Reuters ngày 9/6 đưa tin, tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản, hoạt động đàm phán giữa đại diện các nước diễn ra căng thẳng, tưởng như kết thúc mà không có Thông cáo chung.
Dù cuối cùng Thông cáo chung cũng đã được ban hành, nhưng một điều khoản quan trọng trong dự thảo đã bị phía Mỹ yêu cầu loại bỏ.
Bỏ ngỏ giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Nguồn tin chia sẻ nội dung Thông cáo chung cho biết, “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu của dường như đang đi xuống, dự kiến vào cuối năm nay và năm 2020 nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mức nhẹ”; “Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm chạp, nguy cơ rủi ro vẫn hiện hữu. Quan trọng nhất là tình hình căng thẳng thương mại và địa chính trị đang gia tăng. Chúng ta cần tiếp tục ứng phó những rủi ro này, sẵn sàng chuẩn bị cho những hành động tiếp theo.”
Thông cáo chung cũng xác định các Bộ trưởng tài chính G20 đồng thuận đến năm 2020 sẽ chế định bộ quy tắc chung nhằm ngăn chặn lỗ hổng mà những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Facebook và Google tận dụng để giảm thuế doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết Thông cáo chung đã loại bỏ một điều khoản là “Thừa nhận nhu cầu cấp bách để giải quyết căng thẳng thương mại”, điều khoản đã bị loại bỏ trong phiên thảo luận ngày 8/6 về dự thảo tuyên bố chung.
Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin tại G20 cho rằng, điều này là do quan điểm kiên quyết của phía Mỹ. Do gần đây cuộc chiến thuế quan giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng hơn, động thái của Mỹ cho thấy họ không muốn chịu thêm sức ép.
Ngoài ra, Thông cáo chung còn bỏ quan điểm ban đầu cho rằng Mỹ đang làm sâu sắc thêm xung đột thương mại Mỹ-Trung, đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phản bác quan điểm của Mnuchin
Nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng dẫn lại và phản bác phát biểu hôm 8/6 của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin rằng “Xung đột thương mại không gây bất cứ tác động nào đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ, chính phủ Mỹ sẽ có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tránh phải chịu ảnh hưởng từ mức thuế cao hơn”.
Từ ngày 23/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo cho biết, căng thẳng thương mại Trung-Mỹ đã tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và giới sản xuất cả hai nước, phí tổn do tăng thuế quan gây ra gần như toàn bộ do nhà nhập khẩu của Mỹ gánh chịu, một phần thuế quan đã chuyển cho người tiêu dùng Mỹ.
Reuters ngày 9/6 cho hay, Tổng Giám đốc IMF bà Christina Lagarde nhấn mạnh, “Nhiệm vụ hàng đầu nên là giải quyết tình hình căng thẳng thương mại hiện nay, đồng thời nỗ lực hiện đại hóa các quy tắc thương mại quốc tế. Giới hoạch định chính sách cần đảm bảo hơn độ chắc chắn và tin tưởng của thị trường, phải hỗ trợ hơn là cản trở con đường tốt nhất cho tăng trưởng toàn cầu.”
Tuần trước, IMF cũng cảnh báo, mặc dù theo dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đến năm 2020, nhưng xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể làm giảm 0.5% GDP toàn cầu, tương đương với quy mô kinh tế của Nam Phi.
Trang Wallstreetcn (Trung Quốc) cho hay, Báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" gần đây nhất, do IMF công bố cuối tháng 5 dự đoán năm 2019 có đến 70% số thể chế kinh tế trên toàn cầu bị giảm đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2019 cũng bị sụt giảm.