Ông Trump muốn thể hiện phong thái "người chiến thắng"
Trong tuần đầu tháng 11, sau khi Chile huỷ bỏ kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC và trước khi hội nghị BRICS diễn ra tại Brasilia, Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa thể thống nhất về khả năng sẽ có cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo 2 nước.
Sau khi tình trạng biểu tình lan rộng ở Chile khiến kế hoạch gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại thủ đô Santiago bị đổ bể, hai nước đã kì vọng sẽ có thể tìm ra một địa điểm phù hợp cho việc kí kết thoả thuận thương mại song phương giai đoạn 1.
Ông Trump thể hiện rõ mong muốn có cơ hội chụp chung bức ảnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thể hiện phong thái của "người chiến thắng" nhằm làm nền cho cuộc tranh cử tổng thống sắp tới.
Tuy nhiên, đối với ông Tập, thời điểm cuộc gặp dường như không thích hợp. Trong khi nội dung chi tiết thoả thuận vẫn chưa được hoàn tất, mối quan hệ song phương giữa 2 nước lại bị che phủ bởi những yếu tố bên ngoài như cuộc biểu tình ở Hồng Kông và Tân Cương.
Ông Tập đã sẵn sàng gặp người đồng cấp tại Chile, tương tự như cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại Osaka, khi 2 nhà lãnh đạo thảo luận một loạt các vấn đề song phương, bao gồm thương mại. Nhưng khả năng cả 2 có thể kí một thoả thuận tại Chile là khá bấp bênh.
Trước khi thực hiện chuyến thăm đến Hi Lạp và sau đó là hội nghị thường niên với các lãnh đạo từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thuộc khối BRICS tại Brazil, một nguồn tin cho rằng ông Tập đã khước từ đề xuất về một hội nghị song phương với Tổng thống Trump trước thời điểm chuyến đi đến Brazil hoặc sau đó.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã sau đó đưa tin trên hành trình quay về Bắc Kinh và Brazil vào ngày 14/11, ông Tập đã tạm dừng chân ở Tenerife, Tây Ban Nha để máy bay thực hiện việc duy tu và nạp nhiên liệu.
Đây chỉ là một trong những điểm nhỏ đáng lưu ý trước khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận sơ bộ vào giữa tháng 10, và sau đó Bắc Kinh xác nhận vào thứ năm rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán để kí thoả thuận với Washington vào tuần tới.
Quá rủi ro cho ông Tập
Trước những động thái trước ngược từ Mỹ và Trung xoay quanh việc công bố thoả thuận, điều đó thể hiện những khác biệt về quan điểm của 2 nước đối với thoả thuận. Thậm chí sau khi thoả thuận được kí, rất ít người nhận định điều này sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, trước thời điểm Chile huỷ tổ chức hội nghị APEC, mối quan hệ giữa 2 nước dường như còn nồng ấm hơn thời điểm hiện tại. Thực tế cho thấy ở thời điểm nửa cuối tháng 10, những chỉ dấu cho thấy đang có những chuyển động tích cực từ 2 phía.
Sau vòng đàm phán tại Washington vào ngày 10 và 11/10, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nhận định có cơ sở vững chắc để kí kết một thoả thuận sơ bộ. Các bên tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp tục đạt được tiến triển tích cực trong những ngày sau đó, tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Một thoả thuận vào lúc đó dường như là điều chắc chắn sau khi 2 phía đồng ý tạm bỏ ra ngoài những khác biệt. Ông Tập đã đồng ý gặp Tổng thống Trump bên lề hội nghị APEC tại Santiago, dự kiến vào ngày 17/11, theo thông tin của Washington Post.
Cuộc điện đàm vào ngày 25/10 giữa ông Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận "2 bên đã hoàn thành cơ bản đàm phán kĩ thuật về các nội dung trong thoả thuận". Ông Trump, trong khi đó, nói với phóng viên vào ngày 28/10 rằng việc kí thoả thuận sẽ sớm hơn dự định.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, mọi thứ bắt đầu đi chệch quỹ đạo.
Các cuộc biểu tình tại Santiago buộc Chile phải huỷ bỏ tổ chức hội nghị, qua đó làm lỡ dở mọi sự chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump.
Ngày 1/11/2019, 3 quan chức cấp cao bao gồm ông Lưu Hạc, Lighthizer và Mnuchin, đã đối thoại nhằm thúc đẩy các cuộc gặp tiếp theo, nhưng không thống nhất được về một kế hoạch B, mà ưu tiên vào lúc đó là tìm một địa điểm thay thế phù hợp trên hành trình ông Tập đến Brazil.
"Tôi được kể rằng các quan chức Trung Quốc đã tìm kiếm một địa điểm lý tưởng hàng giờ liền trên bản đồ thế giới", một nguồn tin cho hay, đồng thời cho biết thêm trong hành trình của ông Tập đến Hi Lạp, và sau đó là Brazil, có nghĩa cuộc gặp nếu được thực hiện sẽ ở đâu đó khi nhà lãnh đạo Trung Quốc quay trở về nước.
Những đồn đoán về một địa điểm cho cuộc gặp được thổi bùng lên, bao gồm Alaska, Hawaii, và Macau, nhưng việc ông Trump khước từ khả năng dỡ bỏ các mức thuế suất áp vào hàng hoá Trung Quốc khiến thoả thuận trở nên "mất cân bằng" trong mắt Bắc Kinh, dẫn đến việc ông Tập khó có thể đồng ý vào thoả thuận này.
Quyết định sau đó của ông Tập về việc không gặp ông Trump, là dấu chấm hết cho triển vọng về một lễ kí kết thoả thuận. Tuy nhiên, quá trình đàm phán sau đó vẫn được duy trì với 2 cuộc điện đàm vào tháng 11 giữa các quan chức cấp cao.
Sau cuộc điện đàm thứ hai, chính phủ Trung Quốc đưa ra tuyên bố không bao gồm một câu quen thuộc trong suốt thời điểm 2 bên đàm phán:"theo yêu cầu từ phía Mỹ". Điều này làm dấy lên dự báo ông Lưu Hạc đang nỗ lực nhằm cứu vãn một thoả thuận giữa 2 nước.
Thời điểm hạn chót 15/12 mà Mỹ đặt ra đang tới gần, khi nếu không có thoả thuận, Washington sẽ tiếp tục áp thuế nhập khẩu lên hàng điện tử của Trung Quốc. Ông Trump, khi đó đã khiến Bắc Kinh tức giận bằng việc kí kết Đạo luật Nhận quyền và Dân chủ về vấn đề Hong Kong vào ngày 28/11. Ngày 3/12, ông Trump nói với phóng viên rằng có thể việc kí kết sẽ diễn ra sau khi bầu cử, cũng như không có một thời điểm cụ thể nào cho việc kí kết.
Ngày 12/12, Wall Street Journal đăng tải thông tin Mỹ đã đề xuất sẽ căt giảm một nửa mức thuế sất lên hàng hoá Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD, thông tin bị chính ông Trump bác bỏ.
"Thông tin trên Wall Street Journal là không chính xác, đặc biệt là tuyên bố về thuế nhập khẩu", ông nói trên Twitter. "Tin giả, họ nên tìm muồn nguồn tin tốt hơn".
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, thoả thuận thương mại song phương đã được công bố.
Tại Bắc Kinh, các phóng viên chỉ được thông báo vài phút trước khi diễn ra cuộc họp báo vào ngày 13/12. Cuộc họp chỉ bắt đầu vào lúc 11h đêm, sau khi các quan chức Trung Quốc liên tục trì hoãn để kiểm tra nội dung bản thảo.
Cả 2 bên đã thống nhất việc Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hoá của Mỹ, trong khi phía Mỹ sẽ tạm dừng kế hoạch đánh thuế, cũng như giảm quy mô đánh thuế hiện tại. Tuy nhiên, Trung Quốc sau đó đã trở nên thận trọng hơn trước việc công bố nội dung thoả thuận, bao gồm giá trị việc mua hàng, những cam kết và thời điểm kí kết thoả thuận.
Vào giữa tháng 12, Lighthizer nói rằng thoả thuận dự kiến sẽ kí trong tuần đầu tháng 1, sau đó Washington Post khẳng định ông Lưu Hạc sẽ dẫn đoàn đàm phán Trung Quốc đến Mỹ vào cuối tháng 12 để kí kết thoả thuận vào ngày 4/1.
Ở thời điểm này, ông Trump đã khiến phía Trung Quốc bất ngờ khi quyết định tự kí thoả thuận với ông Lưu Hạc, vốn là phó Thủ tướng Trung Quốc, một bước đi khá bất ngờ trong lịch sử các đời Tổng thống.
Thực tế là ông Tập không đến Washington để kí kết thoả thuận, kể cả khi ông Trump tuyên bố vào dịp giáng sinh cả 2 sẽ ký khi "gặp nhau".
"Quá rủi ro để ông Tập đến Mỹ và kí tên mình vào bản thoả thuận đó, nhất là khi ông Trump hoàn toàn có thể từ chối không kí vào phút cuối", Eleanor Olcott, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu TS Lombard, nhận định.
Việc ông Trump quyết định thay đổi thời điểm kí đã được phía Trung Quốc đồng ý, ông cũng nói rằng sẽ đến thăm Trung Quốc vào một thời điểm sau đó.
Lần cuối truyền thông thấy ông Tập nhắc đến thoả thuận giai đoạn 1 với Mỹ là trong cuộc điện đàm với ông Trump vào ngày 20/12. Khi đó, ông Tập nói rằng thoả thuận này là điều tốt với Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới. Tuy nhiên, thông điệp này có thể mang hàm nghĩa rộng hơn về mối quan hệ Mỹ - Trung đang ấm dần lên, thay vì chỉ đơn thuần là một thoả thuận thương mại tạm thời.
Ông Tập đã bày tỏ quan điểm lo ngại về những tuyên bố của Nhà Trắng với những vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương, nhưng nhất trí sẽ duy trì liên lạc thường xuyên với ông Trump.
Cuối cùng, việc kí kết thoả thuận giai đoạn 1 cũng được thực hiện vào ngày 15/1, tuy nhiên, nhiều người không tin rằng 2 bên sẽ có thể đạt được sự đồng thuận lớn hơn để tiến tới thoả thuận giai đoạn 2, thậm chí là việc Trung Quốc tuân thủ các cam kết đặt ra ngay trong thoả thuận vừa ký.
"Liệu cả 2 có một kế hoạch khả thi để đạt được các mục tiêu này?" Andy Rothman, chuyên gia tại quỹ đầu tư Matthew Asia đặt câu hỏi. "Hay thực chất cuối cùng sẽ lại là sự thất bại?"