Vì sao người dân Hà Tĩnh không đồng ý tiêu huỷ 300 tấn hải sản nhiễm độc?

Gia Hưng |

Cơ quan chức năng đang loay hoay, chưa thể xử lý được số lượng 300 tấn hải sản nhiễm độc tồn kho trong dân.

Chưa tiêu huỷ 300 tấn hải sản nhiễm độc

Chiều tối 9/11, ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang niêm phong số lượng hơn 300 tấn hải sản biển bị nhiễm độc tồn kho trong dân chưa tiêu huỷ được.

Theo ông Hùng, số hải sản nói trên nằm rải rác tồn đọng trong kho của các cơ sở đông lạnh ở huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên và TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Các loại cá bị nhiễm độc đang được niêm phong chủ yếu là cá sống tầng đáy biển. Ngoài ra còn có một số hải sản khác như tôm, mực. Số hải sản này đều bị nhiễm chất độc Phenol và cadimi.

Ông Hùng cho biết, nguyên nhân của việc chưa tiêu huỷ được lượng lớn hải sản nhiễm độc nói trên là do giữa chính quyền địa phương và các chủ cơ sở đông lạnh chưa thống nhất được mức hỗ trợ hợp lý để cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ.

Cụ thể, theo quy định người dân sẽ được hỗ trợ với mức 70% giá trị hải sản nhiễm độc. Tuy nhiên, người dân cho rằng bị thiệt hại lớn nên yêu cầu được hỗ trợ 100% giá trị hải sản bị nhiễm độc này thì mới cho cơ quan chức năng đưa đi tiêu huỷ.

Vì sao người dân Hà Tĩnh không đồng ý tiêu huỷ 300 tấn hải sản nhiễm độc? - Ảnh 1.

Hơn 300 tấn hải sản nhiễm độc phenol và cadimi đang được niêm phong tại kho của các cơ sở đông lạnh mà chưa thể tiêu huỷ.

Ông Hùng cho biết thêm, gần 2 tháng qua số hải sản trên vẫn đang được giữ tại kho của các chủ cơ sở. Để đảm bảo, cơ quan chức năng liên ngành đã tiến hành dán niêm phong và yêu cầu chủ cửa hàng ký vào bản cam kết không tiêu thụ số hải sản nhiễm độc trên ra ngoài.

"Chúng tôi đã niêm phong và yêu cầu các chủ kho đông lạnh ký vào bản cám kết không bán ra những sản phẩm nhiễm độc trên. Nếu họ cố tình bán ra là họ sẽ bị vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định", ông Hùng nói và tin tưởng người dân sẽ thực hiện đúng cam kết.

Nói về hướng xử lý tới đây, ông Hùng cho biết, hiện cơ quan chức năng vẫn đang chờ các Bộ, ngành trung ương thảo luận và đưa ra hướng xử lý với mức hỗ trợ mới cho người dân.

Ông Hùng cũng cho rằng, việc xử lý càng sớm số hải sản nhiễm độc trên sẽ càng tốt và giúp người dân sớm có thể ổn định cuộc sống cũng như công việc sau thảm hoạ môi trường biển vừa qua.

"Nếu đền bù 100% giá trị thì số cá trên rơi vào khoảng 7-8 tỉ đồng. Cũng mong muốn sẽ sớm giải quyết được để người dân ổn định và phát triển tiếp ngành nghề", ông Hùng chia sẻ.

Vì sao người dân Hà Tĩnh không đồng ý tiêu huỷ 300 tấn hải sản nhiễm độc? - Ảnh 2.

Bà Nguyệt - chủ cơ sở đông lạnh Nguyệt Quyền chia sẻ về khó khăn sau thảm hoạ môi trường và khó khăn khi chưa giải quyết được gần 100 tấn hải sản bị niêm phong trong kho mình.

"Không chạy điện thì cá chảy máu, chạy điện thì dân chúng tôi máu chảy"

Trong số những huyện còn tồn dư lượng lớn hải sản nhiễm độc nói trên thì huyện Lộc Hà chiếm đa số.

Chia sẻ với PV, nhiều chủ cơ sở ở huyện Lộc Hà cho hay, nhiều tháng qua họ đã phải chịu cảnh khổ sở, "ăn không ngon ngủ không yên" vì lỡ ôm cả trăm tấn cá nhiễm độc trong kho mình.

Nhiều nhất vẫn là ở cơ sở đông lạnh Nguyệt Quyền (trú xã Thạch Kim, Lộc Hà), hiện nơi đây vẫn đang còn 2 kho với tổng cộng 91 tấn hải sản bị niêm phong. Trong số đó có 50 tấn hải sản được xác định bị nhiễm chất độc Phenol và cadimi, còn 41 tấn là hải sản quá hạn sử dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt (chủ cơ sở) cho biết, số cá trên chủ yếu là cá nục, cá thu và có cả mực, tôm. Số hải sản này được bà mua với giá gần 3 tỷ đồng.

Ngày 4/9 vừa qua, sau khi xác định số hải sản trên bị nhiễm độc, các cơ quan chức năng đã về dán niêm phong kho và yêu cầu bà Nguyệt cam kết không được bán ra thị trường.

Nói về mức giá đền bù 70% được cơ quan chức năng thông báo, bà Nguyệt cho biết không thể chấp nhận vì không bù đắp được thiệt hại cho người dân.

Vì sao người dân Hà Tĩnh không đồng ý tiêu huỷ 300 tấn hải sản nhiễm độc? - Ảnh 3.

Bà Nguyệt mong muốn các cơ quan chức năng sớm có phương hướng xử lý, hỗ trợ người dân hợp lý để những chủ cơ sở có hải sản nhiễm độc như bà sớm ổn định công việc.

"Khi niêm phong, họ nói sẽ sớm về để đưa đi tiêu huỷ, vậy mà gần 2 tháng rồi họ cũng không đền bù để tiêu huỷ sớm cho chúng tôi còn ổn định công việc.

Chúng tôi chỉ mong muốn ở mức hỗ trợ 100% giá trị hải sản đó thôi. Nhưng nói thật, ở mức 100% chúng tôi cũng đã lỗ lắm rồi. Bởi cá thì tồn đọng cả 2 kho và bị niêm phong, không có chỗ để làm việc khác.

Trong khi đó, hàng tháng, chúng tôi vừa phải chịu cảnh vốn nằm chết, vừa phải chịu lãi ngân hàng như tôi đây là mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Rồi tiền điện chạy đông lạnh mỗi tháng cả chục triệu đồng. Cơ quan chức năng có hỗ trợ 50% tiền điện cho chúng tôi nhưng chỉ được 6 tháng, giờ thì chúng tôi chịu tất. Không chạy điện thì cá chảy máu mà cháy điện thì dân chúng tôi máu chảy", bà Nguyệt chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyệt, thảm hoạ môi trường biển xảy ra đợt tháng 4 vừa qua đã khiến cuộc sống và công việc của bà chật vật. Cũng vì biển bị ô nhiễm, cá nhiễm độc nên người dân không ai ăn hải sản dẫn đến việc buôn bán của bà bị ngưng trệ hoàn toàn.

Hiện bà Nguyệt mong muốn cơ quan chức năng sớm có phương án hỗ trợ người dân hợp tình, bù đắp những thiệt hại không mong muốn này để người dân ổn định cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại