“Tại sao phải phát minh lại súng trường tấn công Kalashnikov nếu nó đã tồn tại?” Theo Forbes, đây chính xác là những gì quân đội Mỹ suy nghĩ, những người đang dự định mua vũ khí được phát triển từ thời Liên Xô cho các đồng minh. Mặc dù có phần yếu kém hơn về đặc tính so với sản phẩm Mỹ hiện đại, nhưng vũ khí Liên Xô rất đáng tin cậy và thuận tiện sử dụng.
Forbes cho biết, những vũ khí này “không thể mua được qua hệ thống cung cấp hàng quân sự thông thường”. Mục tiêu cuối cùng là ký hợp đồng thời hạn 5 năm từ 2022 đến 2026 để sản xuất vũ khí và đạn dược, sau đó sẽ chuyển đến Hoa Kỳ và các căn cứ nước ngoài.
Được biết, danh sách vũ khí mong muốn của Mỹ bao gồm tên lửa chống tăng có điều khiển được phát triển từ thời Liên Xô, tên lửa bố trí trên mặt đất và trên không, đạn pháo, đạn súng cối các cỡ từ 60 mm đến 152 mm, đạn pháo tăng 125 mm, đạn pháo 23 mm và 30 mm, tên lửa RPG chống tăng, cũng như súng trường tấn công Kalashnikov.
Liên Xô đã không còn tồn tại từ 30 năm trước nhưng có lẽ di sản lâu bền nhất của Liên Xô là số lượng vũ khí khổng lồ mà họ cung cấp cho các nước Đông Âu, chính phủ các nước và các nhóm khủng bố cũng như nhiều đảng phái khác nhau.
Ngày nay có nhiều quốc gia như Trung Quốc và Bulgaria có thể sản xuất và xuất khẩu vũ khí được phát triển từ thời Liên Xô. Được sản xuất ở Đông Âu, súng máy, pháo và xe tăng đã xuất hiện trên chiến trường trong các cuộc xung đột như cuộc nội chiến ở Syria.
Tuy nhiên, theo các tác giả, việc có được vũ khí phát triển từ thời Liên Xô có thể không đơn giản như vậy. Quân đội Mỹ đề cập đến các vấn đề như “nguồn cung cấp hạn chế” và sự miễn cưỡng của một số nước châu Âu khi cho phép vận chuyển các vũ khí này qua lãnh thổ. Ngoài ra, một trở ngại khác là Washington có thể từ chối hợp tác với một số nhà cung cấp vì lý do chính trị.
“Một số nhà cung cấp, trước đây được phép hợp tác, giờ đây có thể bị cấm (hoặc nằm dưới lệnh trừng phạt)”, đại diện Lục quân Mỹ cho biết. Quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ trực tiếp thử nghiệm các vũ khí và đạn dược để đảm bảo chúng đáp ứng các yêu cầu bắt buộc.
Ý tưởng sử dụng vũ khí do nước ngoài sản xuất không phải là mới. Các cơ quan tình báo và lực lượng đặc biệt trên thế giới từ lâu đã sử dụng vũ khí nước ngoài như một phần của hoạt động bí mật để bảo vệ danh tính một cách chính đáng.
Năm 2017, Bộ tư lệnh Đặc nhiệm Mỹ đã tìm kiếm các nhà sản xuất Mỹ có thể chế tạo súng máy hạng nặng và hạng nhẹ thời Liên Xô để cung cấp cho các đồng minh của Mỹ.
Các nhà sản xuất quốc phòng Nga đã lên án kế hoạch này, gọi chúng là trộm cắp, mặc dù thực tế là Nga trong một thời gian dài sao chép vũ khí và thiết bị được phát triển ở phương Tây, như máy bay ném bom B-29. Các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng chỉ trích Trung Quốc sao chép sản phẩm của họ.
Tại sao Mỹ muốn mua vũ khí cho các đồng minh, thay vì bán cho họ vũ khí của Mỹ? Câu trả lời là sự tiện lợi, đơn giản. Nhiều chính phủ và băng nhóm được hưởng sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, đặc biệt ở Trung Đông và châu Phi, đã sử dụng vũ khí Liên Xô trong nhiều năm qua.
Vũ khí hiện đại của Mỹ trong hầu hết các trường hợp vượt trội so với vũ khí cũ từ thời chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, vũ khí hiện đại khó sử dụng, đòi hỏi bảo trì nhiều, cũng như cần đào tạo đặc biệt để có thể thành thục.
“Súng trường tấn công Kalashnikov và súng phóng lựu RPG-7 tất nhiên đã được phát triển từ lâu, nhưng rất bền bỉ, đáng tin cậy, quân đội nhiều quốc gia khác nhau, từ Nicaragua, Somalia đến Syria đều biết cách sử dụng thành thạo chúng”, tác giả kết luận.