Tàu ngầm lớp Kilo, có nguồn gốc từ Liên Xô, được chế tạo vào những năm 1980, là tàu ngầm diesel-điện được thiết kế với khả năng tàng hình. Lớp Kilo có hai phiên bản chính là Project 877 Paltus và Project 636 Varshavyanka tiên tiến hơn.
Nổi tiếng với độ yên tĩnh khi hoạt động, tàu ngầm lớp Kilo đã trở thành một tài sản có giá trị đối với Hải quân Nga. Lớp tàu ngầm này được đánh giá cao trong tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu nổi và trinh sát. Một khả năng đáng chú ý khác của tàu ngầm Kilo là việc điều hướng và hoạt động ở vùng nước nông cho phép tàu linh hoạt trong việc né tránh kẻ thù theo dõi.
Khả năng của tàu ngầm Kilo
Được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1980, tàu ngầm lớp Kilo đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của Hải quân Liên Xô. Những chiếc tàu ngầm này không chỉ được biên chế cho Hải quân Nga mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Iran, Việt Nam, Algeria...
Trong suốt lịch sử hoạt động của mình, tàu ngầm lớp Kilo đã tham gia vào nhiều nhiệm vụ khác nhau như tuần tra trên biển, tham gia các hoạt động chống cướp biển và tiến hành các cuộc tập trận với lực lượng đồng minh.
Trong nhiều năm qua, những tàu ngầm này đã nhận được nhiều nâng cấp để tăng cường khả năng và duy trì hiệu quả của chúng. Các cải tiến bao gồm cải tiến hệ thống sonar, vũ khí và hệ thống quản lý chiến đấu.
Phiên bản Project 636 được trang bị công nghệ sonar tiên tiến để cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu. Ngoài ra, còn có thêm các nâng cấp về hệ thống vũ khí giúp tăng khả năng tấn công của chúng, cho phép tàu phóng tên lửa hành trình hiện đại như Kalibr. Những nâng cấp này bảo đảm cho tàu ngầm lớp Kilo có thể đáp ứng được các yêu cầu trong điều kiện chiến tranh hải quân hiện đại.
Brandon J. Weichert, một nhà phân tích an ninh quốc gia và là cựu nhân viên Quốc hội Mỹ đã lưu ý rằng, "Tàu ngầm lớp Kilo có thể hoạt động với mức độ tiếng ồn thấp, nhờ những cải tiến hiện đại như lớp phủ gốm và lớp cách nhiệt bằng cao su, khiến các thiết bị săn ngầm của phương Tây khó phát hiện. Mặc dù Kilo không có tầm hoạt động xa như tàu ngầm hạt nhân, nhưng khả năng tàng hình và giá cả phải chăng khiến chiếc tàu ngầm này trở thành một tài sản rất giá trị".
Những công nghệ tiên tiến
Một trong những chức năng chính của lớp phủ gốm là hấp thụ sóng âm, làm giảm tác động của các rung động khi va chạm với thân tàu ngầm. Các lớp phủ này tạo ra một rào cản, làm giảm sự cộng hưởng bên trong cấu trúc của tàu ngầm, giúp ngăn chặn âm thanh bên ngoài xâm nhập vào thân tàu và âm thanh bên trong thoát ra ngoài.
Việc bổ sung những vật liệu hấp thụ sóng âm vào những khu vực quan trọng, chẳng hạn như thân tàu và khoang máy, đã làm giảm đáng kể tín hiệu âm thanh tổng thể, khiến hệ thống sonar của đối phương khó phát hiện tàu ngầm hơn.
Vật liệu cách nhiệt bằng cao su cũng hoạt động song song với lớp phủ gốm, giúp giảm tiếng ồn hơn nữa bên trong tàu ngầm. Vật liệu cách nhiệt này được phủ quanh máy móc, đường ống và các kết cấu tạo ra tiếng ồn trên tàu, cung cấp khả năng cách âm bổ sung. Nhờ đặc tính linh hoạt và giảm tiếng ồn của cao su, rung động từ động cơ, máy bơm và các thiết bị khác được hấp thụ hiệu quả.
Việc bao bọc các thành phần tạo ra tiếng ồn này bằng lớp cách nhiệt bằng cao su, đã làm giảm đáng kể lượng âm thanh truyền qua thân tàu ngầm. Điều này rất quan trọng khi thực hiện các nhiệm vụ bí mật, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của hoạt động.
Nhờ vậy mà tàu ngầm Kilo có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát, trinh sát và chiến đấu với ít nguy cơ bị phát hiện hơn, khiến chúng trở nên đáng gờm trong điều kiện chiến tranh hải quân hiện đại.
Vai trò trong tương lai
Hải quân Mỹ đánh giá tàu ngầm lớp Kilo của Nga, đặc biệt là biến thể Kilo cải tiến (Project 636.3), là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình tốt nhất hiện nay. Thường được gọi với biệt danh là "Hố đen", lớp tàu ngầm này nổi bật với khả năng hoạt động yên tĩnh, khiến đối thủ khó có thể theo dõi.
Các chuyên gia Hải quân Mỹ chỉ ra rằng, tàu ngầm Kilo đã có những tiến bộ đáng kể về cả thiết kế và công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng tàng hình của chúng.
Trong thời gian gần đây, tàu ngầm lớp Kilo vẫn giữ vai trò then chốt trong chiến lược hải quân của Nga, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Khả năng hoạt động lặng lẽ và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau khiến Kilo trở thành công cụ quan trọng để răn đe và triển khai sức mạnh của Nga.
Việc hiện đại hóa liên tục các tàu ngầm này cho thấy sự quan tâm của Hải quân Nga trong việc duy trì kho vũ khí dưới nước của mình. Mặc dù có một số lớp tàu ngầm mới hơn ra đời trong thời gian gần đây, nhưng tàu ngầm lớp Kilo vẫn là thành phần cốt lõi trong các hoạt động của Hải quân Nga trong tương lai gần.