Nhật Bản vẫn tổ chức lễ rước đuốc Olympic Tokyo bất chấp dịch bệnh. Ảnh: AP
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), IOC khẳng định Olympic Tokyo 2020 phải được diễn ra cho dù có đại dịch hay không. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của họ - như trường hợp vào tháng 3 năm ngoái khi các nhà tổ chức miễn cưỡng buộc phải hoãn Thế vận hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan nhanh.
Mặc dù Thủ tướng Suga khẳng định “sẽ không bao giờ coi việc tổ chức Olympic là ưu tiên hàng đầu” song cho đến hiện tại, cả IOC và chính quyền của ông đều chưa có tuyên bố chính thức để giải đáp câu hỏi liệu sự kiện thể thao có tiếp tục hay không.
Trong khi đó, công chúng Nhật Bản đã tỏ thái độ rõ ràng. Trong một cuộc khảo sát mới nhất do nhật báo Yomiuri công bố, 59% người tham gia bày tỏ họ mong muốn sự kiện được hủy. Trên trang change.org, đơn kiến nghị với tiêu đề “Hủy Olympic Tokyo để cứu mạng người” đã nhận được trên 350.000 chữ ký chỉ sau một tuần kêu gọi.
Người phát ngôn IOC Mark Adams ngày 12/5 cho biết ý kiến của công chúng sẽ không thể làm xoay chuyển suy nghĩ của ban tổ chức cũng như các đối tác. “Câu hỏi được đặt ra là không phải có hay không, mà là Olympic Tokyo sẽ diễn ra như thế nào”, người đứng đầu IOC Thomas Bach khẳng định vào hồi tháng 3. Tuy nhiên, số phận của sự kiện thể thao này sẽ nằm trong tay những người quan trọng nhất – vận động viên và các quốc gia họ đại diện.
“Thủ tướng Suga đang chịu sức ép lớn từ các đảng đối lập và thống đốc của 47 tỉnh Nhật Bản, những người có thể yêu cầu kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc”, Giáo sư Craig Mark đang làm việc Khoa Nghiên cứu Quốc tế Đại học Kyoritsu cho biết. “Công chúng Nhật Bản cũng đang lên tiếng nhiều hơn, trong các cuộc biểu tình trên đường phố cũng như trên phương tiện truyền thông xã hội, yêu cầu hoãn hoặc hủy Thế vận hội. Các cơ quan y tế, bao gồm các nhân viên căng thẳng và phải làm việc quá sức, cũng đang yêu cầu cứu trợ. Việc các quốc gia khác có quyết định cử vận động viên của họ đến Tokyo hay không có thể là yếu tố quyết định để Thế vận hội diễn ra”.
Ban tổ chức Olympic phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo sự kiện diễn ra an toàn. Ảnh: Reuters
Đầu năm 2020, sau khi đại dịch COVID-19 lây lan đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngay cả IOC cũng như các nhà tổ chức cảm thấy chưa cần phải hoãn sự kiện. Chỉ đến khi Australia và Canada nói rằng họ sẽ không cho các vận động viên đến Tokyo, các nhà tổ chức mới thông báo hoãn.
“Chính quyền của Thủ tướng Suga rất kiên định trong việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 vì họ đã đầu tư cả về tài chính lẫn mong mỏi chính trị vào sự kiện này. Mặc dù không chắc chắn chính phủ Nhật Bản và chính quyền thành phố Tokyo sẽ chịu trách nhiệm tài chính như thế nào nếu Olympic bị hủy bỏ, song điều đó có nghĩa là 26 tỷ USD đã bỏ ra sẽ mất trắng. Thủ tướng Suga hy vọng chính quyền của ông sẽ càng nâng cao được vị thế nếu tổ chức thành công Thế vận hội bất chấp đại dịch. Sau đó, Thủ tướng Suga có thể quyết định tổ chức cuộc bầu cử vào Hạ viện vào tháng 8, trước khi ông phải đối mặt với cuộc bầu cử thủ lĩnh của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9”, Giáo sư Craig Mark chỉ ra sự kiện Olympic thành công trong đại dịch sẽ giúp Thủ tướng Suga xuất hiện như một người hùng.
Kịch bản tồi tệ nhất xảy ra đối với Thủ tưởng Suga là Olympic Tokyo sẽ trở thành một sự kiện “siêu lây nhiễm”. “Rõ ràng Thủ tướng Suga đang tham gia một canh bạc lớn, trước sự phản đối mãnh liệt của công chúng đối với Thế vận hội diễn ra vào mùa Hè này. Ngay cả khi sự kiện diễn ra tương đối suôn sẻ thì cử tri Nhật Bản có thể sẽ bất bình với chính quyền của ông Suga vì dường như ưu tiên Thế vận hội trên sức khỏe cộng đồng”, nhà phân tích Craig nhận định. “Vì những lý do chính trị trên, có vẻ như Olympic Tokyo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi không có khán giả. Chính quyền Thủ tướng Suga đang tìm cách gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, nhưng hiện tại đây là một cuộc chạy đua tuyệt vọng trong bối cảnh các biến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng với làn sóng dịch bệnh thứ 4 đang tràn vào Nhật Bản”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ hy vọng đến phút cuối, Nhật Bản và IOC sẽ đưa ra được những quyết định cần thiết để đảm bảo thể thức an toàn nhất.
Tính đến sáng 16/5, Nhật Bản ghi nhận gần 650.000 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 11.000 trường hợp tử vong. Vào ngày 8/5, số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ đã đạt mức kỷ lục kể từ tháng 1 với 7.200 ca mắc. Vào thời điểm đếm ngược 100 ngày tới Olympic Tokyo, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 của Nhật Bản mới chỉ đạt 1% - 1,1 triệu người trong số 126 triệu dân.