Vì sao nhiều nước châu Âu đổ xô mua vaccine COVID của Trung Quốc, Nga

Thu Hằng |

Trong khi Vương quốc Anh vui mừng với dấu mốc tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho 15 triệu người, thì nhiều nước châu Âu khác vẫn chưa tiêm được một liều vaccine nào.

Người dân Serbia tập trung chờ tiêm phòng COVID-19. Ảnh: BBC

Người dân Serbia tập trung chờ tiêm phòng COVID-19. Ảnh: BBC

Theo CNN, các quốc gia vùng Tây Balkan như Kosovo, Montenegr và Bosnia - Herzegovina vẫn đang chờ nhận lô hàng vaccine đầu tiên, trong khi Albania và Bắc Macedonia tới nay mới tiêm được cho vài trăm người. Các nước Tây Balkan vốn là đồng minh then chốt và là thành viên tương lai của Liên minh châu Âu (EU), nhưng họ đã bị bỏ rơi trong kế hoạch cung ứng vaccine khẩn cấp của khối.

EU đã đảm bảo nguồn cung trên 2,3 tỉ liều vaccine COVID các loại và cho biết họ sẽ chia sẻ một số với các nước khác. Khối cũng dành riêng quỹ 70 triệu euro cho vùng Tây Balkan để mua một số trong nguồn vaccine này trong tương lai, nhưng do chiến dịch triển khai bị chậm và trì hoãn, các nước Tây Balkan vẫn phải chờ đợi.

Và do là những nước tương đối giàu có, ít nhất đặt trong bối cảnh toàn cầu, họ cũng không phải là những nước được ưu tiên hàng đầu cho những chương trình được thiết kế nhằm giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tiếp cận được vaccine COVID.

Các nước Tây Balkan đã tham gia chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc nhưng nguồn cung hạn chế của chương trình chỉ cho phép tập trung vào 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình không đủ khả năng mua vaccine và các nước Tây Balkan không nằm trong số đó.

Với tư cách là các thành viên COVAX tự bỏ kinh phí, họ sẽ được nhận 850.000 liều vaccine các loại nhưng đến thời điểm này, việc có vaccine đến tay hay không còn chưa rõ ràng.

Allison Carragher, một học giả thỉnh giảng tại tổ chức Carnegie Europe, cho biết: “Bi kịch liên tiếp của Tây Balkan là họ đang ở ngoài rìa. Họ đều là những thành viên hứa hẹn của EU, vì vậy họ đã xem xét chương trình của EU trước tiên, nhưng kế hoạch đó lại bị lung lay và trì hoãn bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng".

Vì sao nhiều nước châu Âu đổ xô mua vaccine COVID của Trung Quốc, Nga  - Ảnh 1.

Triển khai tiêm vaccine COVID ở Serbia. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc nhanh chân đáp ứng

Đối mặt với nguy cơ phải chờ đợi lâu, Serbia, quốc gia lớn nhất trong 6 nước Balkan, đã phải tự thân vận động, tìm kiếm vaccine ở mọi nơi có thể. Các đối tác Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng đến với họ.

Chính phủ Serbia cho biết Trung Quốc tới nay đã cung cấp cho nước này 1,5 triệu liều vaccine của Sinopharm, giúp đất nước 7 triệu dân vượt lên hàng đầu trong cuộc đua tiêm chủng COVID toàn cầu. Khoảng 850.000 người dân Serbia đã được tiêm chủng, tính đến ngày 15/2.

Phần lớn số đó được tiêm vaccine Trung Quốc, mặc dù chính phủ cũng đã nhận được 90.000 liều vaccine Sputnik V của Nga và 40.950 liều vaccine Pfizer/BioNTech.

Adnan Cerimagic, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu và chính sách ESI, nói rằng nếu không có vaccine Trung Quốc, Serbia sẽ ở vị trí tương tự như phần còn lại của khu vực.

"Toàn bộ thành công của chương trình tiêm chủng dựa vào Trung Quốc và tôi nghĩ rằng nó cũng đã có ích với Trung Quốc, sử dụng Serbia như một nơi mà họ có thể tạo ảnh hưởng ở châu Âu ... Các báo cáo truyền thông nói rằng nhờ có vaccine Trung Quốc, Serbia đã làm tốt hơn cả Đức và nhiều nước khác”, ông Cerimagic nói.

Vì sao nhiều nước châu Âu đổ xô mua vaccine COVID của Trung Quốc, Nga  - Ảnh 3.

Vaccine Sputnik V của Nga vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại EU. Ảnh: CNN

Học giả Allison Carragher cũng cho biết thoả thuận vaccine cho phép hai bên cùng có lợi. Trung Quốc cũng đạt được nhiều lợi ích, đặc biệt là với Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tạo ra các hàng lang thương mại mới nối Trung Quốc với châu Á, châu Phi và châu Âu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố mục tiêu của ông là đưa Tây Balkan trở thành khu vực đầu tiên nằm hoàn toàn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Nhờ nhanh chóng ký các hợp đồng vaccine với Trung Quốc và Nga, giờ đây Serbia khá rảnh tay triển khai chiến dịch chủng ngừa đại trà của mình. Tuần trước, họ còn thông báo tặng 4.000 liều vaccine Sputnik của Nga cho Montenegro. Món quà tuy ít ỏi nhưng thể hiện thiện chí và tình hữu nghị giữa hai quốc gia cùng khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng Tây Balkan là một vùng chiến lược với EU và Liên minh hoàn toàn có thể làm tốt hơn trong vấn đề vaccine với các quốc gia trong khu vực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại