Kể chuyện, đọc sách vốn là thói quen không thể thiếu với người Do Thái. Một bà mẹ Do Thái đang kể chuyện cho cậu bé tên Luis nghe như thường lệ.
Bỗng cậu bé mở hai mắt sáng long lanh, nói với mẹ: "Mẹ ơi, hôm ở trận đá bóng, trước khi vào sân, bạn Parker sợ đến nỗi hai chân run lập cập, haha… Lớp chúng con có bạn tên là Hanna, đầu bạn ấy giống như đống cỏ khô ấy, chúng con đều gọi bạn ấy là Nữ hoàng sư tử…"
"Luis", mẹ ngắt lời: "Con còn nhớ mẹ từng kể cho con chuyện gì không?" - "Con nhớ ạ". Cậu bé bắt đầu nhớ lại câu chuyện mà mẹ vừa kể:
"Ngày xưa, có một ông chủ sai người hầu của mình ra chợ tìm mua thứ ngon nhất trên đời về cho ông ta, kết quả là người hầu đó mua một chiếc lưỡi mang về.
Vài ngày sau, ông chủ đó lại sai người hầu ra chợ mua một thứ không ngon nhất về, kết quả là người đó vẫn mua về một chiếc lưỡi".
Đợi Luis kể xong, mẹ hỏi: "Câu chuyện này nói với chúng ta điều gì nhỉ?". Luis trả lời: "Thứ ngon nhất trên đời cũng là cái lưỡi, thứ không ngon nhất cũng là cái lưỡi, bài học trong câu chuyện này là… nhắc nhở chúng ta không được nói lung tung!"
Sau đó, Luis cũng hiểu ý liền nói với mẹ: "Mẹ ơi, con hiểu rồi, sau này con sẽ không tùy tiện phê bình người khác nữa".
Mẹ mỉm cười xoa đầu Luis và hát ru cậu ngủ. Khi Luis thích tùy tiện bình luận về người khác, mẹ đã kể cho cậu nghe một câu chuyện rất có ý nghĩa, đó là không được tùy ý đánh giá người khác.
Người Do Thái rất ghét những người "lắm lời". Do đó, chúng ta luôn thấy rằng người Do Thái rất kiệm lời. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thân thiện, không biết giao tiếp.
Đối với người Do Thái, những người luôn thao thao bất tuyệt, khoe khoang mình trước mặt người khác thường là những người ngốc nghếch. Còn người biết lắng nghe mới là người thông minh.
Vì thế, người Do Thái đã lưu truyền câu nói: "Khi kẻ ngốc cười phá lên thì người thông minh chỉ cười mỉm".
Cha mẹ Do Thái đều dạy con cái họ một câu ngạn ngữ cổ là: "Thượng Đế tạo cho con người hai cái tai, một cái miệng, là để chúng ta nói ít, nghe nhiều"… Do đó, khi giao tiếp, đa số họ đều nghiêm túc lắng nghe ý kiến của người khác.
Cha mẹ Do Thái cũng thường ví: Lời nói đúng mực như liều thuốc tốt, giúp con người đạt được mục đích, nhưng nếu nói quá nhiều lại có tác dụng ngược lại, không nhữngkhông có ích mà còn làm hại bản thân.
Người Do Thái thường nói: "Im lặng là vàng, hùng biện là bạc", để khuyên răn mọi người nghe nhiều, nói ít. Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường cho trẻ đọc những câu danh ngôn hoặc những đoạn văn hay, giúp trẻ hiểu được rằng việc lắng nghe quan trọng hơn lời nói.
Cha mẹ cũng luôn dạy trẻ cần tôn trọng người khác, không nên chỉ biết thổ lộ lòng mình, mà cần chú ý lắng nghe tâm sự của bạn bè, cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của họ, đó mới là người bạn thật sự.
Hơn nữa, cha mẹ Do Thái còn nhắc nhở trẻ biết trân trọng những người bạn biết lắng nghe, cùng trẻ tạo môi trường giao tiếp vui vẻ.
Không tùy tiện đánh giá về người khác
Cha mẹ Do Thái thường dạy trẻ không nên tùy tiện đánh giá về người khác, vì những lời nói vô tình của trẻ, qua nhiều người có thể biến thành "sự thật", mà những lời đồn thổi này có thể làm tổn thương tình cảm bạn bè.
Người Do Thái có câu "Khi bạn gặp ma quỷ, tốt nhất hãy chạy nhanh; Khi bạn gặp những lời gièm pha, cũng cần chạy thật nhanh". Có thể thấy, người Do Thái đã nhắc nhở chúng ta cần tránh xa những lời gièm pha, tránh làm hại đến người khác hoặc bản thân.
Cha mẹ Do Thái thường coi miệng lưỡi con người giống như thanh gươm sắc, giáo dục trẻ cần ăn nói thận trọng. Vì một lời đã nói ra là không thể thu lại, gươm sắc có thể làm tổn thương đến người khác, vì thế cần nghĩ kỹ trước khi nói.
Dạy trẻ học cách lắng nghe
Cha mẹ rất kiên nhẫn dạy trẻ ý nghĩa và cách thức lắng nghe để có được sự tín nhiệm của người khác.
Trước hết, thái độ phải thành khẩn, không chỉ đơn thuần lắng nghe, mà còn cần lắng nghe một cách nghiêm túc, kịp thời bày tỏ sự tán thành hoặc khen ngợi của mình để đối phương cảm nhận được sự tôn trọng và hiểu biết của bạn.
Thứ hai, trong quá trình nghe nên mỉm cười tán đồng, tốt nhất không nên làm việc gì khác, trong quá trình nói chuyện có thể bộc lộ vẻ biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể, chứng tỏ bạn đang chú ý lắng nghe, để đối phương cảm nhận được sự chân thành, nâng cao hiệu quả giao tiếp của bạn.
Khi không có ai bình luận về người khác cuộc sống sẽ bớt mâu thuẫn, tranh chấp. Khi mọi người cùng học cách lắng nghe, mới có thể tạo nên không khí hài hòa, cởi mở.
Vì thế cha mẹ cần dạy con cái nghe nhiều nói ít, tạo môi trường giao tiếp tốt, để trẻ có thể sống và học tập vui vẻ.