Hiện tại, trên thị trường mặt bàn bếp phổ biến nhất là 2 loại đá tự nhiên và đá thạch anh. Tuy nhiên, gần đây, mặt bàn inox đang ngày càng trở nên phổ biến hơn và thậm chí còn trở thành xu hướng được dân tình Trung Quốc thi nhau sử dụng.
Vậy điều gì đã khiến mặt bếp inox thu hút được sự quan tâm như vậy?
1. Tạo thành một thể thống nhất với bồn rửa
Vì inox có khả năng hàn nối nên khi lắp đặt mặt bàn sẽ có thể dễ dàng kết hợp với bồn rửa thành một khối liền mạch. Điều này không chỉ mang lại vẻ ngoài gọn gàng, đồng bộ cho không gian bếp mà còn tránh được vấn đề nước tích tụ xung quanh bồn rửa - nơi dễ bị bẩn và vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng không cần lo việc mặt bếp bị rơi, vỡ như khi dùng mặt bếp đá.
Đây cũng là lý do mà nhiều gia đình chọn lắp đặt mặt bàn inox thường tích hợp luôn với bồn rửa.
2. Chịu nhiệt tốt
Inox có khả năng chịu nhiệt tốt nên dù lắp đặt bếp ga âm trên mặt bàn bếp, bạn cũng không cần lo về việc nhiệt độ cao gây nứt vỡ. Mặc dù trên thị trường có nhiều loại bàn bếp chất liệu khác cũng chịu nhiệt được, nhưng so với gỗ tự nhiên hay acrylic, inox vẫn mang lại sự yên tâm hơn hẳn.
Một người có tên @more chia sẻ: "Nhà mình theo phong cách nội thất gỗ nên lắp mặt bàn bếp bằng gỗ cho đồng bộ. Nhưng cuối cùng mặt bếp gỗ lại cháy hỏng, mình phải thay quá tiếc tiền".
3. Chống trầy xước, mài mòn
Mặt bàn bếp inox cũng có khả năng chống trầy xước và mài mòn cực đỉnh. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen dùng cọ sắt để lau chùi thì cũng không tránh khỏi bị xước xát, không chỉ mặt bếp inox mà chất liệu nào cũng vậy thôi.
Mặt bàn bếp inox càng sử dụng cẩn thận thì càng sáng bóng và luôn sạch sẽ. Dùng lâu vẫn bền mà độ mới vẫn cao, đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn bếp của bạn.
4. Không lo bị mốc
Với mặt bàn đá thạch anh hay đá nhân tạo, thông thường sẽ có các khe nỗi giữa các phiến đá phải dùng keo để trám lại. Qua thời gian, keo này dễ bị mốc, ố vàng và rất khó vệ sinh.
Mặt bàn inox lại không cần dùng keo nên bạn sẽ không phải lo lắng về việc bị mốc, giúp việc bảo trì sau này nhàn hơn nhiều.
5. Dễ dàng vệ sinh
Nhà bếp là khu vực dễ bám dầu mỡ nhất nên việc làm sạch rất quan trọng. Với các mặt bàn bằng đá, khi bị bám dầu, gần như vết bẩn sẽ rất cứng đầu và khó lau sạch.
Nhưng với mặt bàn inox, bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề này. Thậm chí, ngay cả khi không dùng chất tẩy rửa, bạn chỉ cần lau nhẹ là mặt bàn đã sạch bóng như mới.
6. Thân thiện với môi trường
Dù là mặt bàn đá hay gỗ đều có những vấn đề liên quan đến môi trường. Đá có thể gây phóng xạ, còn gỗ thì thường chứa formaldehyde. Vì vậy, đối với những gia đình quan tâm đến môi trường thì mặt bàn inox là lựa chọn tối ưu hơn.
Không chỉ vậy, mặt bàn inox còn có tuổi thọ dài. Bạn không cần lo về việc bị nứt vỡ, bám màu hay xuống cấp.
Cách chọn mặt bàn inox
Cũng giống như các loại vật liệu khác, inox cũng có loại tốt và loại kém. Ví dụ, có inox cấp thực phẩm - loại inox được sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Loại inox này, điển hình như các mã 304, 316 và 430 được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm nhà bếp như chảo, nồi và mặt bàn vì đặc tính chống ăn mòn, không phản ứng với thực phẩm và an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra còn có thép công nghiệp với mã 201, 202. Thép công nghiệp được ứng dụng chủ yếu trong công nghiệp và sản xuất, không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên thường có khả năng chống ăn mòn kém hơn, độ bền và chi phí cũng thấp hơn hơn.
Tuy nhiên, nếu dùng cho mặt bàn bếp, inox chia thành hai loại chính: loại đặc và loại có lớp lõi bên trong. Ngoài ra, mặt bàn còn có nhiều kiểu hoàn thiện bề mặt khác nhau như: vân xước, bóng ngọc trai, họa tiết kim cương, bề mặt mịn và thép titan. Mỗi loại hoàn thiện mang lại một vẻ đẹp và phong cách khác nhau.
1. Mặt bàn đặc
Mặt bàn inox đặc còn được gọi là inox nguyên chất, có độ dày từ 5mm, 6mm, 8mm đến 10mm. Độ dày càng lớn thì độ bền càng cao và đương nhiên giá cả cũng cao hơn, thậm chí có thể gấp đôi so với mặt bàn có lớp lõi bên trong. Mặt bàn inox đặc rất phù hợp cho các không gian bếp yêu cầu tính bền bỉ và chắc chắn.
Nếu nói về các kiểu hoàn thiện bề mặt, bạn nên chọn bề mặt mịn hoặc thép titan. So với các kiểu như họa tiết kim cương hay bóng ngọc trai, những bề mặt này có độ tinh xảo cao hơn, vẻ ngoài cũng đẹp mắt hơn và có khả năng chống trầy xước hiệu quả.
2. Mặt bàn có lớp lõi bên trong
So với mặt bàn đặc, mặt bàn có lớp lõi bên trong sử dụng thép không gỉ dày 1.0mm hoặc 1.2mm, sau đó được gia cố để tạo độ dày từ 2 đến 4cm. Lớp lõi bên trong thường là ván ép nhiều lớp hoặc tấm nhôm lớn. Loại mặt bàn này có tỷ lệ giá thành hợp lý và chất lượng ổn nên trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình khi làm mặt bàn inox.
Nếu bạn có ngân sách hạn chế thì mặt bàn inox có lớp lõi bên trong là một lựa chọn khá hợp lý. Giá cụ thể sẽ phụ thuộc vào kiểu hoàn thiện bề mặt khác nhau.
Tóm lại, xét về tính thực dụng và độ bền, mặt bàn inox rõ ràng là lựa chọn tốt. Tuy không thể phủ nhận rằng mặt bàn đá thạch anh cũng vẫn tốt, chỉ là trên thị trường có nhiều hàng giả, nếu không biết cách phân biệt, bạn rất dễ gặp phải tình trạng mặt bếp ố vàng, đổi màu hoặc nứt vỡ, xuống cấp.
Nguồn: 163.com