Vì sao Mỹ không dám đi đến chiến tranh tổng lực với Iran?

Trịnh Ngọc Tiến |

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, việc Mỹ mở cuộc chiến tổng lực (bộ-không-biển) với Iran, như cuộc tấn công vào Iraq trước đây, là hoàn toàn không thể.

Lý do trước hết là do quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông đã bị suy yếu rất nhiều bởi sự phát triển của cấu trúc các liên minh quân sự; thứ hai đó chính là sức mạnh quân sự của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Sức mạnh của lực lượng vũ trang Iran

Về tiềm năng quân sự hiện tại của Iran, họ đủ sức đương đầu với một cuộc chiến thông thường của Mỹ và đồng minh. Trong những năm qua, mặc dù bị cấm vận nhưng tiềm lực quân sự của Iran vẫn được tăng cường một cách đáng kể, trong đó có cả việc họ mua được hệ thống phòng không hiện đại S-300 của Nga.

Vì sao Mỹ không dám đi đến chiến tranh tổng lực với Iran? - Ảnh 1.

Iran có tiềm lực quân sự tương đối mạnh.

Lực lượng vũ trang Iran được coi là một trong những lực lượng quân sự mạnh tại khu vực Trung Đông, quân số thường trực khoảng 534.000 người (ngoài ra còn có 6 triệu quân dự bị); quân đội Iran có đủ các quân binh chủng, được tổ chức và huấn luyện tốt.

Iran có tiềm lực về tên lửa đạn đạo cũng như ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng sản xuất nhiều vũ khí tiên tiến.

Trong trường hợp Mỹ mở cuộc tập kích đường không vào Iran, Iran sẽ chọn các cơ sở quân sự của Mỹ ở Vịnh Péc-xích làm mục tiêu.

Cấu trúc các liên minh quân sự thay đổi, bất lợi cho Mỹ

Các liên minh quân sự của Mỹ tại Trung Đông trong những năm qua đã thay đổi, phần lớn gây bất lợi cho Mỹ.

Một số đồng minh lâu năm nhất của Mỹ trong khu vực hiện là đồng minh của Iran. Ví dụ các quốc gia giáp với Iran, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, đã có thỏa thuận về hợp tác quân sự với Iran. Những thỏa thuận này đã góp phần loại trừ (hoặc hạn chế) việc Mỹ và đồng minh mượn lãnh thổ các quốc gia này làm bàn đạp trực tiếp tiến công Iran.

Ở góc độ quân sự rộng lớn hơn, Thổ Nhĩ Kỳ tích cực hợp tác với cả Iran và Nga. Iraq cũng nói rõ rằng họ sẽ không hợp tác với Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bộ với Iran.

Trong điều kiện hiện tại, không một quốc gia nào giáp với Iran, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan, Iraq, Turkmenistan, Azerbaijan và Armenia, đồng ý cho phép các lực lượng lục quân của Mỹ và đồng minh đi qua lãnh thổ của họ. Họ cũng sẽ không hợp tác với Mỹ trong việc tiến hành một cuộc tập kích đường không nhằm vào Iran.

Mặc dù sau Chiến tranh Lạnh, Azerbaijan đã trở thành đồng minh của Mỹ, đồng thời là thành viên của chương trình Đối tác với NATO vì Hòa bình nhưng trên thực tế, những thỏa thuận trước đây về hợp tác quân sự giữa Mỹ và Azerbaijan gần như không có hiệu lực.

Trong khi đó, vào tháng 12 năm 2018, một loạt thỏa thuận song phương về hợp tác quân sự và tình báo đã được ký kết giữa Iran và Azerbaijan. Cùng với tăng cường quan hệ với Azerbaijan, Iran tích cực mở rộng hợp tác với Turkmenistan, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ và có chung đường biên giới với Iran.

Còn với Afghanistan, hiện nay lực lượng Taliban đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Thực trạng này không cho phép triển khai quy mô lớn lực lượng lục quân của Mỹ và đồng minh ở biên giới Iran-Afghanistan. Nếu cuộc xung đột xảy ra, thậm chí Iran còn có thể lợi dụng lực lượng Taliban để mở mặt trận để "chia lửa" với Iran.

Sự chia rẽ trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh

Trên thực tế, lệnh cấm vận của Arab Saudi đối với Qatar (với sự chấp thuận không chính thức của Washington) vào tháng 5 năm 2017, đã dẫn đến sự chia rẽ trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC); góp phần tạo ra cái gọi là trục Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar và làm suy yếu quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông.

Sau sự chia rẽ giữa Qatar và Arab Saudi, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh bối rối vì Qatar đã đứng về phía Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; trong khi Ô-man và Kuwait đứng về phía Qatar.

Mặc dù là một quốc gia có quy mô dân số nhỏ nhưng Qatar có tầm quan trọng chiến lược lớn trong khu vực. Hơn nữa, kể từ khi có sự chia rẽ trong GCC, Kuwait cũng không còn mối quan hệ mật thiết với Ả Rập Saudi.

Tuy nhiên, Kuwait vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trên tất cả các mặt với Washington. Hiện nay có bảy căn cứ quân sự của Mỹ đang hoạt động tại Kuwait, trong đó quan trọng nhất là căn cứ Camp Doha.

Sự chia rẽ trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã làm suy yếu quyết tâm của Trump trong việc kiềm tỏa sức mạnh của Iran trong khu vực, đồng thời đẩy Qatar trở thành đồng minh quan trọng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù không có thỏa thuận chính thức về hợp tác quân sự với Iran nhưng Qatar cùng với Iran đang cùng nhau khai thác các mỏ khí đốt chung lớn nhất thế giới ở ngoài khơi Vịnh Péc-xích.

Hiện nay trụ sở Bộ Tư lệnh tiền phương của Mỹ ở Trung Đông (USCENTCOM) được đặt tại căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar.

Vì sao Mỹ không dám đi đến chiến tranh tổng lực với Iran? - Ảnh 2.

Căn cứ không quân Al-Udeid. Ảnh: Wiki

USCENTCOM có nhiệm vụ chỉ huy chung các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở khu vực từ Afghanistan đến Bắc Phi; trong đó Trung Đông là trọng điểm. USCENTCOM đã điều hành các hoạt động quân sự ở Afghanistan (2001), Iraq (2003) và hiện tại USCENTCOM cũng tham gia vào các hoạt động quân sự ở Syria.

Trong khi đó, căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar được thiết kế để bảo vệ các lực lượng Mỹ và lợi ích của Anh trong khu vực.

Theo tờ Washington Post: "Về mặt kỹ thuật, căn cứ không quân Al-Udeid là tài sản của Qatar, nơi đặt trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (USCENTCOM)". Với 11.000 lính Mỹ đang đóng quân tại đây, Al-Udeid được mô tả là một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ trên thế giới và là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Hiện tại ở Qatar có rất nhiều doanh nhân, quan chức an ninh và chuyên gia Iran trong ngành dầu khí (có thể liên kết với tình báo Iran?).

Sau sự kiện Iran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái tầm cao của Mỹ, Tổng thống Donald Trump xác nhận rằng, quân đội Mỹ có kế hoạch bắt đầu một cuộc chiến chống Iran từ Sở chỉ huy tiền phương USCENTCOM của họ tại căn cứ quân sự Al Udeid nằm trên lãnh thổ của Qatar?

Vậy tuyên bố này có mâu thuẫn với mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Iran và Qatar?

Như vậy liên minh quân sự mà Mỹ dầy công xây dựng từ sau cuộc chiến với Iraq (2003) không còn sự liên kết vững chắc. Hiện nay Iran có quan hệ thân thiện với các nước láng giềng mà trước đây thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, nếu Mỹ mạo hiểm đưa quân vào tấn công Iran trong một cuộc chiến tổng lực, đó chẳng khác nào là hành động tự sát.

Nhìn chung, cấu trúc của các liên minh do Mỹ xây dựng hiện đang bị Iran phân hóa và lợi dụng. Về mặt lý thuyết, Mỹ không thể tiến hành một cuộc chiến tổng lực với Iran mà không có sự hỗ trợ của các đồng minh lâu năm. Nói ví von như tờ Washington Post: "Iran hiện đang trên giường với đồng minh của Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại