Theo báo cáo của Forbes, gần đây Washington đang tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đề nghị, Quân đội Mỹ nên triển khai thêm một hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa tại căn cứ đảo Guam để đề phòng tên lửa Trung Quốc.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Philip Davidson đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh ở đảo Guam.
Ông Davidson cảnh báo rằng, trong trường hợp chiến tranh với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của mình tiêu diệt toàn bộ các trang thiết bị Mỹ bố trí tại đảo Guam như máy bay ném bom, máy bay chiến đấu hạng nặng, thậm chí đảo Guam có thể bị “xóa khỏi bản đồ” chỉ trong vài lượt tấn công.
Mỹ bố trí nhiều vũ khí hiện đại tại đảo Guam. Nguồn: Sina.
Ông Davidson cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là triển khai hệ thống chống tên lửa Aegis trên đảo Guam. Hệ thống này có thể đóng vai trò là trụ cột phòng thủ của Mỹ trong khu vực.
Theo báo cáo, đảo Guam nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, cách Trung Quốc khoảng 2.897 km, căn cứ này đủ gần để được Mỹ sử dụng như một cơ sở cho máy bay ném bom, tàu chiến và máy bay trinh sát ở khu vực châu Á. Nó cũng là đủ xa để tránh khỏi các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường từ hướng châu Á.
Tại đảo Guam, căn cứ Không quân Anderson là căn cứ lớn nhất của Mỹ có thể chứa hàng trăm máy bay. Các nhà hoạch định chiến lược của Quân đội Trung Quốc cũng nhận thức được giá trị của căn cứ này đối với Mỹ, do đó, Bắc Kinh đã bố trí tên lửa DF-26 với tầm bắn khoảng 4.000 km nhằm vào căn cứ này.
Tháng 4/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức đưa loại tên lửa này vào trực chiến. Bắc Kinh đã thành lập một lữ đoàn với ít nhất 22 bệ phóng di động DF-26. Lữ đoàn này được giao hai nhiệm vụ chính: tiến hành phản công hạt nhân nhanh chóng và tấn công chính xác các mục tiêu ở đất liền cùng tàu chiến cỡ vừa trên biển. Theo CCTV, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 2.500 tên lửa DF-26.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh, ngoài DF-26, máy bay ném bom H-6 với tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc có thể tấn công tới Guam từ ngoài khu vực phòng thủ. Cùng với đó, tàu chiến của Bắc Kinh được trang bị tên lửa YJ-18 cũng được sử dụng để đối phó với lực lượng Mỹ ở căn cứ Anderson từ cự ly gần 500 km.
Tổ hợp Aegis Ashore được Mỹ triển khai tại Romania. Nguồn: Sina.
Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ tin rằng, trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn với Trung Quốc, ít nhất sẽ có một vài tên lửa bay tới đảo Guam và cuộc sống của hàng ngàn người Mỹ, máy bay chiến đấu trị giá hàng trăm triệu USD cùng khả năng tấn công tầm xa của Không quân Mỹ sẽ bị đe dọa.
Đây cũng là lý do tại sao Washington đã triển khai một loạt các hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đảo Guam. Cùng với đó, Mỹ cũng đang khẩn trương triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3 tại căn cứ này.
THAAD và Patriot đều là hệ thống đánh chặn tên lửa trong gia đoạn cuối, nó chưa đủ đảm bảo an ninh cho Guam, do vậy Mỹ cần thêm hệ thống đánh chặn tên lửa trong giai đoạn giữa ở căn cứ này. Tên lửa SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở khoảng cách xa hơn, là ứng cử viên hàng đầu để bố trí tại Guam.
Hiện, có hai cách để phóng tên lửa SM-3, đó là sử dụng tàu chiến được trang bị hệ thống Aegis hoặc sử dụng hệ thống Aegis phóng trên mặt đất. Trong đó, sử dụng hệ thống Aegis trên đất liền có chi phí thấp hơn so với tàu khu trục. Do vậy, Đô đốc Mỹ đã đề nghị bố trí hệ thống này ở Guam trong thời gian tới. Tuy nhiên, liệu Quốc hội Mỹ có nhất trí chi hàng tỉ USD để thiết lập hệ thống này trên đảo Guam hay không vẫn là điều khó đoán.
Cùng với việc đề nghị bố trí hệ thống Aegis ở Guam, Lầu Năm Góc cũng đang rót hàng trăm triệu USD vào căn cứ trên đảo Wake, hòn đảo nằm giữa đảo Guam và Hawaii do Không quân Mỹ điều hành, để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Căn cứ trên đảo Wake có thể sử dụng như một phương án dự phòng cho quân đội Mỹ trong trường hợp các căn cứ lớn ở đảo Guam và Hawaii bị tấn công. Căn cứ này cũng có thể được triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Việc nâng cấp căn cứ ở đảo Wake cũng là một phần trong chiến lược tạo ra hệ thống phòng thủ nhiều lớp ở Thái Bình Dương, trải dài từ các căn cứ ở Philippines, Nhật Bản đến Hawaii. Trong đó đảo Guam đóng vai trò là tuyến phòng thủ thứ 2.