Vì sao Mỹ rút hết 'pháo đài bay' B-52 khỏi đảo Guam?

Bình Giang |

Lần đầu tiên trong 16 năm, Không quân Mỹ không để máy bay ném bom hạng nặng nào ở đảo Guam.

Khi 5 chiếc B-52 Stratofortresses rời căn cứ không quân Andersen trên hòn đảo thuộc Thái Bình Dương vào ngày 17/4 cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho chương trình Hiện diện máy bay ném liên tục (CBP), một sứ mệnh từng được Lầu Năm góc goi là mảnh ghép chủ chốt để tạo nên năng lực răn đe trước những kẻ thù tiềm năng và trấn an các đồng minh ở châu Á.

Theo CBP, các máy bay B-52, B-1 và máy bay ném bom tàng hình B-2 được luân chuyển đến căn cứ Andersen theo chu kỳ 6 tháng, nhằm khẳng định sức mạnh trên không chiến lược của Mỹ khi những máy bay này chỉ mất vài giờ đã có thể có mặt tại những điểm nóng của Thái Bình Dương như Triều Tiên và biển Đông.

Giờ đây, Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ nói rằng các máy bay ném bom của Mỹ đạt hiệu quả cao hơn khi bay từ căn cứ trong lục địa Mỹ. Chúng vẫn có thể được triển khai đến Thái Bình Dương khi cần thiết mà lại có thể phản ứng tốt hơn với những điểm nóng tiềm năng như Vịnh Ba Tư.

“Mỹ đã chuyển sang cách cho phép các máy bay ném bom chiến lược hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ nhiều địa điểm khi cần thiết và với khả năng phục hồi cao hơn khi đậu lâu dài tại Mỹ”, thiếu tá Kate Atanasoft, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ, nói trong một thông cáo.

Bước đi này phù họp với Chiến lược quốc phòng 2018 của Lầu Năm góc, trong đó khẳng định lực lượng của Mỹ phải hoạt động theo cách khó đoán hơn.

Từ quan điểm quân sự, các nhà phân tích Mỹ nói rằng bước đi này có rất nhiều ý nghĩa.

“Sự liên tục và dễ đoán khi đặt máy bay ở Guam gây ra nguy cơ tổn thương nghiêm trọng. Một nhà hoạch định quân sự Trung Quốc có thể dễ dàng đoán ra cách Mỹ triển khai máy bay ném bom vì họ đã biết quá rõ vị trí”, ông Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại hãng tư vấn RAND Corp. ở Washington, nói với CNN.

Trên thực tế, một trong loại những tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc là DF-26 được các nhà phân tích gọi là “sát thủ Guam” khi nó được giới thiệu vào năm 2015 vì có khả năng tấn công các căn cứ trên lãnh thổ của Mỹ từ Trung Quốc đại lục.

Năm 2017, Triều Tiên thử một loại tên lửa đạn đạo tầm trung tên là Huasong-12. Báo chí nước này nói đây là một phần trong kế hoạch nhằm “khống chế Guam”.

“Rút máy bay khỏi Guam giúp giảm mục tiêu đối mặt với mối hoạ tên lửa đạn dạo của Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Carl Schuster, cựu tư lệnh chiến dịch tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đánh giá.

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc Mỹ rút máy bay ném bom chiến lược khỏi Guam cũng có tác dụng trấn an các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Tokyo và Seoul cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á có thể được khích lệ trước bằng chứng cho thấy Mỹ đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ bảo vệ, nâng cao năng lực răn đe và mức độ sẵn sàng của các lực lượng chiến đấu chủ chốt thông qua những hành động như kết thúc CBP”, ông Heath nói.

Những tài sản chiến lược như máy bay ném bom sẽ được đưa khỏi tầm tấn công của các kẻ thù của Mỹ. Nhưng khi được trang bị các tên lửa tấn công tầm xa và được hỗ trợ bởi máy bay tiếp nhiên liệu trên không, chúng vẫn có thể có mặt ở Thái Bình Dương chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi cất cánh từ những căn cứ chính như ở Bắc Dakota và Lousiana, ông Schuster nhận định.

Để chứng tỏ điều này, Không quân Mỹ hôm 22/4 điều một máy bay ném bom B-1 từ căn cứ ở Nam Dakota đi thực hiện hành trình kéo dài 30 giờ đồng hồ đến Nhật Bản, để cùng các máy bay F-15, F-2 của Nhật Bản và các máy bay F-16 của Mỹ thực hiện một cuộc diễn tập.

“Chiến dịch này cho thấy cam kết không ngừng của chúng tôi đối với an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thông qua việc triển khai các lực lượng chiến lược trênn toàn cầu”, Tướng CQ Brown, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, khẳng định trong một thông cáo.

“Chúng tôi vẫn là một lực lượng lợi hại, sáng tạo và có khả năng tương tác cao khi tập trung vào tầm nhìn chung về duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, ông Brown nói.

Nhà phân tích Schuster nói rằng dù Mỹ đã chuyển các máy bay ném bom về lục địa nhưng vẫn duy trì đủ năng lực không quân ở khu vực, trong đó có lực lượng máy bay chiến đấu F-35, F-16 và F-15 ở Nhật Bản, cùng các tàu chiến và tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk để có thể ứng phó ngay từ đầu khi bất kỳ xung đột nào xảy ra.

Ông Schuster cũng cho rằng các đồng minh và đối tác của Mỹ có năng lực cao của riêng họ.

“Bước đi này cho thấy Mỹ tin và năng lực quốc phòng của các đồng minh và đối tác”, ông Schuster nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại