Vì sao nhiều quốc gia tiếp tục đặt hàng T-90S thay vì T-90MS?

Sao Đỏ |

Ngoài Việt Nam, sắp tới Nga sẽ cung cấp cho Quân đội Iraq 73 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và T-90SK.

Việc nhà sản xuất Uralvagonzavod (UVZ) của Nga tiếp tục giành được hợp đồng bán xe tăng T-90S thay vì phiên bản đời mới và cao cấp hơn là T-90MS có thể coi như một bất ngờ tương đối thú vị, càng ngạc nhiên hơn khi dây chuyền lắp ráp T-90 đã chuẩn bị đóng cửa để dồn sức cho T-14 Armata.

Tuy vậy, nếu phân tích kỹ thì quyết định của những quốc gia trên khi tiếp tục đặt niềm tin vào T-90S không có gì là bất hợp lý.

Vì sao nhiều quốc gia tiếp tục đặt hàng T-90S thay vì T-90MS? - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S

Đầu tiên phải khẳng định rằng T-90S là một chiếc chiến xa mạnh toàn diện trên cả hai lĩnh vực tấn công và phòng thủ, nó được trang bị pháo 2A46-M5 cỡ nòng 125 mm đi kèm lớp giáp phức hợp composite vững chắc, lại được bổ sung giáp phản ứng nổ Kontak-5 cùng hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, kết hợp với sức cơ động cao của động cơ V-92S2 công suất 1.000 mã lực.

Quan trọng hơn, T-90 đã trải qua thực tế chiến trường. Tại Syria, những chiếc T-90A (phiên bản nội địa có tính năng tương tự T-90S) rất nhiều lần sống sót sau khi bị tên lửa chống tăng tấn công vào đủ mọi vị trí. Hệ thống điện tử cùng vũ khí của nó thích nghi khá tốt trước điều kiện khí hậu nhiệt đới, giúp Quân đội Syria tạo nên những chiến thắng rất quan trọng.

Trong khi đó, T-90MS mặc dù được quảng cáo là ưu việt hơn hẳn nhưng lại chưa "thử lửa" trong chiến tranh, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới những khách hàng vốn quen đặt mua các loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự mà tính năng đã được kiểm chứng.

Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng xét trên một vài phương diện cụ thể, T-90S không hề thua kém, thậm chí còn chiếm giữ lợi thế nhất định trước T-90MS.

Vì sao nhiều quốc gia tiếp tục đặt hàng T-90S thay vì T-90MS? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS

Đơn giá hiện tại của một chiếc T-90S vào khoảng 4 triệu USD, còn T-90MS là 5 triệu USD, chênh lệch tới 25 %, đối với những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế thì đây là yếu tốt không thể bỏ qua.

Xét về độ cơ động, T-90S mặc dù chỉ được lắp động cơ diesel tăng áp V-92S2 công suất 950 mã lực nhưng do trọng lượng ở mức 46,5 tấn mà sức cơ động của nó không quá khác biệt khi đua tranh cùng T-90MS (trọng lượng 48 tấn, lắp động cơ V-92S2F 1.130 mã lực).

Lớp bảo vệ của T-90MS ưu việt hơn T-90S nhờ giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 3 Relikt hiệu quả hơn 40% Kontakt-5, nhưng cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 vừa qua cho thấy các đời xe tăng cũ hơn như T-72B3 vẫn mang được giáp Relikt nếu muốn. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu, việc tích hợp loại ERA này cho T-90S sẽ chẳng có gì khó khăn.

Cuối cùng, nhược điểm bị coi là "chí tử" của T-90MS nằm ở cơ số đạn quá ít, chỉ vỏn vẹn 22 viên trong máy nạp đạn tự động, số dự trữ phải đưa ra ngoài thân xe, nằm sau tháp pháo do không gian bên trong đã bị chiếm chỗ bởi những thiết bị điện tử tích hợp thêm. Khi bắn hết đạn, kíp xe buộc phải phơi mình trước hỏa lực địch để vận chuyển đạn vào trong khoang.

Mọi việc còn tồi tệ hơn ở bản T-90MS nhiệt đới hóa mà Nga đang chào hàng ở Trung Đông, lúc này khoang dự trữ đạn thậm chí chẳng còn vì đã bị cục nóng của chiếc điều hòa nhiệt độ thay thế. Rõ ràng chẳng người lính nào muốn ra trận với khẩu súng chỉ có nửa cơ số đạn.

Sau khi điểm qua một vài ưu nhược điểm của T-90S và T-90MS, không loại trừ khả năng trong tương lai, phiên bản T-90 cũ hơn vẫn tiếp tục nhận được các đơn hàng mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại