SKS hay AK-47
Vào cuối những năm 1940, quân đội Liên Xô tìm kiếm một loại vũ khí thế hệ mới có thể giúp binh lính trở nên bất khả chiến bại trong chiến đấu. Các kỹ sư đã đưa ra một số dự án để thay thế những khẩu Mosin Nagant đã lỗi thời trong quân đội.
Các cuộc thử nghiệm bắt đầu vào năm 1947 và những ứng cử viên nổi bật nhất để trở thành vũ khí chính của binh lính Liên Xô trong nhiều thập kỷ trước đó là phiên bản cải tiến mới nhất của súng trường SKS và súng trường tấn công AK-47.
"Cả hai đều được kỳ vọng trở thành vũ khí chính của binh lính Liên Xô ngay sau Thế chiến II. Tuy nhiên, bộ chỉ huy quân đội thích ý tưởng trang bị vũ khí tự động đầu tiên cho binh lính của mình hơn là tiếp tục sử dụng dòng carbine", Vadim Kozulin, giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự cho biết.
Tuy nhiên, ông nói rằng SKS tỏ ra vượt trội hơn AK-47 trong các cuộc thử nghiệm quân sự vào cuối những năm 1940. Và đây là một số lý do tại sao.
Thiết kế của SKS có vẻ như nằm giữa súng trường Mosin Nagant và AK-47. Đó là một khẩu súng nòng dài với băng đạn 10 viên có thể tháo rời (đây là một cải tiến đáng kể so với Mosin Nagants thế kỷ 19 mà quân đội Liên Xô sở hữu) và loại đạn 7,62x39 mm mới được chế tạo.
"SKS là một khẩu súng trường bán tự động thời đại mới. Nó là một vũ khí khá tốt và đáng tin cậy vào năm 1947, vì các kỹ sư đã có gần bảy năm chuẩn bị vũ khí này cho các cuộc thử nghiệm trong quân đội", Kozulin cho biết thêm.
Vũ khí được trang bị đạn mới có tầm bắn hiệu quả là 300m. Nó ổn định hơn và chính xác hơn khi bắn so với các đối thủ cùng phân khúc. Tuy nhiên, mẫu súng này vẫn có một số nhược điểm.
"SKS có ít bộ phận nhô ra hơn giúp bụi bẩn ít có khả năng lọt vào bên trong vũ khí và dẫn đến hỏng hóc. Thế nhưng, 10 viên đạn trong băng chỉ phù hợp để săn bắn, chứ không dành cho chiến đấu với đối thủ có vũ khí tự động sẽ bắn bạn từ cách xa 100-200m", Kozulin lưu ý.
Điều đáng nói là AK-47 có lợi thế hơn hẳn so với SKS, với băng đạn 30 viên có thể tháo rời.
Vladimir Onokoy, người đứng đầu Cục Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự của Kalashnikov Concern cho biết: "Tính năng này khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với SKS, mặc dù có một số trở ngại được nhận thấy trong các cuộc thử nghiệm quân sự vào cuối những năm 1940".
SKS chuyển giao cho Trung Quốc
Kalashnikov là một kỹ sư triển vọng và rất được bộ chỉ huy quân đội ưu ái.
Ý tưởng của ông về việc tạo ra vũ khí tương tự mẫu súng trường tấn công StG 44 của Đức đã được đón nhận nồng nhiệt và ông đã dành tâm sức để hoàn thành việc chế tạo AK-47 nhằm biến nó trở thành vũ khí đáng tin cậy và hiệu quả mà chúng ta biết đến ngày nay.
"Nhược điểm lớn nhất của AK-47 là khá thiếu độ chính xác. Lúc đầu, khẩu súng này cũng nặng nề và không thoải mái, do được tạo ra một cách vội vàng ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Nhưng phiên bản được giới thiệu vào năm 1959 không khiến ai phải băn khoăn về tính ưu việt của nó so với các đối thủ khác", Onokoy giải thích.
Do đó, SKS về sau được quân đội thông qua và chủ yếu được sử dụng cho các mục đích nghi lễ trong Trung đoàn Kremlin, cũng như theo các đơn vị biên phòng và dự bị.
Với những ưu điểm của mình, SKS trở thành một vũ khí tiện dụng, đáng tin cậy và mạnh mẽ, được ưa chuộng trong quân đội nước ngoài.
Vì quân đội Liên Xô không áp dụng SKS cho lục quân, nên bộ chỉ huy quân đội đã đồng ý chia sẻ công nghệ vũ khí với Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu khẩu súng bản sao của SKS dưới cái tên Type 56.
Trong những năm 1950-60, vũ khí này rất phù hợp với học thuyết quân sự của Trung Quốc, vốn ưu tiên súng trường cơ bản, thiên về bắn tỉa và phục kích hơn các cuộc giao tranh trực tiếp.
Loại vũ khí này đặc biệt tốt đối với quân đội Trung Quốc, vì nó cho phép binh lính di chuyển nhẹ nhàng hơn với lượng đạn ít trong túi.
"Súng trường bán tự đồng hoàn toàn phù hợp với chiến tranh du kích. Nó chính xác hơn so với súng trường tấn công và rẻ hơn súng bắn tỉa. Nó là một vũ khí đáng tin cậy và khiêm tốn có thể được sử dụng để phục kích ngay cả ở các vùng đầm lầy và cát", Onokoy cho biết.
"Loại vũ khí này được sử dụng rộng rãi bởi các thợ săn ở Nga và Mỹ, cũng như có thể được nhìn thấy trong tay các chiến binh ở Syria và Iraq vì những mục đích tương tự".