Vì sao nhiều người Israel sống gần Gaza lại phản đối lệnh ngừng bắn với Hamas?

Hùng Cường |

Lo sợ vòng xoáy xung đột tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều người Israel sống gần Dải Gaza tỏ ra không thực sự hài lòng với thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và Hamas.

Binh sĩ Israel trở về nhà sau khi lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực. Ảnh: EPA.

Binh sĩ Israel trở về nhà sau khi lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực. Ảnh: EPA.

Linoi Hazam, một nhân viên bảo vệ 22 tuổi, sống ở khu vực cách Gaza 20 dặm đang lái xe trên đường cao tốc thì các mảnh vỡ từ một quả tên lửa rơi xuống chỉ cách vị trí của cô vài dặm. Hazam nhanh chóng ra khỏi xe, nằm úp xuống mặt đường, hai tay che đầu để giữ an toàn.

Trong cuộc xung đột kéo dài gần hai tuần giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza vừa qua, Hazam cho biết, cô không thể nhớ hết số lần phải chạy trốn hỏa lực tên lửa.

Lệnh ngừng bắn ở Gaza do Ai Cập làm trung gian có hiệu lực lúc 2h sáng 21/5 đã ngăn chặn các vụ tấn công qua lại giữa Israel và lực lượng Hamas – phong trào vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza.

Các bãi biển, quán bar, quán cà phê lại đông đúc, trường học và các văn phòng cũng đã mở cửa trở lại, cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường.

Nhưng Hazam lo ngại rằng việc Israel sẵn sàng ngừng bắn vào tuần trước có thể truyền tải thông điệp không đủ cứng rắn đến Hamas – lực lượng đã dọa sẽ mở các cuộc tấn công tiếp theo bất cứ lúc nào.

Đối với nhiều người đang sinh sống ở khu vực phía Nam Israel, việc tạm ngừng chiến đấu chống lại Hamas đến cuối cùng lại là một việc làm vô nghĩa. Một cuộc thăm dò dư luận do Kênh 12 tiến hành tuần trước cho thấy, 72% người Israel được hỏi nói rằng họ không đồng tình với lệnh ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hamas.

Theo Washington Post, lệnh ngừng bắn “vô điều kiện” không giải quyết được các yêu cầu ban đầu của phía Israel, trong đó bao gồm việc trao trả hài cốt của 2 dân thường và 2 binh sĩ được cho là bị Hamas giam giữ sau đó thiệt mạng, hay mục tiêu rộng hơn là ngăn chặn Hamas nã rocket vào lãnh thổ Israel.

Vào cuối tuần qua, khi người dân ở Gaza tìm kiếm những nạn nhân thiệt mạng trong đống đổ nát của các tòa nhà bị xóa xổ sau các đợt tấn công của quân đội Israel thì người Israel lại lên tiếng bày tỏ sự thất vọng đối với cái cách chiến dịch kết thúc.

Yulie Lavie, 34 tuổi, sống ở Ashdod và phục vụ trong quân đội Israel nói: “Chúng tôi đã ngừng bắn, nhưng sau đó thì sao? Tất cả chúng ta đều thấy rõ rằng vòng xoáy xung đột mới sẽ chỉ là vấn đề thời gian”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 21/5 khẳng định: “Israel đã giáng một đòn mạnh vào các tổ chức khủng bố… đồng thời thiết lập tính răn đe. Không phải tất cả mọi thứ đều được công chúng biết đến và Hamas cũng không biết hết được mọi thứ đã xảy ra, nhưng những thành quả của chúng tôi sẽ dần được tiết lộ theo thời gian”.

Người phát ngôn quân đội Israel Hidai Zilberman cho biết, ít nhất 100 lãnh đạo quân sự cấp cao của Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad đã bị ám sát trong cuộc xung đột vừa qua. Ông này cũng nói rằng các cuộc không kích của Israel đã gây ra thiệt hại đáng kể cho mạng lưới đường hầm dưới lòng đất – nơi Hamas được cho là sản xuất và lưu trữ vũ khí.

“Giai đoạn hành động quân sự đã kết thúc”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nhấn mạnh. “Giờ là thời điểm để giải quyết vấn đề chính trị”. Ông Gantz cho biết ông đang trao đổi với lãnh đạo của các quốc gia Arab ôn hòa để theo đuổi mục tiêu đó.

Giải pháp hai nhà nước gặp khó khăn

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước nói rằng cuộc xung đột mới nhất ở Gaza cho thấy “chúng ta vẫn cần một giải pháp hai nhà nước”, trong đó một nhà nước Palestine độc lập sẽ tồn tại song song với nhà nước Israel.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại xung đột ở Gaza đã và đang có xu hướng trở nên phức tạp hơn bởi có sự can dự sâu hơn của các thế lực bên ngoài.

Amoyel Mair, 75 tuổi, một người dân Israel cho rằng, vấn đề của Israel với người Palestine ở Gaza thực sự bắt nguồn từ mối quan hệ đối đầu với Iran.

Theo ông Mair, với sự hỗ trợ của Iran, Hamas đã kích hoạt chiến thuật mới khi gần như đồng thời nã pháo và rocket nhằm vào nhiều địa điểm để áp đảo hệ thống phòng thủ chống tên lửa Vòm sắt của Israel.

“Một khi vấn đề Iran được giải quyết, vấn đề Hamas hay như cả vấn đề Hezbollah cùng toàn bộ các vấn đề cục bộ khác sẽ dễ dàng được kiểm soát hơn”, ông Mair nói.

Do Israel phải cùng lúc đối mặt với nhiều rắc rối không có hồi kết nên người dân nước này hy vọng quân đội của họ sẽ tiếp tục “cắt cỏ” – trong trường hợp này là tấn công các cơ sở sản xuất và lưu trữ tên lửa của Hamas theo định kỳ và vô thời hạn. Kết quả là, chiến tranh sẽ còn tiếp tục nổ ra sau một khoảng thời gian không xác định.

Hazam bi quan chia sẻ: “Trong một vài năm, có thể ít hơn, toàn bộ cảnh này sẽ quay trở lại mà thôi. Đối với chúng tôi, bây giờ, chúng tôi đang quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để phải chứng kiến một cuộc chiến tiếp theo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại