Là một trong những bộ manga nổi tiếng nhất Việt Nam, điều mà những độc giả đã gắn bó với Thám tử lừng danh Conan từ năm 1995 đến nay mong muốn chắc chắn là một cái kết. Hầu như bây giờ, cứ nhắc đến Conan, người ta sẽ hỏi nhau "truyện hết chưa?", "bắt được trùm áo đen chưa?", "Shinichi trở lại như cũ chưa?", "Ran và Shinichi yêu nhau chưa?"...
Bởi đây là những câu hỏi mà bộ truyện vẫn chưa trả lời được cho độc giả suốt 24 năm phát hành tại Nhật và 23 năm đến với độc giả Việt Nam.
Gần đây, thông tin về ông trùm áo đen đã được tác giả hé lộ chút đỉnh trước khi nghỉ vẽ và dưỡng bệnh một thời gian đã khiến cộng đồng người hâm mộ Conan phấn khích.
Nhưng rồi cũng nhanh chóng, người ta lại than thở về việc chờ đợi đến ngày "ông trùm" thật sự xuất hiện cũng như đoạn kết. Thế, tại sao Gosho Aoyama tiên sinh nhất định không chịu kết thúc bộ truyện?
Conan là truyện... không cần cái kết!
Có vẻ hơi khó hiểu nhỉ nhưng thực sự Conan không phải loại truyện mà độc giả Nhật đọc để hướng đến một cái kết hoành tráng. Muốn thông suốt phải quay về thông tin sơ bộ của bộ truyện này một chút.
Thám tử lừng danh Conan, tên gốc Meitantei Konan (nghĩa nôm na cũng là Thám tử lừng danh Conan) và tên tiếng Anh là Case Closed (tạm dịch: Khép lại vụ án). Bộ truyện ra mắt ở Nhật lần đầu năm 1994 trên tạp chí Shonen Sunday của NXB Shogakukan.
Shonen Sunday là tạp chí truyện tranh dành cho thiếu niên với độ tuổi phù hợp từ 13 trở lên, phát hành mỗi tuần một số. Những bộ truyện đăng tải trên đây đều có nội dung mà các bạn nam yêu thích như chiến đấu, trinh thám, li kì, hoặc truyện hài học đường.
Ngoài Conan, Shonen Sunday còn là nơi đã giới thiệu đến những bộ truyện đình đám khác như Inuyasha, Touch, Salad Days (Việt Nam biết đến với tên Hội mắt nai), Ngọn lửa Recca...
Tuy nhiên, ở Nhật, độc giả theo dõi truyện tranh chính trên những quyển tạp chí (như Shonen Sunday nói trên), mỗi NXB sẽ có loạt tạp chí khác nhau phù hợp với từng tiêu chí riêng, chứ không chủ yếu trên ấn phẩm từng tập (tankobon) như Việt Nam.
Mỗi tuần (hoặc mỗi nửa tháng, mỗi tháng tùy tạp chí), độc giả sẽ được đọc một chương của bộ truyện mình đang theo dõi (một quyển tạp chí có từ 5 đến 20 bộ truyện khác nhau, mỗi số một chương), khi đã đủ số chương cho một tập thì NXB mới gom lại và phát hành.
Tác giả sẽ hưởng doanh số từ phần này còn từng chương trên tạp chí sẽ được NXB trả nhuận bút. Việt Nam cũng chỉ có thể mua bản quyền quyển truyện để phát hành chứ không mua theo chương.
Vì thế, mỗi tuần độc giả sẽ được đọc một chương của Conan trên Shonen Sunday (khoảng 14 đến 20 trang). Tính từ ngày lần đầu Conan ra mắt là tháng 1 năm 1994 đến nay cũng đã tròn 24 năm.
Một việc diễn ra liên tục suốt 24 năm, mỗi tuần một lần thì chắc chắn người ta đã xem việc coi Conan phá án là một thói quen, không còn tha thiết đến một cái kết nữa.
Hơn nữa, kết cấu của Conan cũng không phải hướng đến cuộc truy lùng băng áo đen của thám tử teo nhỏ Conan mà là cách Conan phá từng vụ án. Đó mới là câu chuyện chính, còn tổ chức áo đen chỉ góp phần làm nên B-story (câu chuyện phụ) của bộ truyện.
Chẳng qua do B-story của Conan hấp dẫn quá (thật ra là ít thông tin quá nên mới hấp dẫn và tò mò như vậy), cộng với chất liệu trong từng vụ án của Conan cũng thực tế hơn các truyện tranh phá án khác như Thám tử Kindaichi, nên độc giả mới cảm thấy hào hứng như thể đang xem một bộ phim trinh thám.
Đó là lý do mà độc giả (nhất là độc giả Việt Nam) chỉ muốn xem cái kết nhưng thực chất chỉ là kết của phần B-Story mà thôi, còn kết của Conan thì lúc nào mà chẳng kết được, vụ án thì có bao giờ vơi đâu.
Nếu không có câu chuyện Kudo Shinichi bị Gin cho uống APTX 4869 rồi biến thành Edogawa Conan thì Conan cũng chỉ là một tuyển tập các vụ án mà cậu thám tử nhí phá được, như kiểu Doraemon hay Asari mà thôi.
Bằng chứng cho việc Conan phá án mãi không cần hết chính là thời gian, trải qua 90 tập truyện (gần cả 1000 chương) mà thời gian chỉ khoảng một năm, mặc cho công nghệ đã tiến hóa từ điện thoại nắp gập lên cảm ứng hiện đại hay những món bảo bối "ảo diệu" mà tiến sĩ Agasa chế ra, Conan không hoàn toàn thực như chúng ta hay nghĩ.
Conan không bị ép buộc phải kết thúc!
Cách mà Gosho Aoyama tiên sinh tạo sự hấp dẫn cho từng vụ án là tính theo từng chương truyện. Ví dụ, một vụ án cơ bản nhất sẽ có kết cấu 3 chương: mở đầu - tìm manh mối - phá án. Mỗi tuần được đọc một phần của vụ án nên chương nào cũng sẽ có sự hấp dẫn nhất định. Còn ở Việt Nam, đọc một lần một quyển 10 chương nên chắc chắn nếu những vụ chán chán kế nhau sẽ tạo cảm giác chán hơn.
Tất nhiên sẽ có những vụ án dài đến 10 chương, đó là những vụ hóc búa và li kì hơn (ví dự như vụ "Dòng họ nhà Yamamoto" trong tập 3 là mở đầu cho một vụ dài hơi đầu tiên của Conan, thời lượng gần cả tập truyện) để tác giả tạo sự hấp dẫn cho tác phẩm, quan trọng là giữ mức đánh giá của độc giả trên từng số tạp chí.
Có thể bạn chưa biết, mỗi bộ truyện đăng tải trên tạp chí đều được quy ra độ hấp dẫn theo sự đánh giá (rating) của độc giả. Một bộ truyện liên tục xếp trong 5 thứ hạng cuối trên tạp chí suốt nhiều tuần sẽ bị buộc phải kết thúc.
Đó là lý do mà những bộ như Luật của Ueki (Ueki no Housoku) hay Beelzebub, Psyren, Hậu duệ nhà Nurarihyon (Nurarihyon no Mago) có đoạn kết cực kì hụt hẫng.
Tất nhiên, có những bộ truyện đã sở hữu danh tiếng lẫn lượng bản in khủng nhất định (Conan nằm trong số đó) thì sẽ thoát khỏi "quỷ môn quan" khốc liệt này. Vì vậy mà đôi khi bạn đọc phải vài vụ án liên tục đều chán ốm chính là do những lúc tác giả bí ý tưởng, cứ vẽ cho đúng tiến độ mà không cần phải quan tâm lắm đến chất lượng rating.
Nhưng nếu cứ chán liên tùng tục, dẫn tới doanh số tạp chí giảm, bản in từng tập giảm quá nhiều thì tương lai nào xảy ra cũng chưa biết được.
Tuy nhiên, điều đó có lẽ không xảy ra ở Conan khi mà bộ truyện thường xuyên đứng trong top các manga bán chạy nhất năm tại Nhật (hơn 200 triệu bản tính đến hiện tại). Vì vậy mà còn lâu Conan mới bị rơi vào vòng nguy hiểm và phải kết thúc hú họa nhé!
Gosho Aoyama chưa thể kết thúc Conan vào lúc này!
Quan trọng hơn, manga ở Nhật không đơn thuần là sản phẩm thành công trên giấy in. Ngành manga ở Nhật đã biến thành một ngành công nghiệp với guồng quay sản xuất khổng lồ, có tương quan với rất nhiều ngành dịch vụ khác, ví dụ như anime và sản xuất đồ chơi.
Với những bộ truyện nổi tiếng như Conan, được dựng thành phim hoạt hình là điều chắc chắn. Không chỉ series dài tập, Conan còn "đẻ sòn sòn" mỗi năm một tập phim điện ảnh chiếu rạp (vụ án có thể không xuất hiện trong truyện gốc, chỉ cần tác giả nguyên tác thông qua là ok).
Chưa kể loạt sản phẩm đồ chơi, game, tranh ảnh, bản quyền nhân vật cho các nhãn hiệu khác cũng là thứ khiến rất nhiều người cùng hái ra tiền chứ không chỉ tác giả bộ truyện.
Và khi bạn (cùng đứa con tinh thần của bạn) đã đứng ở trung tâm của chuỗi sản xuất dây chuyền ấy, trách nhiệm của bạn không chỉ là duy trì độ nóng cho "đứa con" mà còn phải làm nó sống lâu nhất có thể.
Ở Việt Nam, theo tiết lộ từ NXB Kim Đồng, hiện Conan đã trở thành bộ truyện có doanh số bán khủng nhất nước (vượt qua cả Doraemon trước kia) với lượng bản in lần đầu cho mỗi tập là 150.000 bản và lượng tái bản mỗi năm xấp xỉ 15.000.
Tất nhiên doanh số này cũng được tính vào doanh số toàn cầu của bộ truyện, và nó càng cao thì càng khó hết. Ai lại nỡ cắt đi dòng tiền của mình chứ, đúng không?
Lại phải nhắc lại câu nói của nhân vật Eiji trong manga Bakuman, anh nói: "Tôi sẽ kết thúc bộ truyện khi tôi muốn và không một Biên tập viên hay NXB nào có thể ép tôi kéo dài nó khi đã đến lúc nó phải hết". Nếu bạn hiểu hết những vấn đề liên quan đến ngành xuất bản manga tại Nhật nói bên trên thì bạn đã hiểu ý của Eiji muốn nói rồi đấy.
Không phủ nhận độ dài hiện tại của Conan đã vào hàng khủng, các vụ án ngày càng chán hơn do bị nhạt, tình tiết không giật gân, đôi khi lại còn trùng lặp thủ thuật, kể cả có B-story thì tác giả cũng nên sáng tạo hơn.
Nhưng lại quay về thể loại chính của Conan, nó vẫn là một bộ truyện để người đọc thư giãn bằng những vụ án, mỗi tuần một chương, cứ vậy thì đọc cả đời cũng không có gì lạ. Hơn nữa nó lại còn có câu chuyện phụ quá hấp dẫn kia nên chắc chắn là còn lâu mới hết được!
Sao nào, bạn đã biết tại sao Conan cứ nhất định không chịu hết chưa?