Vì sao Nghị viện Châu Âu yêu cầu dừng việc xây dựng Nord Stream 2?

Thanh Bình |

Nghị viện châu Âu (EP) sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) ngừng xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 do vụ bắt giữ chính khách đối lập Alexei Navalny ở Nga.

Vì sao Nghị viện Châu Âu yêu cầu dừng việc xây dựng Nord Stream 2? (Ảnh: Nord Stream 2 AG)

Vì sao Nghị viện Châu Âu yêu cầu dừng việc xây dựng Nord Stream 2? (Ảnh: Nord Stream 2 AG)

Nghị viện châu Âu (EP) sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) ngừng xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 do vụ bắt giữ chính khách đối lập Alexei Navalny ở Nga.

Thông tin này được tờ Spiegel của Đức cho biết trong nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết. Theo đó, nghị quyết kêu gọi các nước EU ngừng ngay việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic.

Ngoài ra, nghị quyết đề xuất đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân và pháp nhân “tham gia vào việc ra quyết định bắt giữ ông Navalny”. Các biện pháp trừng phạt do Nghị viện châu Âu đề xuất có thể bao gồm hạn chế di chuyển trong EU và đóng băng tài sản.

Dự thảo nghị quyết có thể được các nghị sĩ xem xét vào ngày 21/1. Nếu nghị quyết được thông qua, các biện pháp trừng phạt quy định trong dự thảo nghị quyết phải được 27 nước thành viên EU nhất trí.

Hôm 19/1, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell nói rằng Liên minh châu Âu không thể cản trở việc thực hiện dự án Nord Stream 2, vì đây là dự án của các công ty tư nhân.

Trước đó, cảnh sát Nga hôm 17/1 đã bắt giữ chính khách đối lập người Nga Alexei Navalny tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở thủ đô Moscow, Nga ngay khi ông này trở về từ Đức.

Đây là lần đầu tiên Alexei Navalny quay trở lại Nga kể từ khi bị đầu độc vào mùa hè năm 2020. Trước đó, Nga từng cảnh báo, họ sẽ bắt Alexei Navalny và đề nghị toà án phạt tù ông này với cáo buộc trốn tránh sự giám sát liên quan đến một bản án mà ông bị tuyên phạt vào năm 2014. Ông Alexei Navalny sẽ phải đối mặt với án phạt tù 3,5 năm.

Đức và một số nước phương Tây khẳng định, Alexei Navalny trúng độc thần kinh thuộc nhóm Novichok, một chất độc được cho là do Liên Xô cũ phát triển. Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng loạt quan chức Nga với cáo buộc dính líu tới vụ việc. Trong khi đó, Nga đã bác bỏ những thông tin này, cho rằng những cáo buộc của phương Tây là không có căn cứ.

Về phần Navalny, ông này đã bình phục thần kì vài tuần sau nghi án trúng độc và sinh sống ở Đức gần 5 tháng qua. Trước khi về nước, Navalny nói ông ta tin mình sẽ không bị bắt và rằng mình rất hạnh phúc khi được trở về Nga. Luật sư của Navalny, bà Olga Mikhailova thì cho rằng các cáo buộc nhằm vào ông đều sai trái.

Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, Điện Kremlin không có ý định lắng nghe những tuyên bố từ nước ngoài về Alexei Navalny, nhưng ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng Nga quan tâm đến các mối quan hệ tốt đẹp, và mối quan hệ này “không thể được xác định chỉ bởi một công dân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại