Vì sao móng chân tay ngả vàng, nát mủn?

H. Anh |

Không lội ruộng, không phải làm việc nhà nhưng móng chân, móng tay của nam sinh ố vàng, quanh móng mưng mủ, các móng rất dễ mủn...

Văn Hải (nam thanh niên 15 tuổi ở Giảng Võ, Hà Nội) dù không từng lội ruộng, cũng không phải giặt giũ, tiếp xúc với xà phòng cũng như nước bẩn nhưng móng chân, móng tay cậu gần đây trở nên xù xì, ngả vàng. Quanh móng chân cậu mưng mủ. Đáng ngại tình trạng này ban đầu chỉ xuất hiện ở một móng, dần dần lan ra nhiều ngón.

“Rất ngứa và đau ở vùng chân móng”, Hải than phiền. Đi khám bác sĩ cho biết cậu bị nấm móng biến chứng nhiễm trùng.

BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, nấm móng là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở móng, nấm lây nhiễm xảy ra ở một hoặc nhiều móng chân, tay. Nhiễm nấm móng có thể bắt đầu như một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng tay hoặc móng chân.

Nấm móng là một bệnh thường thấy ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước. Bệnh làm móng bị hư xấu xí, có khi mưng mủ, đau ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

Triệu chứng thường thấy của bệnh nấm móng - bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen. Móng dễ mủn và dễ gãy. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc.

Ban đầu, người bệnh chỉ bị 1 hoặc 2 móng nhưng nếu không được điều trị sau đó dần dần lan ra nhiều ngón, thời gian lan ra nhiều ngón cũng từ từ. Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida). Khi viêm vùng chân móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ, ngứa rất nhiều vùng quanh móng.

Theo BSCKI Bùi Thị Thu Thảo – Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, nguyên nhân của nấm móng tay và nấm móng chân là do vi nấm Dermatophytes Trichophyton rubrum và Trichophyton mentagrophytes.

Tuy nhiên trên cùng 1 móng có thể bị nhiễm nhiều loại vi nấm khác nhau. Nấm móng có thể chỉ đơn độc hay đồng thời kèm nấm da tay hoặc da chân, nấm xảy ra ở một hoặc nhiều móng chân, tay.

BS Thảo nhấn mạnh, nhiễm nấm móng tổn thương thường âm thầm, bệnh nhân đến khám thường là khi móng có tổn thương nhìn thấy rõ như: bản móng dày lên, màu sắc móng thay đổi (vàng, trắng, đôi khi nâu sậm), móng teo hoặc thay đổi hình dạng móng, đôi khi có các tổn thương sưng viêm hoặc có mủ quanh móng. Tùy theo loại vi nấm bị nhiễm mà có các dạng tổn thương móng đặc trưng.

Các chuyên gia nhận định, nấm móng thường xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, hóa chất như người nội trợ, thợ làm nail, thợ hồ, người bán hàng nước giải khát, công nhân làm các khâu dán keo...

Ngoài ra có thể do chấn thương hay thói quen mang giày chật cũng gây nên vi nấm tăng sinh gây bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn. Trường hợp của nam bệnh nhân Hải là ví dụ điển hình.

Bác sĩ Thảo cho biết, khi có những triệu chứng bất thường ở móng tay, chân người dân nên đến bệnh viện, cơ sở y tế da liễu để được khám, xét nghiệm và điều trị đúng bệnh. Nên điều trị sớm, tuyệt đối không để bệnh nặng mới điều trị.

“Để chẩn đoán nấm móng phải dựa vào xét nghiệm soi nấm, đôi khi phải xét nghiệm nhiều lần khi tổn thương móng nhìn thấy rõ mà xét nghiệm âm tính, khi cần có thể cấy nấm. Tùy theo loại nấm bị nhiễm mà sử dụng các thuốc kháng nấm cho loại đó.

Vì vậy, người bị bệnh không nên tự ý dùng thuốc bôi hoặc uống khi chưa xác định được nguyên nhân của bệnh, để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như: mất móng, tổn thương móng không hồi phục, nhiễm trùng quanh móng, suy gan” – bác sĩ Thảo lưu ý.

Để phòng ngừa nấm móng và ngăn bệnh tái phát, nếu có thể, người bệnh nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt. Bên cạnh đó, nên hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa như xà bông, nước rửa chén. Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết như tắm gội, không nên rửa tay chân thường xuyên khi không cần thiết, vì như thế tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển trở lại.

Luôn sử dụng kem dưỡng da – móng, vệ sinh tay chân sạch sẽ, sử dụng dụng cụ chăm sóc móng riêng và vệ sinh dụng cụ trước, sau cắt tỉa móng.

Đặc biệt, người bệnh cũng tránh áp lực, tổn thương lên vùng móng. Đi giày vừa vặn thích hợp bằng các loại da, nhựa mềm đàn hồi tốt. Không đi chân đất cũng là cách để phòng tránh nấm ở chân. Ăn nhiều rau xanh, củ quả để tăng cường vitamin, khoáng chất cần thiết tốt cho da, cho móng.

Mặc dù nấm móng là một bệnh tuy không nguy hiểm nhưng làm mất vệ sinh, thẩm mỹ và rất khó điều trị. Vì vậy các chuyên gia nhấn mạnh người bệnh cần phải điều trị sớm, kịp thời, đúng phương pháp tránh trường hợp bệnh nặng phải điều trị lâu dài và tốn kém. Bệnh nhân nên nhớ không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc uống hoặc thuốc bôi nào khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại