trong việc lựa chọn nhà thầu vì đây là đấu thầu quốc tế rộng rãi. Hiện nay, ACV cùng với sự vào cuộc của các bộ ngành đang rà soát hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần hai. Hy vọng trong quý II này sẽ chọn được nhà thầu”, ông Phiệt thông tin.

Trong quá trình đấu thầu lần 2, ACV đã phát hành hồ sơ và dự kiến đến ngày 12/6 các nhà thầu sẽ nộp hồ sơ. Theo đó, ACV đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu lần 2 với sự tham gia của 29 nhà thầu cùng các cơ quan quản lý nhà nước.

Khai thác 2 sân bay ra sao?

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, ông Phiệt thông tin, sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải và tổng lượng hành khách qua sân bay này trong năm 2019 đã 41 triệu hành khách, trong đó có 25 triệu hành khách quốc nội và 16 triệu hành khách quốc tế.

Vì sao phải đấu thầu lần 2 dự án nhà ga ‘siêu sân bay’ Long Thành? - Ảnh 2.

Sân bay Long Thành sẽ phục vụ 90% là khách quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ và chỉ 10% nội địa.

Dự báo đến năm 2030 và quy hoạch chung, chắc chắn sản lượng hành khách của Tân Sơn Nhất sẽ vượt cả quốc nội lẫn quốc tế. Đặc biệt năm 2022, sản lượng hành khách quốc nội của Tân Sơn nhất đã vượt 25 triệu khách, cao hơn cả năm 2019.

Theo tiến độ xây dựng, dự án nhà ga T3 dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn tất và tăng công suất thêm 20 triệu hành khách. Tổng công suất tại sân bay Tân Sơn Nhất khi đó sẽ là 50 triệu hành khách. Theo dự báo của ACV đến năm 2030, sản lượng nội địa sẽ tăng lên 45 - 50 triệu hành khách nên sẽ khó có chuyện dư thừa cho dù sân bay Long Thành được xây dựng xong.

Ngoài ra, đối với phương án khai thác sân bay Long Thành , theo báo cáo khả thi được duyệt, dự kiến Long Thành sẽ phục vụ 90% là khách quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ và chỉ 10% nội địa. Vì vậy, khách nội địa vẫn chủ yếu tập trung vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2023, ACV đặt kế hoạch phục vụ tổng cộng 118 triệu lượt khách, tăng trưởng 19,2% so với cùng kỳ. Trên cơ sở đó, ACV đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng trưởng 49,5% đạt 20.641 tỷ đồng. Về lợi nhuận trước thuế, ACV đặt kế hoạch lợi năm 2023 ở mức 8.488 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ và không bao gồm lợi nhuận từ tài sản khu bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại