Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã báo cáo 644 trường hợp mắc bệnh sởi năm 2014, con số cao kỷ lục đã được xác nhận kể từ khi dịch bệnh này chính thức bị loại bỏ khỏi Mỹ vào năm 2000. Và trong năm 2012, đã có 48.277 người mắc bệnh ho gà, cao nhất kể từ năm 1955.
"Việc người lớn được tiêm phòng là cực kỳ quan trọng, bằng cách này, họ không những bảo vệ bản thân khỏi bệnh dịch mà còn giúp bảo vệ những người xung quanh khỏi nguy cơ lây nhiễm". Tiến sĩ Richard Smith, chuyên gia về bệnh nhiễm khuẩn đồng thời là giám đốc kiểm soát nhiễm khuẩn tại Trung tâm y Khoa Tricity ở Oceanside, California cho hay.
Người lớn nên quan tâm tới 8 loại vắc xin sau đây:
1. Vắc xin phòng Sởi, Quai bị, Rubella (MMR)
Sởi là một bệnh rất dễ lây, có thể làm tổn thương não, tai biến hay thậm chí gây tử vong, và có thể gây sẩy thai hay đẻ non ở phụ nữ mang thai.
Quai bị đã từng là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não và mất thính giác ở Mỹ trước khi có vắc xin. Nó có thể gây vô sinh ở nam. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh quai bị xuất hiện phổ biến hơn ở người lớn so với trẻ nhỏ.
Người lớn mắc bệnh Rubella (còn được gọi là bệnh sởi Đức), thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với trẻ em. Rubella có thể gây ra nhiễm trùng não và xuất huyết; ở phụ nữ mang thai, Rubella có thể gây sẩy thai hoặc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như mất thính lực, thị lực, chậm phát triển tinh thần và khiếm khuyết tim.
Những người sinh sau năm 1956 từ 18 tuổi trở lên nên tiêm ít nhất 1 liều vắc xin MMR, trừ khi họ đã được chủng người hoặc đã mắc cả 3 bệnh trên.
Những người không nên được chủng ngừa loại vắc xin này bao gồm phu nữ mang thai hoặc những người dự định mang thai trong 28 ngày kế tiếp; người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư hay người mắc HIV; những người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hay đã có xuất hiện phản ứng de dọa tới tính mạng khi được chủng ngừa với loại vắc xin này trước đó.
2. Vắc xin phòng Uốn ván, Bạch hầu, Ho gà (DPT)
Uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương của da và niêm mạc, trong khi bạch hầu và HO GÀ lại lây lan bằng các chất tiết của đường hô hấp.
Uốn ván có thể gây co cứng cơ như chứng cứng khít hàm, khiến người bệnh gặp khó khăn khi thở hoặc nuốt. Khoảng 10% người mắc bệnh uốn ván bị tử vong dù đã được can thiệp y tế.
Bạch hầu gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, nó tạo ra một lớp màng giả dày ở vòm họng có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây thở khó khăn. Nó cũng có thể dẫn đến viêm cơ tim và suy tim. Một số nguy cơ tiềm tàng khác bao gồm liệt, hôn mê và tử vong.
Ho gà là một chứng nhiễm trùng đường thở đặc trưng bởi những cơn ho và nghẹt thở có thể kéo dài hàng tuần. Trẻ nhỏ thường bị lây nhiễm ho gà từ người lớn, có thể chịu hậu quả nghiêm trọng thậm chí là tử vong.
Người từ 19 tuổi trở lên chưa được chủng ngừa và phụ nữ mang thai là các đối tượng nên được tiêm phòng. Vắc xin bại liệt nên được tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Người đã từng xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin không được khuyến cáo với loại vắc xin này.
3. Vắc xin Zona
Zona là một bệnh gây phát ban đau đớn, gây ra bởi vi rút varicella-zoster – cũng là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu, thường xuất hiện ở người sau 50 tuổi. Người già sau 85 tuổi có nguy cơ mắc bệnh này tới 50%. Theo CDC, khoảng 1 triệu người ở Mỹ mắc zona hàng năm.
Triệu chứng dễ nhận thấy của zona là phát ban với các nốt mọng nước ở một bên mặt hoặc cơ thể và thường biến mất sau 10 ngày, nếu có kèm đau thì các triệu chứng chậm biến mất hơn. Đau do zona có thể kéo dài hàng tháng thậm chí hàng năm trời. Zona cũng có thể ảnh hưởng đến thính giác và có thể gây ra mù lòa.
Ảnh minh họa
Người trên 60 tuổi nên được tiêm phòng zona. Người dị ứng nghiêm trọng với bất cứ thành phần nào của vắc xin; người được điều trị bằng bức xạ, steroids và hóa trị; người bị suy giảm miễn dịch do mắc HIV/AIDS hay ung thư; Phụ nữ mang thai và bệnh nhân ghép tạng không được khuyến cáo với loại vắc xin này.
4. Vắc xin ngừa Phế cầu khuẩn
Bắt nguồn từ mũi và cổ họng sau đó di chuyển đến tai hoặc xoang, bệnh do phế cầu khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng nhẹ. Tuy nhiên, nếu lan sang các bộ phận khác của cơ thể, nó có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng máu và viêm phổi. Bệnh nhân có thể mất thính giác, tổn thương não, mất chi và thậm chí tử vong vì bệnh phế cầu.
Có hai loại vắc xin được khuyến cáo: Rrevnar 13 và pneumovax 23. Bệnh nhân trên 65 tuổi nên được chủng ngừa bằng cả 2 loại vắc xin này.
5. Vắc-xin ngừa Cúm
Cúm là bệnh do vi rút, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho người lớn tuổi, dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Trong mùa cúm thông thường - thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 - khoảng 90% số ca tử vong xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn nên được tiêm phòng cúm hằng năm. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người trên 50 tuổi và bất cứ ai dùng thuốc kháng vi rút cúm trong vòng 48 giờ không nên dùng vắc xin giảm độc lực bơm vào mũi.
6. Vắc xin ngừa Viêm màng não do cầu khuẩn
Cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu của viêm màng não do vi khuẩn gây ra. Các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ thể, cứng cổ và nhức đầu có thể làm cho bệnh nhân nhầm tưởng họ bị cảm lạnh nặng, thế nhưng bệnh có thể tiến triển khá nhanh và thậm chí giết chết một người khoẻ mạnh trong vòng chưa đầy hai ngày.
Các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm đột quỵ hoặc động kinh, mất chi, điếc và các vấn đề về thần kinh.
Đối tượng nguy cơ nên được tiêm chủng chủ yếu là người ở trong môi trường tập thể như quân nhân hoặc sinh viên, người suy giảm miễn dịch (bao gồm cả tổn thương hoặc đã cắt lách). Những người bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin hoặc những người có phản ứng đe dọa đến tính mạng với một liều trước đó không được khuyến cáo với loại vắc xin này.
Cần nhấn mạnh lại rằng, việc tiêm phòng nên được cân nhắc trong suốt quãng thời gian sống của mỗi cá thể. Thật không may, nhiều người trưởng thành đang mắc phải các bệnh truyền nhiễm mà lẽ ra chúng có thể đã được ngăn ngừa bằng việc tiêm chủng.
Do đó, thông tin cho người lớn về việc chủng ngừa là rất cần thiết để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
*Theo Huffingtonpost
Xem thêm:
Bệnh viêm màng não: Triệu chứng và cách phòng chống