Vì sao nắm "kho báu" lớn thứ 2 thế giới được nhiều đối tác lớn quan tâm, nhưng Việt Nam nhất quyết không xuất khẩu thô?

Khánh Linh |

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết đã đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô.

Chiều ngày 4/6, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham gia giải trình về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Liên quan về vấn đề đất hiếm, Phó Thủ tướng cho biết, trữ lượng khoáng sản đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam có 2 loại đất hiếm là nặng và nhẹ, tức phụ thuộc nhiều vào công nghệ để chuyển các nguyên tố khi đó mới có giá trị.

dat-hiem1.png

Trữ lượng khoáng sản đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới với khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc.

Thị trường đất hiếm tăng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng vũ trụ,...

Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này, trong đó Trung Quốc nắm giữ trên 90%. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao.

"Đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác, đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Phát biểu cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung.

Trong đó có nội dung liên quan đến đất hiếm đó là năm 2024 hoàn thành Đề án về điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền).

Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có nhiều mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung tại Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây được coi là điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các nguyên tố đất hiếm có nhiều đặc tính hữu ích. Thành phần quan trọng của các thiết bị điện tử như điện thoại di động, màn hình LCD, máy tính, pin lưu trữ, xe oto điện,... Bên cạnh đó, đất hiếm cũng được dùng trong y tế để chẩn đoán và điều trị một số bệnh như ung thư, sản xuất thiết bị y tế; sản phẩm quốc phòng.

Trên thực tế, đất hiếm thực sự không quá hiếm. Tuy nhiên, việc khai thác chúng từ các nguồn tự nhiên cực kỳ khó khăn "Vấn đề là chúng không tập trung ở một nơi. Có khoảng 300 milligram đất hiếm trong mỗi kg đá phiến sét trên khắp nước Mỹ", Paul Ziemkiewicz, giám đốc Viện Nghiên cứu Nước Tây Virginia nói.

Do có nhiều ứng dụng, đặc biệt trong những thiết bị quan trọng và đắt tiền, các mỏ đất hiếm là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị và được xem là “vũ khí chiến lược” của các quốc gia.

Được biết, việc khai thác đất hiếm có thể làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, hoặc do việc khai thác khó khăn và tốn kém, nhiều quốc gia không thể thực hiện khai thác các nguyên tố đất hiếm. Dù vậy, đất hiếm vẫn được khai thác phổ biến tại Trung Quốc, quốc gia này đang nắm giữ 97% sản lượng toàn cầu của 17 kim loại đất hiếm, chiếm 60% lượng tiêu thụ.

Dựa vào nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc cùng những lo ngại ảnh hưởng về môi trường, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ,... từ lâu đã dựa vào nguồn cung đất hiếm dồi dào từ đất nước xuất khẩu đất hiếm nhiều nhất thế giới.

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất với 60% sản lượng; Mỹ là khách hàng lớn thứ 2 với 20% sản lượng nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc. Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu thường phải nhập khẩu 6% đất hiếm từ Trung Quốc.

Việt Nam nắm

Trung Quốc đang nắm giữ 97% sản lượng toàn cầu của 17 kim loại đất hiếm, chiếm 60% lượng tiêu thụ.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

Hiện Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia phương Tây đang tìm những giải pháp nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Các giải pháp bao gồm mở rộng khai thác các mỏ đất hiếm trong nước, phát triển công nghệ hạn chế tác động xấu của môi trường khi khai thác.

Đồng thời, nhiều quốc gia cũng đang tìm kiếm những nguồn cung đất hiếm khác bên ngoài Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn, hoàn toàn có thể tham gia vào trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu.

Theo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

Nhận thấy Việt Nam là thị trường có thể cung ứng đất hiếm top đầu thế giới, một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tìm đến Việt Nam với mong muốn hợp tác, phát triển đất hiếm.

Cụ thể, từ năm 2010, Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam nhằm mở rộng nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc.

photo-1717777330667

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định một khi khai thác thành công nguồn đất hiếm, Việt Nam có tiềm năng tạo doanh thu 2 tỉ USD mỗi năm

Đến tháng 6/2023, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký một biên bản ghi nhớ thành lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc và khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiềm năng đất hiếm của Việt Nam trong các cuộc thảo luận nhằm nâng cấp quan hệ song phương.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định một khi khai thác thành công nguồn đất hiếm, Việt Nam có tiềm năng tạo doanh thu 2 tỷ USD mỗi năm. Đó là chưa kể Việt Nam có thể nhận được hàng loạt lợi ích khác từ hợp tác phát triển công nghệ cho đến tạo vị thế quan trọng với các đối tác lớn trên thế giới. Bởi lẽ hiện nay một số nước đóng vai trò cung cấp chính nguồn đất hiếm cho toàn cầu đã thu hẹp nguồn cung.

Giữa bối cảnh thế giới đang cần đất hiếm để sản xuất chất bán dẫn cũng như pin xe điện, Việt Nam với trữ lượng lớn đang có cơ hội để phát triển. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để ngành khai thác khoáng sản đạt được những thành tựu nổi bật.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại