Tạo dựng sân chơi mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất kể từ khi lên cầm quyền đến nay tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước chuyến đi này của ông Trump, cộng sự và bản thân ông Trump đã nhiều lần đề cập đến khái niệm "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Cộng sự của ông Trump úp mở khả năng tại một điểm dừng chân ở đâu đó trong chuyến đi này, ông Trump sẽ tuyên cáo chiến lược mới của Mỹ cho khu vực rộng lớn hơn cả châu Á - Thái Bình Dương là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cho tới nay, liên kết châu lục về chính trị, kinh tế và thương mại đã được khởi xướng và thực hiện, nhưng liên kết đại dương với nội hàm là bao trùm cả châu lục và đại dương thì mới chỉ được đề cập lẻ tẻ chứ chưa được thực hiện.
Trong thế kỷ 19, Mỹ đã từng nỗ lực thành lập liên minh liên kết Mỹ - Anh - Nhật Bản - Đức để bảo vệ lợi ích trước những đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thế giới nhưng không thành. Ý tưởng về "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" cũng không hẳn hoàn toàn mới mẻ.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia khi đó là Marty Natalegawa và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đề cập đến ý tưởng này. Rồi Australia cũng đã sử dụng khái niệm đó trong Sách trắng quốc phòng. Các thời chính quyền Nhà Trắng trước ông Trump gần như hoàn toàn không đả động gì đến nó.
Tổng thống Trump đề cập đến ý tưởng "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" tại APEC 2017. Ảnh BBC
Nâng tầm ảnh hưởng
Những người hoài nghi về "tầm nhìn chiến lược" này của ông Trump và cộng sự viện dẫn ra 2 lý do. Thứ nhất là triết lý và khẩu hiệu cầm quyền "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Thứ hai là việc ông Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu đàm phán lại với Hàn Quốc về thoả thuận đã có hiệu lực về khu vực mậu dịch tự do giữa hai nước. Cả hai điều này đều trái ngược với mục đích của ý tưởng "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Sự trái ngược này không thể bị phủ nhận. Tuy nhiên, không phải vô cớ và ngẫu hứng mà ông Trump cùng cộng sự lại đưa ra ý tưởng ấy vào thời điểm hiện tại trong bối cảnh tình hình hiện tại ở khu vực này.
Ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe và cộng sự còn khởi xướng "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" với cốt lõi là "Chiến lược kim cương", ý chỉ liên kết bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ông Abe đã trao đổi với ông Trump về chiến lược này khi ông Trump thăm Nhật Bản. Ấn Độ và Australia hưởng ứng rất nhiệt tình.
Cách tiếp cận ở ý tưởng này đơn giản là phạm vi khu vực rộng lớn hơn thì trung tâm khu vực sẽ dịch chuyển và định hướng chiến lược cũng như ưu tiên chiến lược cũng sẽ khác. Sâu xa ở phía sau là chủ ý tạo dựng cuộc chơi địa chính trị mới để bảo toàn và thực hiện tốt hơn những lợi ích chiến lược cơ bản cũ cũng như mới.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc được coi là trung tâm và cho tới nay, Trung Quốc cũng đã làm gần như tất cả những gì có thể làm được để mọi chuyện ở khu vực hay liên quan đến khu vực luôn xoay quanh Trung Quốc. Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc hiện rất lớn.
Nhưng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ không còn ảnh hưởng lớn như thế nữa. Trong khu vực ấy, bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cả trên đất liền cũng như trên đại dương sẽ không chỉ là đối trọng mà còn là đối thủ đáng gờm hơn trước nhiều đối với những lợi ích chiến lược về mọi phương diện của Trung Quốc.
Đặc biệt ở đó, khía cạnh cường quốc biển và dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng không thể còn có được tầm vóc như trước nữa. Khu vực mới trở thành nơi "đa cực và nhiều trung tâm quyền lực".
Một chiến lược cho khu vực được xác định lại phạm vi này giúp ông Trump vừa không phải chịu tiếng kế thừa ý tưởng của người tiền nhiệm lại vừa mở rộng lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ ở khu vực. Về quân sự và an ninh, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn đã được Mỹ hợp nhất khi chỉ thành lập một bộ chỉ huy quân đội duy nhất cho cả hai vùng châu lục và đại dương.
Mỹ không chỉ có sân chơi mới mà còn có cuộc chơi chính trị quyền lực thế giới mới mà ở đó Mỹ dễ dàng tập hợp được lực lượng, liên kết đồng minh và đối tác để đối phó hay ganh đua, thậm chí cả kiềm chế Trung Quốc khi cần thiết.
Nhìn như thế sẽ thấy cơ hội hiện tại cho Mỹ làm nên chuyện lớn này rất thuận lợi bởi Trung Quốc với những gì đã làm và thể hiện khiến cả ba nước kia trong bộ tứ không thể không lo ngại và không thể không tìm cách xích lại gần Mỹ và liên thủ với nhau.
Xem ra, một thời mới rất có thể sắp được mở ra cho vùng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Chuyên cơ Air Force One đưa tổng thống Mỹ Donald Trump đến Đà Nẵng dự APEC