Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là nhận định trong bản báo cáo được Đại học Peking, Trung Quốc công bố hôm 9/4.
Theo bản báo cáo trên, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ không còn can thiệp vào hoạt động của quân đội Mỹ trên Biển Đông, dù thực tế, hải quân Mỹ đang gia tăng cả tần suất và cường độ xuất hiện ở vùng biển chiến lược.
“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông cũng như tạo ra các vùng xám giữa hòa bình và xung đột để xác định giới hạn cuối cùng của Trung Quốc. Song hành động này có thể dẫn tới một cuộc xung đột hay chiến tranh quy mô nhỏ”, báo cáo của Đại học Peking viết.
Kể từ năm 2015, hải quân Mỹ đã cho tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tiến lại gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của chính quyền Bắc Kinh.
Trong đó, hải quân Mỹ từng 4 lần tiến hành tuần tra ở Biển Đông dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama. Và dưới thời Tổng thống đương nhiệm Donald Trump , hải quân Mỹ đã 11 lần lại gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
“Dưới thời Tổng thống Obama, hoạt động tuần tra ở Biển Đông mang tính chiến lược nhiều hơn và được xác định không đẩy tình hình căng thẳng lên cao”, ông Hu Bo, đồng tác giả của bản báo cáo và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược hàng hải ở Đại học Peking nhận định.
Theo ông Hu, chính quyền của Tổng thống Trump đã trao quyền cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (PACOM) xử lý tình hình ở Biển Đông. Động thái này “chắc chắn sẽ tạo ra thêm rủi ro và nguy hiểm” ở Biển Đông, ông Hu nói.
“Sau khi các khoản ngân sách và kế hoạch quốc phòng được phê duyệt, hầu như phương thức hoạt động không được nhắc tới”, ông Hu chia sẻ.
Nhận định trên của ông Hu được đưa ra sau khi một số quan chức cấp cao của Mỹ như cựu Tư lệnh PACOM Harry Harris, người kế nhiệm của ông Harris là Philip Davidson và Tư lệnh hải quân John Richardson nhiều lần lên tiếng đe dọa có phản ứng cứng rắn hơn để đối phó với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Điều đáng ngại là những quan chức chủ chốt nằm trong bộ máy đưa ra quyết định quân sự lại có cùng chung một nhận định”, ông Hu nhấn mạnh.
Trong khi đó, một mối quan ngại khác cũng xuất hiện là việc quân đội Trung Quốc có thể đưa ra hành động đáp trả Mỹ một cách mạnh mẽ.
Điển hình hồi tháng trước, Thượng tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, hải quân Trung Quốc có thể sẽ dần mất kiên nhẫn trước những hành động của Mỹ ở Biển Đông.
“Trong bối cảnh năng lực quân sự gia tăng, chúng ta sẽ có thêm nhiều hành động để đối phó trước sự khiêu khích”, ông Zhou nói.
Một trong những sự kiện chứng minh nguy cơ đối đầu quân sự giữa hải quân Mỹ - Trung ngày càng lớn ở Biển Đông là vào tháng 9/2018.
Cụ thể, vào ngày 30/9/2018, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động của tàu Luyang buộc tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.
Theo luật hàng hải quốc tế, tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hoàn toàn được phép di chuyển gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Tuy nhiên, tàu chiến Lanzhou của Trung Quốc lại có pha áp sát nguy hiểm buộc tàu hải quân Mỹ phải thay đổi lộ trình để tránh va chạm.
Không ít lần Trung Quốc điều động tàu thuyền tới “cảnh báo và ngáng đường’’ tàu chiến Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Nhưng sự kiện hồi tháng Chín năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc tiến lại gần và ở khoảng cách mất an toàn với tàu hải quân Mỹ.
Cũng theo ông Hu, Mỹ - Trung cần tiến hành đối thoại mang tính “hiệu quả hơn” bao gồm việc kiểm soát tình hình vũ trang ở Biển Đông để tránh nguy cơ căng thẳng leo thang dẫn tới những va chạm đáng tiếc trong tương lai.
“Điều quan trọng nhất là làm rõ mục đích chiến lược của mỗi bên”, ông Hu kết luận.