Trong bài Pháp đầu tiên Đức Phật thuyết tại Vườn Nai về Tứ Diệu Đế, thì Sự Thật (đế) đầu tiên Người giảng về Khổ Đế, chính là về nỗi đau khổ của con người, để qua đó hiểu rằng: ai cũng có thể gặp đau khổ. “Khổ” tồn tại trong từng sát-na của đời sống, mà ngay cả người sống tốt thì cuộc đời vẫn đầy rẫy khổ đau.
Chuyện Bao Công và cậu bé mù xây cầu qua sông
Khoảng thế kỷ XI - Bao Công, còn được biết đến với tên Bao Thanh Thiên, là một vị quan thanh liêm có tài xử án thời Nam Tống, với nhiều câu chuyện truyền kì về cuộc đời ông. Dưới đây là một câu chuyện như thế.
Cùng thời đó có một cậu bé tàn tật bị què mất một chân, không cha không mẹ lang thang ăn xin trong làng. Năm lên 10 tuổi, cậu bé què làm một việc vô cùng kì lạ, là gánh đá lấp suối làm cầu cho mọi người bước qua.
Vì việc làm có vẻ ngớ ngẩn nên mọi người mặc kệ cậu bé với hành động kì quái của mình, cho đến ngày đống đá nhô lên thành ụn đất cao, người dân trong làng mới cùng nhau góp công, góp của xây cầu để việc đi lại thuận lợi và an toàn hơn.
Trong một lần đập vụn đá thô, cậu bị đá văng vào mắt và mù lòa vĩnh viễn. Nhưng điều đó không cản trở thành tâm muốn hoàn thành cây cầu, cậu bé vẫn tiếp tục lấp đá cho tới ngày cây cầu được xây xong. Vào ngày được thỏa mãn ước nguyện, trên môi cậu bé nở lên một nụ cười mãn nguyện, đó cũng là lúc trên trời dội lên một tiếng sét đánh chết cậu bé ngay tức thì.
Trước cái chết thương tâm của một cậu bé tuy tàn tật nhưng lại luôn một lòng làm việc tốt vì người khác, dân làng ai oán khóc than. Tại sao một đứa bé ngoan ngoãn hiền lành, luôn sống vì người khác, lại nhận lấy một kết cục thê thảm đến vậy?
Vừa lúc đó, Bao Công đi qua, người dân chặn kiệu kể lại sự tình, cho rằng trời xanh không có mắt. Ngài cảm thương tột độ và thấy giận dữ vì cuộc đời quá bất công liền viết nên sáu chữ: “Thà làm việc xấu còn hơn làm điều tốt” (ninh hành ác, vận hành thiện).
Sau khi kết thúc chuyến đi, Bao Công trở về kinh thành, báo cáo tình hình dân chúng cho Hoàng thượng.
Vua Tống lúc này mới sinh được một hoàng tủ trắng trẻo, khôi ngô, nhìn rất thông minh nhưng lại rất hay khóc, mỗi lúc khóc thì không ai dỗ được, và đặc biệt là bàn tay hoàng tử lúc nào cũng nắm chặt.
Vua mời Bao Công tới thăm hoàng tử, đồng thời xem có cách gì để giúp đứa bé này được không, thì vừa hay khi mới chạm nhẹ vào tay thì hoàng tử bất ngờ mở tay ra, trên tay có sáu chữ: “ninh hành ác, vận hành thiện”.
Truyền thuyết kể lại rằng, nhờ chiếc gối Âm Dương, Bao Công gặp được một vị trời hỏi về sự việc kì lạ này, được trả lời rằng: Trong quá khứ, cậu bé kia từng là kẻ đại gian ác, giết người cướp của, hiếp đáp kẻ yếu, nên phải trả nghiệp bằng ba kiếp què, mù, và bị sét đánh chết.
Tuy nhiên, khi là cậu bé tàn tật què chân, người này lại hướng thiện luôn hành động vì người khác, vậy nên nghiệp xấu rút ngắn lại chỉ phải trả trong một đời. Với thiện nghiệp gieo trong đời đó, cậu bé đã có một tái sinh tốt đẹp, được hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý trong cung vua phủ chúa, chính là Hoàng tử ngày nay.
Chữ “Nghiệp” của nhà Phật nói tới không chỉ được hiểu theo nghĩa “nghiệp xấu” mà còn bao hàm cả “nghiệp tốt” nữa. Và chắc chắn nghiệp tốt sẽ không mất đi, như Kinh Nhân Quả có nói:
Người nay giàu có, vì đời trước thường hành Bố Thí
Người có tướng mạo xinh đẹp, vì đời trước có tâm cung kính
Do vậy, khi thấy một người sống tốt, luôn hành động vì người khác mà vẫn gặp khổ, hãy hiểu rằng đó là sự hiển bày của nhân quả mà thôi. Tuy nhiên, những nhân tốt người đó đã gieo sẽ trở lại vào một lúc nào đó trong tương lai. Chính vì thế, ngay trong hiện tại, hãy rất cẩn thận với việc gieo nhân.
Nếu có thể tóm tắt nhất lời phật dạy chỉ trong 4 câu, thì không gì hơn bài kệ thứ 183 trong Kinh Pháp Cú:
Không làm các điều ác
Làm tất cả điều lành
Tịnh hóa tâm ý mình
Là lời Chư Phật dậy
(Chư ác mạc tác - Chúng thiện phụng hành - Tự tịnh kỳ ý - Thị chư Phật giáo)
Người tốt khổ vì trong lòng còn có ác tâm
Chữ “Khổ” trong đạo Phật không chỉ là cảm giác khổ sở tại thân tâm, mà còn bao gồm cả những giao động rất nhẹ của sự Không Thỏa Mãn, Không Yên Ổn, hay còn gọi là Bất Toại Nguyện ở trong lòng.
Một người cảm thấy mình rất tu tâm tích đức, thường xuyên làm điều tốt, chả hại ai bao giờ, ấy vậy mà cuộc đời mãi cứ long đong vất vả, không được bằng bạn bằng bè, một lần lên chùa vãn cảnh, quá buồn cho phận đời mình liền tiến đến hỏi một vị sư:
Thưa thầy, vì sao con sống tốt, sống thiện, mà đời con cứ khổ mãi chưa thấy khá lên?
Vị thầy thong thả hỏi lại: “Con nói con khổ, hãy nói rõ cho ta biết nỗi khổ của con là gì?”
“Thưa thầy, con thấy mình sống tốt mà cuộc sống vẫn khổ sở, trong khi bao kẻ gian ác, làm ăn giả dối lại sống thoải mái quá vậy? Con biết thầy sẽ nói con có ác tâm, nhưng thực tình con không hề làm điều ác, con sống đúng lời Phật dạy!”
Sư thầy bình tĩnh trả lời: “Nếu con nghĩ mình có ác tâm, rằng trong lòng con còn có gì đó sai, thì con sẽ sửa chính mình. Còn khi con phủ nhận điều đó, thì con chỉ lo sửa thế giới, sửa người xung quanh, mà có thể sửa được thế giới không?
Hiện nay con sống đầy đủ, có cơm ăn áo mặc, thân thể mạnh khỏe không bệnh tật, để tồn tại được con chỉ cần những thứ đó thôi là đủ. Thế nhưng con lại muốn muốn nhiều hơn cái mình cần, đó gọi là Tham.
Con thấy người khác làm điều ác mà sống sung sướng giàu có, nổi giận với họ, đó gọi là Sân.
Con nghĩ rằng chỉ cần sống tốt là sẽ được giàu có sung sướng mà không hiểu rằng phải đủ nhân quả việc đó mới xảy ra. Không hiểu về nhân quả, không hiểu về sự thật, đó gọi là Si.
Con nghĩ mình sống lương thiện, còn người khác sống ác, con so sánh mình hơn họ, còn họ kém con, đó là tâm Mạn (kiêu ngạo).
Con so sánh cuộc sống của mình với người khác, lại sinh ra ghen tị, đó gọi là Nghi (đố kị).
Ngũ Độc của nhà Phật có “Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi” thì trong con có đủ, hỏi cuộc sống có thể an nhàn hạnh phúc được hay không?
Con không nhận ra mình có ác tâm là do con không chịu quan sát kĩ nội tâm của mình mà thôi.
“Vậy con nên làm thế nào?”
"Khi con cảm thấy buồn vì cuộc đời bất công, đó là dấu hiệu của việc con đã nghĩ quá nhiều cho mình. Thay vì lên chùa vãn cảnh chạy trốn ác tâm nổi lên trong lòng, con hãy đối diện với nó để nhận ra sự thật về Nhân Quả, và hãy bớt nghĩ cho mình đi để quan tâm đến nỗi khổ của người khác nhiều hơn.
Nhân Quả là một cơ chế tự cân bằng của thế giới, bạn không thể sửa thế giới được, thứ duy nhất bạn có thể sửa là nội tâm của chính mình mà thôi. Nên khi thấy mình hay ai đó sống khổ sở, thay vì đổ lỗi cho sự bất công của cuộc đời, thì hãy hiểu rằng đó là cách mà thế giới tự cân bằng. Và hãy liên tục gieo nhân đúng đắn, bởi chỉ có hành động tốt mới mang lại quả tốt về sau.
* Nguồn tham khảo: Kinh Pháp Cú (NXB Tốn Giáo), Lý học Đông Phương, Tinh Hoa