Chiều 27/3, vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có phán quyết của tòa án, kết thúc tranh chấp sau nhiều năm kéo dài. Một trong những điểm đáng lưu ý là tòa án tuyên ông Vũ được hưởng 60% tài sản chung cũng như được chuyển giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên.
Về phần phân chia cổ phần Trung Nguyên, tòa xác định, tổng cộng ông Vũ và bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỷ đồng trong các công ty. Việc chia tài sản là cổ phần của vợ chồng về nguyên tắc là chia đôi có tính đến công sức đóng góp của hai bên, người nào có đóng góp nhiều sẽ được chia phần hơn.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ duy nhất 1 câu sau phiên xử: "Cứ sống thiện lành đi, nhất định mọi việc sẽ tốt".
Theo HĐXX, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên có 8 công ty, trừ Công ty Trung Nguyên Singapore thì tổng giá trị định giá là 5.737 tỷ đồng. HĐXX cho rằng quá trình hình thành tài sản chung, ông Vũ cùng gia đình tạo lập tập đoàn Trung Nguyên từ việc bán hai căn nhà của cha mẹ và vay mượn tiền bạn bè.
Khoảng 2 năm sau, khi Trung Nguyên đạt được những thành tựu nhất định, có thương hiệu, ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo. Sau đó, bà Thảo có góp vốn khoảng 10% vốn điều lệ.
"Số lượng vốn góp của ông Vũ luôn nhiều hơn bà Thảo trước khi giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Ông mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước và hỗ trợ thế hệ trẻ", chủ tọa đánh giá.
Cũng theo HĐXX, trải qua các giai đoạn hình thành và phát triển, ông Vũ luôn giữ vai trò lãnh đạo chính với vai trò chủ tịch HĐQT. Ông là người trực tiếp điều hành Tập đoàn Trung Nguyên với 9 công ty, hàng trăm quán cà phê và các hoạt động khác của tập đoàn.
Trong khi đó, bà Thảo có công nuôi dưỡng 4 người con, thường xuyên định cư ở nước ngoài. Lúc đó, ông Vũ chính là người đảm đương trách nhiệm phát triển tập đoàn.
Cũng theo HĐXX, sau khi có đơn ly hôn, thương hiệu King Coffee bắt đầu hình thành, do một người thân của bà Thảo nắm giữ vị trí lãnh đạo. Trong khi đó, bà Thảo lại chính là kênh tuyên truyền, ủng hộ cho hãng cà phê này, đói thủ trực diện của thương hiệu G7, thuộc Trung Nguyên.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng ghi nhận những đóng góp của bà Thảo tại công ty cũng như chăm sóc 4 con nhỏ. Toà cho rằng công sức của bà Thảo trong việc thành lập và phát triển các công ty ở Singapore là rất lớn. Song những công lao này sẽ được tách ra giải quyết bằng vụ án khác.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo buồn bã ngồi sụp xuống ghế khi tòa tuyên án.
"Cần thiết giao cho ông Vũ quyền điều hành Trung Nguyên, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của đương sự". Từ đó, toà quyết định giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ quyền điều hành tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ có trách nhiệm thanh toán cho bà Thảo theo quy định.
Ngoài ra, HĐXX cũng xét thấy thời gian qua Trung Nguyên trải qua hàng loạt lớn nhỏ ảnh hưởng tới thương hiệu và hoạt đông của các công ty trong tập đoàn. Nhận thấy việc hai vợ chồng đều nắm giữ cổ phần trong tập đoàn Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của doanh nghiệp này, nên HĐXX quyết định giao ông Vũ tất cả cổ phần trong tập đoàn. Ngược lại, ông Vũ phải có trách nhiệm thanh toán tiền mặt tương ứng số cổ phần cho bà Thảo.
Về bất động sản, bà Thảo nhận 7 nhà đất đang quản lí có giá trị hơn 375 tỷ đồng. Còn ông Vũ nhận 6 bất động sản do ông quản lí với tổng giá trị hơn 350 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Thảo sẽ được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3).
Đối với 1.764 tỷ đồng bao gồm tiền, vàng và ngoại tệ trong ngân hàng do bà Thảo đứng tên, tòa tuyên người phụ nữ được nắm giữ hoàn toàn. Còn ông Vũ sở hữu cổ phần tại các công ty 5.573 tỷ đồng.
Ông Vũ có nhiệm vụ phải thanh toán toàn bộ tiền mặt cho bà Thảo sau khi cấn trừ phần tiền tại ngân hàng đã chia. Ngoài ra, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải thanh toán án phí và các chi phí khác lên tới gần 100 tỷ đồng.