Tuy không thể sơn lại máy bay theo nhận diện thương hiệu của mình nhưng trên khoang hành khách đều phải có bảng hướng dẫn an toàn, biểu tượng và tiếp viên của các hãng hàng không chuyên chở.
Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết vừa tiếp nhận khiếu nại của hành khách về việc "mua vé của hãng này nhưng bay bằng máy bay của hãng khác".
Cụ thể, hành khách Đ.T.H.T. mua vé của hãng hàng không Vietjet trên chuyến bay VJ240 từ TP HCM đi Thanh Hoá, làm thủ tục check-in nhận số ghế 11A.
Khi ra máy bay, bà T. thấy được dẫn lên máy bay có logo của hãng hàng không Myanmar Airways nên thắc mắc có lên đúng chuyến bay hay không. Tiếp viên Vietjet giải thích đây là máy của hãng đi thuê.
Sau đó thấy ghế ngồi 11A có dấu hiệu hư hỏng, bà T. yêu cầu kiểm tra lại thì bộ phận kỹ thuật xác nhận đủ điều kiện sử dụng. Tuy nhiên, bà T. khiếu nại và yêu cầu được đổi chuyến bay nên hãng hàng không đã chuyển sự việc cho Cảng vụ miền Nam giải quyết. Sau đó, bà T. được Vietjet hỗ trợ đổi vé đi chuyến bay khác đến Thanh Hoá.
Đem sự việc này trao đổi với các hãng hàng không, phóng viên được biết vào mùa bay cao điểm, các hãng thường thuê thêm máy bay trong thời gian ngắn hạn (thuê ướt) để có thể tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Cụ thể như sau: Vietnam Airlines thuê ướt 1 máy bay A321 của Cambodia Angkor Air (Campuchia) đến ngày 31-12-2017. Jetstar Pacific thuê ướt 1 máy bay A320 của hãng hàng không SmartLynx (Latvia) và vừa trả ngày 10-6.
Riêng VietJet đang thuê tổng cộng 7 máy bay A320của 3 hãng hàng không quốc tế Freebird Airlines (Thổ Nhỹ Kỳ), BH Air (Bungari) và Mianmar Airways (Myanmar), tất cả đều có lịch trả trong tháng 8-2017.
Do hình thức thuê ướt là ngắn hạn, phục vụ các nhu cầu đột xuất hoặc phục vụ dịp cao điểm Tết, hè hoặc cho các chuyến bay thuê chuyến nên các máy bay thuê ướt nêu trên đều mang logo và màu sơn của hãng hàng không cho thuê.
Tuy nhiên, trên khoang các máy bay đều có bảng hướng dẫn an toàn và biểu tượng của các hãng hàng không Việt Nam thuê máy bay. Trên các chuyến bay đều có tiếp viên hàng không của các hãng hàng không Việt Nam.
Việc không sơn lại logo và nhận diện thương hiệu có thể khiến hành khách cảm thấy máy bay "không quen thuộc", thậm chí có thể nghĩ rằng lên nhầm chuyến bay. Nhưng đối với hành khách thường xuyên di chuyển bằng phương tiện này thì cảm nhận đó là chuyện bình thường vì việc thuê ướt máy bay là phổ biến trên thế giới.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết tính đến năm 2016, tỷ lệ máy bay thuê của các hãng hàng không trên thế giới là khoảng 40%, trong đó khu vực Châu Âu giao động từ 10-70%, ngay cả các hãng lớn như Lufthansa hay Air France cũng đi thuê, tỉ lệ lần lượt là 10% và 40%).
Điều này cho thấy khai thác máy bay thuê là hình thức phổ biến trên thị trường vận tải hàng không quốc tế, nó điều hòa nhu cầu và đem lại những lợi ích kinh tế chung cho các bên có liên quan, phục vụ không nhỏ cho sự phát triển và mở rộng hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế.
Hiện tại, đội máy bay thuê chiếm 63,4% trong tổng số máy bay khai thác thương mại của các hãng hàng không Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong quá trình hoạt động và phát triển của các hãng hàng không Việt Nam, đội máy bay thuê đóng vai trò quan trọng và là phương tiện chủ lực trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Việc thuê máy bay được tiến hành từ năm 1993, trong bối cảnh Việt Nam đang bị cấm vận và ngành hàng không bắt đầu tiếp cận với thị trường hàng không quốc tế.
Vào năm này, Vietnam Airlines đã thuê ướt 1 máy bay B737 của TEA-Basel (Thụy Sỹ), Pacific Airlines thuê ướt 1 máy bay B727 của Garuda và tiếp đó, giai đoạn đến năm 1996, Vietnam Airlines đã thuê ướt thêm nhiều tàu bay B767 để khai thác đường dài.
Sau khi có AOC, năm 1996 các hãng hàng không Việt Nam đã chuyển sang thuê khô vì việc thuê khô giúp các hãng giảm chi phí, nâng cao năng lực khai thác, bảo dưỡng tàu bay.
Mặc dù vậy, hình thức thuê ướt vẫn được các hãng hàng không Việt Nam sử dụng cho các nhu cầu ngắn hạn, đột xuất hoặc phục vụ dịp cao điểm Tết, Hè hoặc cho các chuyến bay thuê chuyến từ các hãng hàng không trong khu vực (Philippines, Myanmar, Taiwan…) và trên thế giới (Bungari, Latvia, Mỹ, Úc, Thổ Nhỹ Kỳ, New Zealand, Séc…).
Việc thuê ướt máy bay được Cục Hàng không Việt Nam giám sát chặt chẽ trên cơ sở quy định về thuê tàu bay, an toàn, an ninh.
Thuê khô và thuê ướt
Có 2 hình thức thuê máy bay, gồm thuê khô và thuê ướt. Trong đó thuê ướt là thuê máy bay kèm theo người lái, tiếp viên dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm (AMCI). Tàu bay được khai thác theo chứng chỉ khai thác (AOC) và chứng chỉ bảo dưỡng của bên cho thuê.
Tiền thuê trả trọn gói theo giờ bay với một mức giờ bay tối thiểu hàng tháng. Hình thức thuê ướt tàu bay thông thường được các hãng hàng không sử dụng trong thời gian ngắn, trong giai đoạn đầu mới khai thác, chưa có AOC; thay thế máy bay trong đội bay do phải sửa chữa…
Còn thuê khô là hình thức thuê máy bay không kèm theo người lái, tiếp viên dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm. Máy bay được khai thác và thực hiện bảo dưỡng theo chứng chỉ khai thác và chứng chỉ bảo dưỡng của bên thuê.
Tiền thuê trả trọn gói theo tháng cùng với một số tiền thỏa thuận để lập quỹ dự trữ, bảo dưỡng. Đây là hình thức phổ biến, được các hãng hàng không sử dụng cùng với hình thức sở hữu máy bay nhằm ổn định đội bay trong khoảng thời gian trung bình từ 3-5 năm, đồng thời giúp hãng hàng không linh hoạt trong kế hoạch phát triển đội tàu bay của mình.