Vì sao Mỹ có tư tưởng coi người gốc Á mãi là người nước ngoài?

Thùy Dương |

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bài người gốc Á không phải là chuyện mới ở Mỹ. Tranh cãi về nguồn gốc đại dịch COVID-19 đã làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Theo tờ Vox, tình trạng quấy rối nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng vọt trong năm 2020. Theo Stop APPI Hate, tổ chức theo dõi về vấn đề này, trên 2.800 sự cố phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á đã xảy ra năm 2020. Gần đây, làn sóng tấn công bạo lực nhằm vào người gốc Á đã khiến vấn đề lại gây chú ý.

Hồi tháng 2, một thanh niên 27 tuổi người Mỹ gốc Hàn Quốc đã bị đánh ở Los Angeles. Mùa đông năm ngoái, một sinh viên 16 tuổi ở San Fernando Valley bị bạn cùng lớp đánh tới mức phải vào phòng cấp cứu. Tháng 3 năm ngoái, một nhà hàng ở Washington bị phá hoại và bôi bẩn bằng dòng chữ phân biệt chủng tộc.

Các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á gia tăng trong bối cảnh Mỹ tiếp tục chật vật với đại dịch COVID-19. Định kiến nhằm vào người gốc Á đã có nguồn gốc từ lâu ở nước Mỹ, chứ không chỉ xuất hiện trong đại dịch COVID-19. Định kiến tồn tại từ khi những người nhập cư đầu tiên vào nước Mỹ cách đây vài thế hệ.

Theo trang history.com, đầu những năm 1850, 25.000 người nhập cư Trung Quốc đã tới Mỹ, gia nhập làn sóng người định cư Ireland và Đức cũng như người châu Âu tới đây để tìm cuộc sống mới. Cả người nhập cư châu Á và châu Âu đều tới Mỹ để cải thiện cuộc sống nhưng chỉ có người châu Á bị coi là mối đe dọa lớn. Trong số họ, phụ nữ gốc Hoa bị coi là mối đe dọa đặc biệt vì họ bị coi là gái điếm chung chạ, lây lan dịch bệnh qua đường tình dục. Trong khi đó, những phụ nữ da trắng làm nghề này không chịu sự phân biệt nào.

Theo Janelle Wong, Giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á ở Đại học Maryland, nếu không có tâm lý coi người Mỹ gốc Á “mãi là người nước ngoài” bám sâu và mạnh tại Mỹ thì đã không xảy ra tình trạng thù hằn nhằm vào họ như hiện nay. Quan niệm “mãi là người nước ngoài” đã gắn với người Mỹ gốc Á trong hàng chục năm qua tại Mỹ. Quan niệm này cho rằng người châu Á sống ở Mỹ về cơ bản là người nước ngoài và không thể hoàn toàn là người Mỹ, gắn người gốc Á với bệnh tật và những món ăn kỳ lạ.

Trong thực tế, tư tưởng bài người gốc Á đã xuất hiện trong luật khi những người gốc Á nhập cư Mỹ từ những năm 1800. Đạo luật Page năm 1875 và Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882 là hai luật nhập cư đầu tiên của Mỹ, được đưa ra để cấm người lao động Mỹ gốc Hoa vào Mỹ vì tâm lý bài ngoại và lo ngại cạnh tranh ở nơi làm việc. Trong đó, đạo luật năm 1875 được sử dụng để ngăn phụ nữ Trung Quốc nhập cư Mỹ.

Vì sao Mỹ có tư tưởng coi người gốc Á mãi là người nước ngoài? - Ảnh 1.

Tranh vẽ phụ nữ Trung Quốc ở San Francisco giữa thế kỷ 19. Ảnh: Getty Images

Những luật này và các luật khác đã khiến người nhập cư không thể vào lại nước Mỹ nếu họ về Trung Quốc. Đây là những luật sớm nhất coi người nhập cư Mỹ gốc Á là người nước ngoài không thuộc về Mỹ. Những dòng đầu tiên của Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882 là: “Theo quan điểm của chính phủ Mỹ, người lao động Trung Quốc tới nước này gây nguy hiểm cho trật tự tốt đẹp của các cộng đồng địa phương trong lãnh thổ Mỹ”.

Ngoài hạn chế nhập cư, đạo luật trên còn có điều khoản khiến người Mỹ gốc Trung Quốc không thể trở thành công dân Mỹ trong nhiều thập kỷ. Giáo sư xã hội học Grace Kao tại Đại học Yale cho biết: “Từ đầu lịch sử nước Mỹ, người Mỹ gốc Hoa đã bị coi là nhóm người mà chúng ta không muốn cho vào”.

Chính sách nhập cư không phải là nơi duy nhất thể hiện tình trạng phân biệt đối xử. Khi các dịch bệnh như đậu mùa và dịch hạch lây lan cuối những năm 1800, người Hoa ở San Francisco liên tục chịu trận. Khi San Francisco bùng phát dịch đậu mùa năm 1875-1876, giới chức thành phố đã đổ lỗi cho không khí bẩn thỉu, hôi hám và điều kiện sống không lành mạnh ở khu phố người Hoa Chinatown.

Ngay cả sau khi khử trùng toàn bộ nhà cửa trong Chinatown theo lệnh của thành phố mà dịch bệnh vẫn tiếp tục, người ta vẫn đổ lỗi cho người Hoa. Lúc bấy giờ, quan chức y tế thành phố San Francisco J.L. Meares viết: “Tôi không ngần ngại mà tuyên bố ngay rằng nguyên nhân là do 30.000 người Hoa xảo tráo, cẩu thả, không tuân thủ luật vệ sinh, che giấu ca bệnh đậu mùa”.

Tương tự, khi San Francisco xuất hiện các ca bệnh dịch hạch năm 1900, trong đó có một ca ở Chinatown, thành phố này đã nỗ lực cách ly 14.000 người Mỹ gốc Hoa sống ở khu vực đó. Có lúc, giới chức thành phố còn đề xuất đưa cư dân gốc Hoa tới trại giam để cách ly hẳn họ với những người khác. Kế hoạch này bị tòa án bác bỏ.

Trong cả hai trường hợp, cách hành xử độc ác với người Mỹ gốc Hoa đều bắt nguồn từ tư tưởng phân biệt chủng tộc, thiếu kiến thức y khoa cơ bản và động thái ngăn người lao động Trung Quốc cạnh tranh việc làm với người lao động da trắng. Các chính sách đều dựa trên giả định người dân ở Chinatown đều là nguồn bệnh tật. Người Mỹ thời đó nghĩ rằng người Trung Quốc ăn thịt chuột và sống trong các khu nhà chật chội, bẩn thỉu. Vào thế kỷ 19, San Francisco thường cấm người Trung Quốc vào bệnh viện công.

Giữa những năm 1800, phần lớn bang bờ tây nước Mỹ có luật cấm người dân kết hôn với người khác chủng tộc. Cùng với đạo luật ngăn phụ nữ Trung Quốc vào Mỹ, chính phủ Mỹ đã hạn chế số lượng gia đình Mỹ gốc Á gia tăng.

Hậu quả của các đạo luật này là người Trung Quốc không thể xây dựng gia đình và định cư ở Mỹ. Do vợ không được vào Mỹ cùng nên nhiều đàn ông tới Mỹ kiếm tiềm và sau đó quay về Trung Quốc đoàn tụ gia đình.

Không chỉ người Mỹ gốc Hoa bị gắn với sự bẩn thỉu, bệnh tật, mà cả người Mỹ gốc Mexico và gốc Phi cũng bị gắn với những thứ tiêu cực này. Trong đại dịch COVID-19, do nguồn gốc dịch bệnh bùng phát tại chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc) nên người ta lại đùa cợt, phát ngôn phân biệt chủng tộc về những loại thực phẩm mà người Mỹ gốc Á ăn.

Mặc dù Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc cuối cùng cũng bị bãi bỏ trong những năm 1940, nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn đóng vai trò trung tâm trong định hình cách nhìn của Mỹ với người Mỹ gốc Á.

Suy nghĩ người gốc Á mãi là người nước ngoài cũng đã khiến người Nhật Bản chịu trận thời Thế chiến II. Công dân Mỹ gốc Nhật đã bị đưa tới trại giam chỉ vì họ là người gốc Á khi có nghi ngờ rằng họ tiếp tay cho chính phủ Nhật Bản ở góc độ nào đó.

Sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, tư tưởng bài Hồi giáo nhằm vào người Mỹ Hồi giáo và định kiến với người Mỹ gốc Nam Á cũng bùng lên do suy nghĩ những người này không trung thành với Mỹ vì họ có tôn giáo, sắc tộc và vẻ ngoài khác biệt. Suy nghĩ này luôn thường trực trong nhiều người Mỹ và rất dễ bị khơi dậy. Với người Mỹ gốc Á, dù họ là thế hệ thứ hai, ba hay bốn thì cũng sẽ luôn là người nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại