Vì sao Nga “phớt lờ” nhóm G-8?

Đào Cảnh |

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, đối với Nga, việc tham vào nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 đã "lùi vào dĩ vãng”.

Đó là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax.

Theo Thứ trưởng, chúng tôi (Nga) thấy không cần thiết phải làm sống lại những gì đã thuộc về quá khứ, sự tham gia của Nga vào nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 “hoàn toàn không còn là vấn đề cấp thiết".

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng những nỗ lực của phương Tây buộc Nga phải làm một cái gì đó để có thể đổi lấy việc nước này được quay trở lại nhóm G-8 – hoàn toàn không có căn cứ và vô nghĩa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng nhóm G-7 hiện không phải là một tổ chức có thể gây ảnh hưởng nhiều đến nền chính trị thế giới.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Duma quốc gia (hạ viện Nga) cũng từng tuyên bố rằng G-7 hay G-8 hiện nay đã không còn quá quan trọng đối với Nga và cho rằng G-7 không phù hợp với tình hình chính trị quốc tế hiện nay, đồng thời khẳng định G-20 mới là tổ chức Nga cần củng cố vị thế.

Cũng theo ông Puskov, Trung Quốc, thành viên của G-20, cũng là một cường quốc không tham gia vào G-7, nhưng vẫn là quốc gia có các chỉ số kinh tế tốt nhất thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier mới đây đã bóng gió rằng việc đưa Nga quay trở lại G-7 chỉ có thể được thực hiện với một số điều kiện nhất định.

Cụ thể, Nga phải tăng cường các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như đóng vai trò tích cực hơn trong việc thiết lập hòa bình ở Syria.

Được thành lập năm 1975, G-7 bao gồm 7 quốc gia công nghiệp phát triển là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản. Tổ chức này được coi là câu lạc bộ không chính thức nhằm xác định các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia hàng đầu.

Nga nhận được quy chế thành viên trong “câu lạc bộ quý tộc” này trong giai đoạn ông Boris Eltsin nắm quyền Tổng thống Nga, đưa G-7 thành G-8. Trong giai đoạn quan hệ Nga - Mỹ khủng hoảng, Mỹ thường xuyên đưa ra ý tưởng loại Nga ra khỏi tổ chức này.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc thay đổi quy chế đối với Crimea chính là các nhân tố để giúp Mỹ đạt được mục đích loại Nga khỏi G-8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại