Vì sao Mỹ không trừng phạt Saudi Arabia?

Trương Khắc Trà |

Tưởng chừng như mối quan hệ số một trong thị trường năng lượng toàn cầu sẽ sụp đổ sau quyết định của OPEC+. Thế nhưng, thực tế diễn biến ngược lại.

Vì sao Mỹ không trừng phạt Saudi Arabia? - Ảnh 1.

Saudi Arabia đang định hình lại quan hệ với Mỹ (Ảnh: AFP)

Hàng thập kỷ quan hệ thâm tình với Saudi Arabia , Washington bất ngờ bị dội “gáo nước lạnh” vào tháng 10/2022 khi Saudi Arabia thông báo cắt giảm 2,5 triệu thùng dầu/ngày và đây cũng là quyết định của OPEC+.

Hành động này được coi là dấu hiệu rạn nứt quan hệ số 1 trong thế giới năng lượng cho dù tác động kinh tế của nó không quá ghê gớm - Nhà trắng nhìn nhận việc này dưới góc độ “địa chính trị” nhiều hơn. Bởi vì nó gián tiếp giúp Nga duy trì nguồn thu, đài thọ cuộc chiến ở Ukraine và làm giảm uy lực các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu ra sức dồn vào Moscow. Chính quyền ông Biden tuyên bố “đánh giá lại quan hệ với Saudi Arabia”.

Ông Robert Menendez, Thượng nghị sĩ phe Dân chủ đề xuất ngăn chặn bán vũ khí cho Saudi Arabia, trong khi một số nghị sĩ khác đề nghị xem xét lại hoạt động của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông. Giới quan sát gọi đây là tiền đề để Mỹ thảo thuận phương án trừng phạt Saudi Arabia.

Vào tháng 11/2022, Nhà trắng đã cấp quyền miễn trừ cho Thái tử Saudi Arabia, Mohamed bin Salman trong một vụ kiện dân sự ở Mỹ do vị hôn thê của nhà báo Jamal Khashoggi khởi kiện chống lại ông. Điều đó có nghĩa rằng, Washington không tiện thể lấy căng thẳng dầu mỏ áp lên quan hệ dân sự, không có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đổ vỡ như dự báo trước đó. Liệu đây là có phải là một thất bại cụ thể của cường quốc số 1 thế giới?

Vì sao Mỹ không trừng phạt Saudi Arabia? - Ảnh 2.

Vai trò của dầu mỏ đã nâng vị thế Trung Đông (Ảnh: Reuters)

Thế giới đang phân hóa theo xu hướng đa cực, cuộc chơi không còn là sân khấu riêng của trục Tây bán cầu. Đặc biệt, sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra sức hút không nhỏ, lôi kéo và cung cấp thêm một lựa chọn hợp tác cho các quốc gia phương Đông.

Mỹ và châu Âu lộ điểm yếu cốt tử - vẫn là năng lượng. Nếu như 20 năm trước Washington có thể mang quân đến vùng Vịnh, sử dụng lá bài Israel để uy hiếp an ninh khối Ả rập, qua đó chìa “củ cà rốt” bảo trợ an ninh, buộc phải hợp tác, thì nay tình hình đã khác.

Trong những năm 50 - 60, các quyết định về sản xuất dầu của Saudi Arabia nằm trong tay các đại tập đoàn của Mỹ. Giờ đây, các công ty Mỹ từng điều hành ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Đông đã “rớt xuống” đối tác cấp dưới và nhà cung cấp dịch vụ cho chính phủ sở tại.

Nếu Mỹ tiếp tục làm căng với Saudi Arabia, chẳng biết chừng vô hình dung đẩy nước này đến gần hơn với Bắc Kinh và Moscow. Cần biết rằng, hàng loạt quốc gia Trung Đông đã soạn sẵn chính sách “hướng Đông”.

Có vẻ như quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan và chính sách xa rời “vũng lầy” Trung Đông đã làm giảm sút đáng kể uy tín của Mỹ. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực có lý do để tìm kiếm phương án thay thế.

Mỹ là đầu tàu thúc đẩy cam kết lịch sử - giảm phát thải, lên án năng lượng hóa thạch tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu Glasgow hồi năm 2021 (COP26). Đây không khác gì cú đánh chí mạng với OPEC, trong đó Saudi Arabia là thành viên quan trọng nhất.

Khi biến đổi khí hậu đẩy thế giới ra khỏi nhiên liệu hóa thạch, Saudi Arabia đang chịu áp lực phải kiếm tiền từ trữ lượng dầu của mình trong khi nước này đang bị Mỹ khóa chặt về phương pháp giao dịch, định giá dầu mỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại