Vì sao máy bay phải hạ cánh khẩn cấp?

Sinh Phúc |

Có một số trường hợp khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Những trường hợp đó bao gồm khi máy bay thiếu nhiên liệu hoặc việc hạ cánh tại điểm đến được dự báo có khả năng không thành công, trục trặc kỹ thuật.

Vì sao máy bay phải hạ cánh khẩn cấp? - Ảnh 1.

Một lần "chuyển hướng chuyến bay" có thể có giá từ 50.000 USD đến hơn 600.000 USD.

Hình thức phổ biến

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc máy bay và bất ngờ có điều gì đó không ổn xảy ra. Có thể, máy bay đột ngột chao đảo, hoặc hành khách bắt đầu ngửi thấy mùi khói. Thông thường, trong những tình huống như vậy, cơ trưởng sẽ thông báo rằng, máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Phi công có những lựa chọn nào và họ phải tuân theo những quy trình nào khi hạ cánh khẩn cấp? Điều gì sẽ khiến một phi công thực hiện hạ cánh khẩn cấp?

Theo cơ trưởng Jack Netskar - Chủ tịch Hiệp hội Phi công Hàng không quốc tế, có một số trường hợp khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Những trường hợp đó bao gồm khi máy bay thiếu nhiên liệu, hoặc việc hạ cánh tại điểm đến được dự báo có khả năng không thành công, hay trục trặc kỹ thuật. Thành viên phi hành đoàn bị thương cũng là yếu tố khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp.

Cơ trưởng Netskar cho biết, mặc dù không có định nghĩa cụ thể về những dạng hạ cánh khẩn cấp, nhưng có ba hình thức. Loại đầu tiên là hạ cánh cưỡng bức. Đại úy Netskar mô tả, đây là dạng hạ cánh lập tức, ngay khi máy bay bắt đầu cất cánh hoặc rời sân bay. Lý do là vì máy bay không thể tiếp tục đi xa hơn.

Nguyên nhân điển hình là máy bay phải hạ cánh do hỏng động cơ. Bên cạnh đó, một kiểu thường gặp khác là hạ cánh đề phòng. Ông Netskar giải thích, đây là kiểu hạ cánh được dự tính trước.

Điều đó nghĩa là máy bay có thể đi xa hơn khỏi phạm vi sân bay. Tuy nhiên, một số yếu tố đã khiến việc bay phải tạm dừng. Một số điều kiện để yêu cầu hạ cánh đề phòng bao gồm: Thời tiết xấu, thiếu nhiên liệu và có dấu hiệu cho thấy động cơ gặp sự cố.

Hình thức hạ cánh thứ ba là kiểu ít phổ biến nhất. Đây là kiểu hạ cánh khẩn cấp và liên quan đến "hạ cánh cưỡng bức hoặc phòng ngừa trên mặt nước". Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của hình thức này là vụ hạ cánh cưỡng bức trên sông Hudson ở New York (Mỹ) vào năm 2009.

Khi đó, chuyến bay 1549 của US Airways đã va phải một đàn ngỗng. Máy bay phải hạ cánh trên bề mặt sông Hudson. Trong số 155 hành khách trên khoang, có 100 người bị thương, 5 người nguy kịch. May mắn là không ai thiệt mạng.

Một phần là nhờ sự suy nghĩ nhanh nhạy của cơ trưởng Sully Sullenberger và phi hành đoàn. Sự kiện này đã được chuyển thể thành phim "Cơ trưởng Sully" vào năm 2016, với sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng Tom Hanks trong vai cơ trưởng cùng tên.

Ông Netskar cho biết, để chuẩn bị và tiến hành hạ cánh khẩn cấp, phi công phải trải qua một số bước. Trong đó, bao gồm chuẩn bị cabin cho việc hạ cánh. Đồng thời, gửi yêu cầu đến dịch vụ khẩn cấp, cũng như xem xét tất cả các quy trình sơ tán và đưa ra kế hoạch hành động.

Ví dụ, phi công có thể chọn đổ bớt một phần nhiên liệu của máy bay. Nhờ đó, làm giảm trọng lượng của máy bay. Lúc cất cánh, máy bay nặng hơn nhiều so với khi hạ cánh, do trọng lượng của nhiên liệu. Tuy nhiên, trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp, máy bay có thể nặng hơn bình thường.

Vì sao máy bay phải hạ cánh khẩn cấp? - Ảnh 3.


"Chìa khóa" thành công

Theo Hiệp hội Phi công và Chủ sở hữu máy bay (AOPA), ba hình thức hạ cánh khẩn cấp trên có tỷ lệ tử vong khác nhau. AOPA là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Maryland (Mỹ), với mục đích ủng hộ an toàn hàng không. Theo AOPA, các vụ hạ cánh đề phòng có tỷ lệ tử vong là 0,06%. Trong khi đó, các vụ hạ cánh cưỡng bức và khẩn cấp ít phổ biến có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều, lần lượt là khoảng 10% và 20%.

Theo trang web HowStuffWorks, trung bình, máy bay Boeing 747 sử dụng khoảng 1 gallon nhiên liệu (~ 4 lít) mỗi giây. Điều đó đồng nghĩa là, máy bay này sử dụng khoảng 36.000 gallon (150.000 lít) cho một chuyến bay kéo dài 10 giờ.

Theo chuyên gia hàng không Mark Goertzen, 36.000 gallon nặng gần 240.000 pound (108.800 kg). Ở trọng lượng cất cánh, hầu hết máy bay sẽ không thể hạ cánh an toàn. Vì vậy, trong quá trình hạ cánh khẩn cấp, việc loại bỏ nhiên liệu đôi khi là một động thái cần thiết.

Một trong những ví dụ nổi bật là sự thành công khi hạ cánh khẩn cấp của chuyến bay 1549. Lý do là vì thùng nhiên liệu của máy bay không đầy. Nhờ đó, giúp máy bay có nhiều lực nổi trên mặt nước.

Tất nhiên, trong lúc hạ cánh khẩn cấp, tổ bay cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo hướng dẫn an toàn, vai trò chính của phi hành đoàn là thông báo rõ tình hình cho hành khách.

Đồng thời, phụ trách đưa mọi người xuống máy bay an toàn. Trong đó, bao gồm giúp hành khách biết khi nào sẽ hạ cánh, cũng như vị trí rời khỏi máy bay. Ngoài ra, phi hành đoàn có trách nhiệm giúp hành khách biết nên chuẩn bị gì cho bản thân và người thân.

Trong một số trường hợp, phi hành đoàn sẽ phải triển khai các đường trượt. Nhờ đó, đảm bảo rằng hành khách không cố gắng trở lại máy bay để thu dọn đồ đạc.

Ông Netskar cho rằng, mặc dù các phi công không bao giờ muốn rơi vào tình huống phải hạ cánh khẩn cấp, nhưng những thời điểm nhất định sẽ "tốt hơn" để làm điều đó so với những thời điểm khác.

"Bất cứ nơi nào gần một sân bay quốc tế lớn đều không phải là vấn đề. Ngược lại, bạn không muốn thực hiện điều đó ở những khu vực hẻo lánh, vùng xung đột hoặc biển", cơ trưởng Netskar nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Netskar cho biết, hạ cánh khẩn cấp rất tốn kém.

Theo hãng hàng không Emirates, một lần "chuyển hướng chuyến bay" có thể có giá từ 50.000 USD đến hơn 600.000 USD. Con số thực tế cho mỗi lần chuyển hướng sẽ phụ thuộc vào lý do cụ thể và vị trí của máy bay tại thời điểm đó, cũng như các yếu tố khác.

Một số yếu tố bao gồm: Chi phí hạ cánh và xử lý mặt đất, chi phí điều hướng hàng không, chi phí đặt lại vé máy bay cho hành khách, chi phí chăm sóc phi hành đoàn và hành khách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại