Vì sao nam giới mắc các bệnh trục trặc "súng, ống" gia tăng?

Thái Bình |

4 bệnh nam khoa mà nam giới hay mắc gồm: Rối loạn tình dục như xuất tinh sớm, xuất tinh chậm và muộn, xuất tinh ngược dòng…); Vô sinh; Viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục; Dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục (tinh hoàn ẩn, dương vật cong, niệu đạo đóng thấp…).

Theo Trung tâm nam học- Bệnh viện Việt Đức, hiện nay có một thực trang là hầu hết người mắc bệnh nam khoa thường xấu hổ, ngại đi khám, ngại chia sẻ, đến khi không cố được nữa mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn khó chữa.

Điển hình, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa phẫu thuật thành công cho một ca bị thấp niệu đạo. Bệnh nhân nam 25 tuổi, quê ở Lào Cai. Anh này đến viện trong tình trạng lỗ niệu đạo nằm thấp sát với tầng sinh môn (hậu môn).

Do lỗ niệu đạo thấp nên suốt 25 năm nay, anh rất xấu hổ, không bao giờ dám đi tiểu mà có sự chứng kiến của người khác. Thậm chí, giữa rừng giữa núi nhưng D. vẫn phải chui vào bụi rậm để đi tiểu vì sợ bạn bè nhìn thấy sẽ cười chê. Mãi đến khi quyết định lấy vợ nên anh mới chịu đến bệnh viện.

“Họ thường rất xấu hổ vì phải tiểu ngồi như phụ nữ. Quan hệ tình dục của họ vẫn bình thường nhưng khả năng có con rất thấp.

Vừa bị lỗ tiểu thấp, lại cong dương vật nên các bác sĩ phải dựng thẳng bộ phận sinh dục cho bệnh nhân, sau đó dùng niêm mạc miệng để cuốn thành đường niệu đạo mới, nối dài để đưa lỗ niệu đạo đến quy đầu.

Sau khi hồi phục, bệnh nhân có thể tiểu đứng và sinh hoạt tình dục bình thường.”- BS Trịnh Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nam học cho biết.

Cũng theo BS Giang, bệnh lý lỗ niệu đạo thấp thường gặp ở nam giới, nhưng ở thành phố, các bé trai thường được bố mẹ đưa đi phẫu thuật từ sớm. Khi đó, các chức năng sẽ hoàn toàn phục hồi và phát triển bình thường.

Tuy nhiên, người dân vùng sâu, vùng xa thì thường xấu hổ nên giấu bệnh hoặc không có điều kiện đi khám, điều trị sớm. BS Giang đã gặp một số bệnh nhân đến từ Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái chỉ đến khi cưới vợ mới “liều mình” đi phẫu thuật.

“Khi phát hiện niệu đạo của con mình bất thường thì các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám và điều trị sớm để con không bị ảnh hưởng về sức khoẻ và tâm lý” – BS Giang khuyến cáo.

Vì sao nam giới mắc các bệnh trục trặc súng, ống gia tăng? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Quang đang khám và tư vấn điều trị bệnh nam học cho bệnh nhân

Theo TS. BS Nguyễn Quang, Quyền Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ nam giới mắc các bệnh “khó nói” ngày càng gia tăng, nếu như 10 năm trước, mỗi ngày Trung tâm chỉ có vài người đến khám thì nay đã lên tới khoảng 50 người/ngày.

Trung bình một năm, Trung tâm Nam học tiếp nhận khoảng 17.000 lượt nam giới đến khám. Tỷ lệ và số lượng nam giới bị mắc các bệnh lý về nam khoa ngày càng gia tăng và trẻ hoá.

4 bệnh nam khoa mà nam giới hay mắc gồm: Rối loạn tình dục như xuất tinh sớm, xuất tinh chậm và muộn, xuất tinh ngược dòng…); Vô sinh; Viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục; Dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục (tinh hoàn ẩn, dương vật cong, niệu đạo đóng thấp…).

Từ thực tiễn gắn bó với chuyên môn nam học trong nhiều năm qua, BS Quang phân tích: Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do rối loạn hormone, sinh hoạt không điều độ, uống rượu bia nhiều, căng thẳng trong cuộc sống, mất cân bằng tâm sinh lý…, nhất là lối sống thiếu lành mạnh.

Đặc biệt, hầu hết nam giới mắc bệnh đều rất e ngại, ngại đi khám, ngại chia sẻ; đến khi không cố được nữa thì mới đi khám. Cũng vì thế đa phần nam giới đến khám thường có quá trình ủ bệnh lâu, khám chữa muộn và bệnh đã ở giai đoạn khó chữa

“Việc bệnh nhân mang bệnh suốt một quá trình dài như vậy đã không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý mà còn ảnh hưởng đến việc sinh con khi lập gia đình.

Do đó, những người bệnh không may mắc các trục trặc về nam học cần được thăm khám và phát hiện bệnh càng sớm càng tốt, như thế việc chữa trị sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn”- TS Quang khuyến cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại