Vì sao Mỹ khó vỡ nợ?

PGS.TS ĐOÀN NGỌC THẮNG - NCS. ĐỖ PHÚ ĐÔNG (*) |

Với sự phân cực chính trị ngày càng sâu sắc, áp lực nợ công và tăng trần nợ là chủ đề rất nóng ở Mỹ . Dù vậy, thực tế là nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa từng vỡ nợ, và các Đảng phái của nước này đều tìm được tiếng nói chung ở những giai đoạn nhạy cảm nhất.

Vì sao Mỹ khó vỡ nợ? - Ảnh 1.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ảnh: Getty Images

Khi Chính phủ Mỹ chi nhiều hơn số tiền thu vào, họ phải vay tiền để trang trải khoản thâm hụt hàng năm. Và thâm hụt hàng năm làm tăng thêm nợ quốc gia. 

Chi tiêu của Chính phủ Mỹ được chia thành hai loại chính: Bắt buộc và tùy ý. Chi tiêu bắt buộc chiếm gần hai phần ba chi tiêu hàng năm, loại chi tiêu này không yêu cầu Quốc hội thông qua hàng năm. Chi tiêu bắt buộc bao gồm tài trợ cho các chương trình y tế như Medicare, an sinh xã hội và các khoản thanh toán khác cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền tiểu bang và địa phương.

Chi tiêu tùy ý là tiền được Quốc hội và Tổng thống chính thức phê duyệt trong quá trình phân bổ hàng năm. Nói chung, Quốc hội Mỹ phân bổ hơn một nửa ngân sách tùy ý cho quốc phòng và phần còn lại để tài trợ cho việc quản lý các cơ quan và chương trình khác. Các chương trình này bao gồm các chương trình giao thông, giáo dục, nhà ở và dịch vụ xã hội, cũng như các tổ chức khoa học và môi trường.

Thâm hụt của Mỹ hiện nay chủ yếu là do các yếu tố cấu trúc có thể dự đoán được: Dân số đang già đi, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng và hệ thống thuế không mang lại đủ tiền để chi trả chi tiêu chính phủ. Khi khoản nợ tăng lên, tiền lãi phải trả cũng tăng theo cấp số nhân và tiền lãi sẽ trở thành phần tăng trưởng nhanh nhất trong ngân sách liên bang.

Để tránh tình trạng nợ công gia tăng không kiểm soát, trần nợ công đã ra đời vào năm 1917 được thiết lập bởi Quốc hội Mỹ. Trần nợ là tổng số tiền mà Chính phủ nước này được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có của mình, bao gồm phúc lợi an sinh xã hội và Medicare (chăm sóc sức khỏe), lương quân nhân, lãi suất nợ quốc gia, hoàn thuế và các khoản thanh toán khác. Trần nợ không cho phép các chi tiêu mới, mà chỉ cho phép chi tiêu theo các nghĩa vụ pháp lý hiện hành mà Quốc hội và Chính phủ đã thông qua. Vào ngày 19/1/2023, Mỹ chạm tới trần nợ 31,4 nghìn tỷ đô la, tương đương 98% GDP.

Tính đến ngày 18/9/2023, nợ công của Mỹ đã vượt mốc 33 nghìn tỷ USD, xác lập kỷ lục mới trong lịch sử. Chính phủ Mỹ đã thâm hụt trung bình gần 1.000 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2001, nghĩa là họ chi nhiều tiền hơn số tiền nhận được từ thuế và các khoản thu khác. Do đó, họ phải vay để tiếp tục tài trợ cho các khoản thanh toán mà Quốc hội đã cho phép.

Những mâu thuẫn, bất đồng đảng phái trong quốc hội Mỹ

Hiện nay Chính phủ Tổng thống Biden không muốn thương lượng về vấn đề nâng trần nợ khi muốn nâng trần nợ vô điều kiện, trong khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ không nhất trí nâng trần nợ nếu không có những nhượng bộ trong vấn đề chi tiêu. Vào năm 2011, với tư cách là Phó Tổng thống của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden được giao nhiệm vụ dẫn đầu một loạt cuộc đàm phán với các thành viên Quốc hội về vấn đề nâng trần nợ. Chính quyền Obama-Biden đã đàm phán một cách thiện chí nhưng sự bảo thủ của các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội dẫn đến bờ vực của việc vỡ nợ, và đã gây ra suy thoái kinh tế. Đó là lý do tại sao chính quyền không đàm phán vào năm 2013 hoặc sau đó.

Trái ngược lại, các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ không cắt giảm các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế quốc gia. Các giải pháp còn lại sẽ được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán trong vấn đề nâng trần nợ. Hạ viện đã thông qua dự luật đề xuất bởi Đảng Cộng hòa khi tăng trần nợ 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31/3/2024 sẽ cắt giảm chi tiêu so với mức của năm 2022 và tăng trần nợ 1% một năm, hủy bỏ một số sáng kiến thuế về năng lượng sạch và tăng cường quy định về việc làm với một số chương trình chống đói nghèo.

Với việc ông Mike Johnson, cựu Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa đã chính thức được chọn là Chủ tịch Hạ viện vào ngày 25/10/2023, sự xung đột giữa các đảng phái chính trị tại Mỹ có khả năng sẽ ngày càng leo thang. Lý do là bởi theo đánh giá, ông Johnson ngay từ đầu đã được coi là thiếu tham vọng khi không ghi tên mình làm ứng cử viên cho Chủ tịch Hạ viện. Do đó, với việc đắc cử, các chuyên gia cho rằng đây là bàn đạp để Đảng Cộng Hòa có thể có ưu thế trong các xung đột chính sách.

Đánh giá về khả năng Mỹ sẽ vỡ nợ trong thời gian tới

Với sự phân cực chính trị của Mỹ ngày càng sâu sắc trong thập kỷ qua, vấn đề tăng trần nợ vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi. Vào tháng 4/2023, Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua dự luật đình chỉ trần nợ để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu liên bang gần 14% trong thập kỷ tới. Các nhà phân tích nói rằng dự luật không có cơ hội thông qua Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo và Tổng thống Biden đã đe dọa sẽ phủ quyết dự luật này.

Quốc hội Mỹ luôn hành động kịp thời khi được kêu gọi tăng giới hạn nợ. Kể từ năm 1960, Quốc hội đã hành động 78 lần riêng biệt để tăng, gia hạn tạm thời hoặc sửa đổi định nghĩa về trần nợ - 49 lần dưới thời các tổng thống Đảng Cộng hòa và 29 lần dưới thời các tổng thống Đảng Dân chủ. Các nhà lãnh đạo Quốc hội ở cả hai bên đã nhận ra rằng điều này là cần thiết.

Các biện pháp Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng để ngăn chặn điều này

Bộ Tài chính Mỹ có thẩm quyền để sử dụng các biện pháp đặc biệt: Khi quốc gia tiến gần đến - hoặc đạt đến – trần nợ theo luật định, Bộ trưởng Tài chính có thể tìm cách chuyển tiền xung quanh các tài khoản của Chính phủ để duy trì dưới giới hạn vay, về cơ bản là kéo dài thời gian để Quốc hội tăng mức trần. Điều đó bao gồm việc tìm cách giảm bớt những gì được tính vào giới hạn nợ, chẳng hạn như tạm dừng một số loại đầu tư vào kế hoạch tiết kiệm cho nhân viên chính phủ và kế hoạch y tế cho nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu. 

Bộ Ngân khố cũng có thể tạm thời chuyển tiền giữa các cơ quan Chính phủ và các phòng ban để thực hiện thanh toán khi đến hạn. Tuy nhiên những giải pháp này chỉ là tạm thời, vì theo dự báo theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đến trước ngày 1/6/2023 những biện pháp này sẽ không còn đáp ứng được những khoản nợ phải trả.

Chính quyền Tổng thống Biden và Đảng Cộng hòa đạt được thỏa thuận: Một số chuyên gia cho rằng một thỏa thuận giữa Tổng thống và Đảng Công hòa sẽ là một kết quả tích cực cho thị trường tài chính, nhưng nó sẽ đi kèm với chi phí kinh tế. Có khả năng sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt về việc hạn chế các chương trình liên bang. Đảng Dân chủ đã cáo buộc rằng Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm an sinh xã hội, Medicare và lợi ích của cựu chiến binh. Hàng triệu cá nhân và hộ gia đình dựa vào các chương trình này và việc cắt giảm có thể làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng bất ổn về kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng hòa nói rằng họ muốn giữ nguyên các chương trình đó và thay vào đó tập trung vào những thứ như giáo dục, nhà ở và các chương trình môi trường.

Gia hạn thời gian: Quốc hội có thể thông qua dự luật tạm thời "treo" trần nợ trong vài tuần hoặc vài tháng để các nhà lập pháp và Nhà Trắng có thêm thời gian đàm phán một thỏa thuận. Nếu các nhà lập pháp quyết định, họ có thể đình chỉ trần nợ cho đến cuối tháng 9. Cùng với đó, Quốc hội phải thông qua các dự luật chi tiêu mới vào cuối tháng 9, nếu không chính phủ sẽ đóng cửa một phần. Điều đó sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách đưa tất cả những vấn đề này vào một cuộc tranh luận, nhưng nó sẽ làm tăng rủi ro nhiều hơn nếu họ không hành động.

Tuy nhiên, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều không muốn đàm phán về trần nợ hai lần trong một khoảng thời gian ngắn, vì sợ rằng họ sẽ bị đổ lỗi cho các cuộc đàm phán kéo dài và không có kết quả với nền kinh tế. Tuy nhiên, với tình hình phức tạp của trần nợ công, Quốc hội Mỹ đã quyết định "treo" trần nợ vào tháng 6/2023. Hiện tại, vẫn chưa có thời gian hiệu lực cho quyết định treo trần nợ này.

Nhà Trắng tự đưa ra biện pháp đặc biệt: Tổng thống Biden có thể ra lệnh cho Cục đúc tiền kim loại Mỹ tạo ra thứ gì đó giống như đồng xu trị giá 1 nghìn tỷ đô la. Sau đó, Nhà Trắng có thể ký gửi đồng xu với Cục Dự trữ Liên bang và sử dụng số tiền đó để thanh toán các hóa đơn của chính phủ. 

Nhưng điều đó đặt ra những nhược điểm sau: Thứ nhất là Cục Dự trữ Liên bang sẽ cần phải chấp nhận đồng tiền này và không rõ liệu họ có chấp nhận hay không. Thứ hai là lạm phát. Nếu 1 nghìn tỷ đô la tiền mới đột nhiên xuất hiện, loại tiền tệ khác đang lưu hành sẽ trở nên kém giá trị hơn. Điều đó có thể làm tổn thương người tiêu dùng, những người đã phải đối phó với lạm phát giá cả.

Chính phủ Mỹ vỡ nợ: Nếu điều này xảy ra, các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ cấp tín nhiệm của Chính phủ, tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp cũng như chủ nhà, và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng có thể gây sốc cho thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã ước tính rằng việc vi phạm trần nợ sẽ ngay lập tức khiến khoảng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ bị đình trệ, ba triệu người mất việc làm. Ngoài ra, lãi suất cao hơn có thể chuyển tiền của người nộp thuế trong tương lai ra khỏi các khoản đầu tư liên bang rất cần thiết trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới được giữ bằng USD, do đó, việc giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột có thể ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu kho bạc khi giá trị của các khoản dự trữ này giảm xuống. Khi các quốc gia có thu nhập thấp mắc nợ nặng nề phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ, đồng USD yếu hơn có thể khiến các khoản nợ bằng các loại tiền tệ khác tương đối đắt hơn và có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ, ví dụ như Sri Lanka và Pakistan.

Nhiều nhà xuất khẩu Mỹ có thể hưởng lợi từ việc đồng đô la giảm giá vì nó sẽ làm tăng nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa khi giá cả hàng hóa giảm. Nói cách khác, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng sẽ bị mất đi phần lớn nguồn thu nhập. Sự bất ổn của đồng đô la cũng có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ như Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách định vị đồng Nhân dân tệ của mình như một nguồn dự trữ toàn cầu, nhưng đồng tiền này chỉ chiếm dưới 3% dự trữ ngoại hối được phân bổ của thế giới.

Tính đến tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đã vượt 80 tỷ USD. Chỉ riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã đạt 70,23 tỷ USD, là thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Như những quốc gia xuất siêu khác, Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu thông qua xuất khẩu. Khi các doanh nghiệp thu được ít lợi nhuận hơn thông qua xuất khẩu sang Mỹ, việc cắt giảm lao động là điều khó tránh khỏi. 

Điều này có nghĩa nhân công trong các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh ở Việt Nam như nông sản, thủy hải sản, may mặc,... có khả năng sẽ phải đứng trước nguy cơ mất việc làm với số lượng lớn. Giống như các quốc gia khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chủ yếu là đồng USD, với dự kiến lên đến mức 98,7 tỷ USD vào cuối năm 2023. Do đó, khi đồng USD mất giá vì vỡ nợ, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng sẽ bị giảm giá trị, trực tiếp cản trở hoạt động nhập khẩu.

(*) PGS.TS Đoàn Ngọc Thắng, NCS Đỗ Phú Đông - Khoa Kinh doanh Quốc tế, HVNH

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại