Mã AF bí ẩn
3 tháng trước trận Trân Châu Cảng, bộ phận trinh sát vô tuyến của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ phát hiện người Nhật sử dụng một bộ mật mã mới, gọi là JN-25B. Tuy nhiên do tính chất cực kỳ phức tạp của JN-25B nên họ chưa giải được. Vì vậy, phía Mỹ hoàn toàn bất ngờ khi máy bay Nhật tập kích Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941.
Ngày 21-4-1942, một nhóm mã thám mật danh Station Hypo thuộc Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ, bao gồm nhiều nhà ngôn ngữ học, toán học, dưới sự lãnh đạo của Hải quân thiếu tá Joseph Rochefort, làm việc trong một căn hầm bí mật nằm sâu dưới lòng đất đảo Hawaii đã giải được bộ mật mã JN-25B.
Giáo sư Craig Symonds, giảng dạy tại Trường Cao đẳng Hải chiến thuộc Hải quân Mỹ và đồng thời cũng là tác giả cuốn sách “Trận Midway” cho biết: “JN-25B sử dụng các bài thơ cổ từ thế kỷ thứ 10 ở Nhật làm bộ khung cho mật mã.
Sân bay trên đảo Midway trước ngày xảy ra cuộc tấn công.
Tiếp theo, họ pha trộn nó với một số ngôn ngữ địa phương - trong đó có những thổ ngữ không còn được nhiều người Nhật sử dụng. Tất cả đều biến thành những con số nhị phân mà nếu giải theo phương pháp toán học bình thường thì phải mất 18 tỉ lần mới có 1 lần giải được vì mỗi bản tin truyền đi lại có những chìa khóa giải mã khác nhau”.
Trong tất cả những bản tin thu được, nhóm Station Hypo đặc biệt chú ý đến một điện văn được ký bởi Đô đốc Isoroku Yamamoto, cha đẻ của cuộc tập kích Trân Châu Cảng.
Kết quả giải mã bản điện văn cho thấy Yamamoto ra lệnh điều 4 tàu sân bay với 248 máy bay, 2 thiết giáp hạm, 15 tàu khu trục cùng 16 máy bay cất hạ cánh dưới nước đến một địa điểm được gọi là AF.
Khi bản điện văn gửi về Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Chester W. Nimitz, Tổng tư lệnh cùng các tướng lĩnh trong Bộ Chiến tranh Mỹ ở Washington đều cùng suy luận rằng AF có thể là một mục tiêu tại phía nam Thái Bình Dương, chẳng hạn như đảo Port Moseby, quần đảo Nouvelle Caledonie hay Fiji, thậm chí là Hawaii hoặc bờ Tây nước Mỹ.
Cũng có ý kiến cho rằng người Nhật đã biết phía Mỹ giải được bộ mật mã JN-25B nên họ tung hỏa mù nhằm đánh lạc hướng để thực hiện một đòn tấn công khác với mức độ ghê gớm hơn cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng. Chưa hết, cấp trên của Đô đốc Nimiz tại Washington là Đô đốc Ernest King, thông qua đơn vị mã thám OP-20-G của riêng mình, đã khẳng định AF là quần đảo Aleut.
Tuy nhiên, Hải quân Thiếu tá Joseph Rochefort lại không đồng ý với những suy luận ấy. Ông cho rằng đó là một kiểu võ đoán bởi lẽ với nhiều mục tiêu như vậy, hải quân Mỹ không đủ khả năng để bảo vệ tất cả cùng một lúc.
Để có thể thuyết phục cấp trên thay đổi quan điểm về hướng tấn công - cũng như có thể chặn đứng âm mưu của Hải quân Nhật, Rochefort phải chứng minh AF là gì.
Ngày 6-5-1942, một món quà “trời cho” bất ngờ rơi vào tay nhóm mã thám Station Hypo. Trong quá trình theo dõi các tín hiệu vô tuyến được truyền đi từ Hải quân Nhật, nhóm Station Hypo thu được một bản tin, phát đi từ một máy bay trinh sát của Nhật lúc ấy đang bay gần đảo Midway.
Trong bản tin đã được mã hóa bằng bộ mã JN-25B, Thiếu tá Joseph Rochefort nhận ra rằng chữ AF được lặp lại 2 lần và điều này đã khiến ông nghi ngờ đảo Midway chính là AF.
Nhưng để chắc chắn, Rochefort giương một cái bẫy bằng cách ra lệnh cho Jasper Holmes, sĩ quan hải quân trong nhóm Station Hypo gửi một công điện về Trân Châu Cảng theo đường dây cáp ngầm dưới biển, nội dung cho biết nguồn nước ngọt dùng trong sinh hoạt ở đảo Midway đã bị hỏng, và tình hình thiếu nước đang bắt đầu diễn ra trầm trọng.
Tàu sân bay Yorktowm sửa chữa chỉ trong 72 giờ. |
Chẳng khó khăn gì để Cơ quan Tình báo Hải quân Nhật thu và giải mã bức công điện ấy. Chỉ 3 tiếng đồng hồ sau, một bản tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân Nhật đã được mã hóa JN-25B gửi hạm đội Nhật ở Thái Bình Dương: “AF đang gặp phải vấn đề khó khăn trong việc cung cấp nước ngọt. Lực lượng tấn công cần chú ý và lập sẵn kế hoạch về chuyện này”.
Theo Thiếu tá Joseph Rochefort, đây là cơ sở chính xác nhất để khẳng định AF chính là đảo Midway.
Vị trí chiến lược của đảo Midway
Đúng như tên gọi “Midway” có nghĩa là “Giữa đường”, nó nằm cách bờ biển San Francisco, Mỹ, 5.200km và cách Tokyo, Nhật Bản 4.100km.
Với diện tích chỉ 6,2km vuông, cấu tạo bằng các vòng san hô, trong Thế chiến II, Midway là vị trí quân sự vô cùng quan trọng đối với người Mỹ vì nó là nơi tiếp nhiên liệu cho những chuyến bay xuyên Thái Bình Dương, là tiền đồn quan trọng trong việc bảo vệ vùng duyên hải phía tây nước Mỹ.
Tháng 9-1939, Thế chiến 2 bắt đầu bằng việc Đức Quốc xã chiếm Ba Lan, người Mỹ sửa lại sân bay, bến cảng quân sự rồi sau đó, triển khai một trung đoàn không quân cùng một số tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương đến Midway.
Lúc cuộc tập kích Trân Châu Cảng nổ ra, Mỹ tuyên chiến với Nhật, Không quân Mỹ nâng cấp đường băng trên đảo để máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-26 có thể cất cánh, oanh tạc các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nhật Bản.
Trong khi đó, các tàu chiến xuất phát từ cảng Midway làm nhiệm vụ đánh chặn tàu Nhật trên các tuyến hải trình Nhật Bản, Singapore, Philippines, Bruma (Myanmar hiện nay), Mãn Châu Trung Quốc.
Về phía người Nhật, sau cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng nhưng không tiêu diệt được một tàu sân bay nào của Mỹ mà ngược lại, ngày 18-4-1942, 16 chiếc B-26 đã tiến hành một chiến dịch oanh tạc thủ đô Tokyo. Cuộc oanh tạc đã gây ra cú sốc lớn với người dân Nhật vì họ thấy rằng quân đội Nhật không thể ngăn cản kẻ thù đánh vào trái tim của đất nước.
Để khôi phục lòng tin với quân đội và nhân dân Nhật và đồng thời cũng để ngăn chặn những cuộc ném bom chắc chắn sẽ xảy ra, Đô đốc Isoroku Yamamoto quyết định chọn đảo Midway làm mục tiêu. Nếu thành công, Hải quân Nhật sẽ lại là bá chủ ở Thái Bình Dương như những năm 1939-1941.
Theo Yamamoto, cú đánh vào Midway sẽ buộc người Mỹ phải tìm giải pháp thương lượng nhằm chấm dứt chiến tranh và như vậy, người Nhật có thể rảnh tay thành lập Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á.
Tàu sân bay Hiryu trước lúc chìm.
Ngày 10-5-1942, sau khi tin tình báo cho biết chỉ có 2 tàu sân bay của Mỹ là chiếc USS Hornet và chiếc USS Enterprise là đang hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương, còn tàu sân bay USS Lexington đã bị Không quân Nhật đánh chìm, tàu USS Yorktown thì đang sửa chữa ở đảo Hawaii vì bị trúng ngư lôi.
Sau đó, Yamamoto ra lệnh điều động 4 tàu sân bay với 248 máy bay, 2 thiết giáp hạm, 15 tàu khu trục cùng 16 máy bay cất hạ cánh dưới nước, tiến về Midway dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phó Đô đốc Chuichi Nagumo. Đội tàu ấy dàn thành hàng ngang, kéo dài gần 300km nhằm tránh bị phát hiện.
Về phía Mỹ, sau khi đã xác định AF chính là đảo Midway, Đô đốc Nimitz bố trí lực lượng của mình gồm 3 tàu sân bay với 233 máy bay, 15 tàu khu trục, 8 tàu tuần dương, 16 tàu ngầm cùng 127 máy bay sẵn sàng cất cánh từ sân bay trên đảo Midway.
Để tăng thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu sắp tới, Nimitz yêu cầu hải quân công xưởng Hawaii phải gấp rút phục hồi chiếc tàu sân bay USS Yorktown. Y như một phép màu, chỉ trong 72 tiếng đồng hồ, chiếc Yorktown đã sẵn sàng tham chiến mặc dù nó vừa hoạt động, vừa tiếp tục sửa chữa
Trận Midway
4 giờ 30 phút sáng ngày 4-6-1942, Phó Đô đốc Chuichi Nagumo tung ra những cuộc tấn công bằng máy bay. Đến 6 giờ 20, một số căn cứ quân sự Mỹ ở Midway bị phá hủy.
Lúc này, phi công Mỹ ở Midway đa phần sử dụng những chiếc Brewster F2A đã lỗi thời nên Đô đốc Nagumo tung thêm một đợt tấn công nữa nhằm vô hiệu hóa khả năng phòng vệ của người Mỹ, dọn đường cho cuộc đổ quân được ấn định là ngày 7- 6.
Theo đúng chiến thuật của tàu sân bay Nhật lúc ấy, Nagumo giữ lại một nửa lực lượng để dự phòng. Đến 7 giờ 15, Nagumo ra lệnh cho các máy bay dự phòng lắp bom thông thường để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Việc lắp bom mất 30 phút nhưng lúc 7 giờ 40, một máy bay trinh sát Nhật gọi về cho biết đã phát hiện một hạm đội lớn của Mỹ ở phía tây đảo Midway. Lập tức Nagumo thu hồi lệnh lắp bom để chuyển sang lắp ngư lôi chống hạm và yêu cầu máy bay trinh sát xác định rõ vị trí hạm đội Mỹ.
7 giờ 53, lại có thêm báo cáo nhiều máy bay Mỹ đang tiến về đảo Midway. Do lúng túng vì không biết hướng nào là hướng ưu tiên đánh chặn, Nagumo đưa ra một quyết định sai lầm là chờ lực lượng tấn công ban đầu hạ cánh xuống tàu sân bay rồi mới tung lực lượng dự bị.
Sự sai lầm ấy dẫn đến hậu quả là hai phi đội máy bay chống ngầm VT-6 và VT-8 của Mỹ do không còn kẻ địch ngăn cản, đã đồng loạt phóng ngư lôi xuống 3 tàu sân bay Nhật là Agaki, Soryu và Kaga, đang tiếp nhiên liệu cho các máy bay vừa hạ cánh. Chỉ trong 6 phút, cả 3 chiếc tàu chất đầy xăng và bom trên boong bốc cháy rồi nổ tung
Lúc này, hạm đội tấn công Midway chỉ còn duy nhất tàu sân bay Hiryu. Trong một nỗ lực tuyệt vọng, những chiếc tiêm kích Zero cất cánh từ tàu Hiryu tiến hành ném bom tàu sân bay Mỹ Yorktown. Tuy bị hư hỏng nặng nhưng chiếc Yorktown vẫn tiếp tục hoạt động, đến nỗi trong đợt tấn công lần thứ 2, phi công Nhật vẫn tưởng chiếc Yorktown chẳng hề hấn gì.
2 giờ chiều, các máy bay trên 2 tàu sân bay Enterprise và Hornet tung ra một đợt tấn công tổng lực nhắm vào chiếc Hiryu. Bị trúng nhiều loạt bom, chiếc Hiryu nghiêng hẳn về một bên rồi chìm xuống.
Đến tối, Đô đốc Spruance - lúc này là tư lệnh chiến thuật Hải quân Mỹ ra lệnh bỏ chiếc Yorktown đã hư hỏng nặng để tập trung lực lượng bảo vệ Midway nếu Nhật tiếp tục tấn công vào buổi sáng.
Về phần mình, Đô đốc Yamamoto lúc đầu quyết định di chuyển hạm đội còn lại về hướng đông để săn lùng các tàu sân bay Mỹ nhưng đến nửa đêm, khi không thấy bóng dáng một tàu sân bay Mỹ nào, Yamamoto lại ra lệnh cho hạm đội quay về phía tây.
Thế nhưng với sự xuất hiện của chiếc tàu ngầm Mỹ Tambor đã khiến các chiến hạm trong đội hình Nhật phải tách ra. Hậu quả là tuần dương hạm Mogami do không đổi hướng kịp thời đã đâm vào chiếc Kikama. Chưa hết, máy bay trinh sát báo về cho biết trước mặt hạm đội Nhật là 2 tàu sân bay Mỹ cùng hàng chục tàu khu trục nên Yamamoto ra lệnh rút lui.
Ngày 6 và 7-6, tất cả các máy bay ở Midway và máy bay từ các tàu sân bay dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Spruance tung ra đòn tấn công quyết định, nhắm vào hạm đội đang rút lui của Nhật.
Đến ngày 7-6, Nhật Bản mất tổng cộng 4 tàu sân bay, 1 tuần dương hạm, 248 máy bay bị bắn rơi, 3.057 người chết. Về phía Mỹ, con số này là 1 tàu sân bay, 1 tàu khu trục, 150 máy bay và 307 người chết.
Việc chặn đứng cuộc tấn công của Hải quân Nhật vào đảo Midway là tiền đề mở đường cho những cuộc ném bom kinh hoàng trên đất Nhật rồi kết thúc bằng 2 quả bom nguyên tử. Cũng trong trận Midway, rất nhiều phi công thiện chiến Nhật Bản đã không quay về mà theo lời Đô đốc Yamamoto: “Tôi đào tạo họ trong 1 năm để mất họ chỉ trong 1 ngày...”.