Một hệ thống tên lửa Patriot ở Slovakia năm 2022 - Ảnh: REUTERS
Thông tin về việc Mỹ gửi tên lửa Patriot cho Ukraine được Đài CNN đưa đầu tiên vào ngày 13-12 (giờ Mỹ).
CNN dẫn hai nguồn tin quan chức Mỹ và một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tiết lộ Mỹ đang chốt kế hoạch gửi tên lửa Patriot cho Ukraine.
Hãng tin AP dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Mỹ sẽ gửi một hệ thống Patriot tới Ukraine. Một hệ thống Patriot gắn trên xe tải sẽ gồm tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ phóng có thể chứa 4 tên lửa.
Theo báo Politico, lúc này chưa rõ Mỹ sẽ chuyển các hệ thống Patriot đã có sẵn ở châu Âu và Trung Đông sang Ukraine, hay sẽ hợp tác với nhà sản xuất Raytheon Technologies để chế tạo hàng mới. Nếu chế tạo mới, phải mất vài năm các hệ thống này mới ra được chiến trường.
Dù vậy, theo lời các quan chức nói với AP, hệ thống Patriot Mỹ có thể chuyển cho Ukraine lần này sẽ được lấy từ các kho có sẵn của Lầu Năm Góc, và được vận chuyển tới Ukraine từ một quốc gia khác.
Quyết định này trước hết cần có sự phê duyệt của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, trước lúc trình Tổng thống Biden ký. Hàng loạt báo, đài và hãng tin như AP, Reuters, CNN, Politico… dẫn nguồn khẳng định Tổng thống Biden sẽ ký nếu kế hoạch trên được ông Austin thông qua.
Truyền thông Mỹ cũng cho hay Lầu Năm Góc nhiều khả năng sẽ công bố quyết định gửi tên lửa Patriot cho Ukraine sớm nhất vào ngày mai (15-12). Đây là mốc thời gian trùng với sự kiện Bộ trưởng Austin báo cáo Quốc hội về các diễn biến mới nhất ở chiến trường Ukraine, nơi Nga đã khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" từ tháng 2-2022.
Mặc dù vậy, tính tới trưa ngày 14-12 theo giờ Việt Nam, cả Bộ Quốc phòng Mỹ lẫn phía Ukraine đều chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan. Trong các buổi phổ biến thông tin ngày 13-12, Lầu Năm Góc lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều không xác nhận kế hoạch gửi tên lửa Patriot.
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot được xem là tên lửa tiên tiến nhất mà phương Tây gửi tới Ukraine tính tới nay.
Suốt vài tháng qua, Ukraine đã vận động để Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa trên, nhằm ứng phó với các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (drone) của Nga.
Theo truyền thông Mỹ, việc Washington tiến gần tới quyết định cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine vào thời điểm này xuất phát từ lo ngại rằng Ukraine sẽ khốn khổ trong mùa đông tới, vì các đợt tấn công của Nga sẽ tập trung vào phá hủy cơ sở hạ tầng then chốt trên khắp Ukraine. Patriot vì vậy được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng chống trả.
Trước đó, Mỹ vẫn khá chần chừ trước quyết định về việc cung cấp Patriot cho Ukraine vì hai lý do chính.
Động thái này có nguy cơ đẩy căng thẳng trên chiến trường leo thang, khi nhiều khả năng đón nhận phản ứng đáp trả mới của Nga.
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã từng cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc hỗ trợ tên lửa Patriot cho Ukraine, và chỉ riêng diễn biến này cũng đã rất có khả năng bị phía Nga xem như hành động leo thang căng thẳng.
Thứ hai, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Ukraine có thể vận hành tốt hệ thống Patriot nếu không có lính Mỹ hỗ trợ tại chiến trường.
Mỗi hệ thống Patriot bao gồm radar, trạm điều khiển, máy tính, hệ thống điện, thường đòi hỏi khoảng 90 binh sĩ vận hành và bảo trì. Tuy vậy, chỉ cần 3 người thực hiện nhiệm vụ phóng mỗi lần.
Đi kèm quyết định gửi tên lửa Patriot cho Ukraine sẽ là việc đào tạo từ phía Mỹ, bởi Washington nhiều lần khẳng định không gửi quân tới Ukraine. Bất kỳ sự hiện diện nào của lính Mỹ và NATO ở Ukraine dĩ nhiên đồng nghĩa tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến tại đây, đánh dấu việc chiến tranh lan rộng và đó là điều không ai muốn.