Vì sao Lý Thường Kiệt nói: "Con chỉ xin thầy một nhánh lúa này thôi..."?

S.T |

Để có được một Lý Thường Kiệt tài năng xuất chúng, tạo nên tầm ảnh hưởng lớn với sơn hà xã tắc, có sự đóng góp không nhỏ của những người tham gia dạy dỗ, kèm cặp ông.

Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-1105) là một người kiệt hiệt, đóng góp công sức lớn vào sự thịnh trị của nhà Hậu Lý cũng như thắng lợi trong kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai. 

Thế nên, không ngạc nhiên khi lúc còn làm quan, ông được phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công... 

Nhưng, để có được một Lý Thường Kiệt tài năng xuất chúng, tạo nên tầm ảnh hưởng lớn với sơn hà xã tắc, có sự đóng góp không nhỏ của những người tham gia dạy dỗ, kèm cặp ông từ khi chưa tham dự chính trường.

Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, vì có công lớn với nhà Lý được ban quốc tính mà theo họ Lý. Ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của Sứ quân Ngô Xương Xí và là cháu năm đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập – hoàng tử trưởng của Ngô Quyền. 

Ngô Tuấn vốn là người thuộc phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Xuất thân danh gia vọng tộc, nên gia đình Ngô Tuấn nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng. Để chuẩn bị cho con mình có được những phẩm chất tốt nhất bước vào chốn quan trường sau này, việc đầu tiên của gia đình Ngô Tuấn chính là việc tìm thầy dạy cho con. 

Cũng qua việc ấy, phần nào cho thấy được thiên tư định sẵn của Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt.

Vốn thuở ấy ở trong nước, có thầy Lý Công Ẩn là một danh nho được nhiều người biết đến, học trò theo học thầy rất đông. Biết tiếng, gia đình Ngô Tuấn cho con "thỉnh sư" theo học thầy. Nhưng việc ấy chẳng dễ chút nào. 

Tương truyền, khi gia đình Ngô Tuấn đội mâm quả lễ đến ra mắt xin thầy cho nhập môn, Lý Công Ẩn khi vừa mới gặp mặt cậu học trò tuổi nhỏ có khuôn mặt đẹp, da trắng thì sững sờ, nhìn cậu bé khôi ngô đĩnh ngộ khác thường ấy một hồi lâu, trong lòng xáo trộn lắm. Suy nghĩ một hồi lâu, thầy Lý xua tay nhất định không nhận học trò họ Ngô.

Mọi người lấy làm lạ, biết rằng thầy không cho nhập môn nhất định có lý do nào đó, mới nghi hoặc phải chăng thầy tiên tri thấy tương lai đứa bé xấu quá nên một mực chối từ, mới bày tỏ nỗi lo lắng. Lý Công Ẩn nghe xong thì xua tay, lắc đầu rồi bảo:

Cứ như mắt nhìn của ta, đây là bậc hiền tài bậc nhất, đất nước nghìn năm may mới có vài ba... Ta sợ không đủ sức để gánh cái phúc lộc lớn này!

Nghe được lời tiên liệu của thầy, nhà Ngô Tuấn cả mừng, lại ra sức nài thầy cho Ngô Tuấn được bái sư theo học. Nhưng lần nào nài là lần ấy thầy Lý lại lắc đầu mà chối. Khổ nỗi, gia đình Ngô Tuấn năn nỉ mãi khiến Lý Công Ẩn cũng dần nể tình mà xiêu lòng. 

Lúc ấy, Ngô Tuấn liền đến rút một bông thóc trên đống lúa vừa gặt về để ở sân nhà thầy, rồi vui vẻ thưa: "Thưa thầy, con chỉ xin thầy một nhánh lúa này..."

Nãy giờ nói chuyện với người nhà Ngô Tuấn mãi mà chưa tiếp xúc với cậu bé có thiên tư đĩnh ngộ, được thấy hành động kỳ lạ của Ngô Tuấn mang ẩn ý của một bậc tài năng, thầy Lý bấy giờ rạng rỡ khuôn mặt, gật gù mà rằng:

Ờ... ờ... Nhà ta tiếng rằng mở trường dạy học, nhưng sự sinh sống vẫn trông vào việc nông trang là chính đấy. Được rồi, một nhánh lúa làm giống, ta đâu dám tiếc. Còn việc sinh sôi nảy nở ra cả một mùa vàng là phần của trò, ta chỉ có mấy hạt thóc ban đầu này thôi...

Nghe lời thầy phán, Ngô Tuấn cất tiếng lễ phép: "Dạ. Con xin nghe lời thầy dạy ạ".

Thấy người thầy nghiêm nghị bỗng vui vẻ, gia đình Ngô Tuấn vội bảo cậu làm lễ nhận thầy. Cảm tài năng đầy tiềm ẩn của cậu học trò khôi ngô tuấn tú, thầy Công Ẩn nhận lời.

Dù hẹn rằng chỉ có mấy hạt thóc ban đầu thôi, nhưng Lý Công Ẩn đã phải dành bao tâm sức cho việc chăm nom dạy dỗ Ngô Tuấn. Vốn với kiến thức sâu rộng, uyên thâm của mình, Lý Công Ẩn đem hết tâm sức và tài năng truyền lại cho cậu học trò họ Ngô. 

Không chỉ dạy Ngô Tuấn văn chương chữ nghĩa, thầy Lý còn dạy học trò cả binh thư, trận pháp để tiếp nối truyền thống dòng họ làm tướng từ xưa của gia đình.

Được thầy Lý Công Ẩn tận tình dạy dỗ, chú bé Ngô Tuấn ngày nào lớn lên được sung làm Hoàng môn chi hậu, là thái giám theo hầu vua Lý Thái Tông. 

Vì sao Lý Thường Kiệt nói: Con chỉ xin thầy một nhánh lúa này thôi...? - Ảnh 1.

Tranh mô phỏng cuộc Bắc phạt của Lý Thường Kiệt. Ảnh: Internet

Sau này, với tài năng được thầy truyền dạy, ông trở nên đắc dụng, trở thành võ tướng tài năng, cầm quân đánh giặc Tống, là khai quốc công thần, được vua trọng dụng, tin yêu mà ban cho quốc tính, gọi là Lý Thường Kiệt.

Có một lần nhà vua hỏi Lý Thường Kiệt về tài năng xuất chúng của ông. Lý Thường Kiệt đã tâu với vua về công ơn đức độ của Lý Công Ẩn, người thầy của mình. Nhà vua nghe xong, phán bảo:

Lý Công Ẩn có công đào tạo nhân tài cho đất nước, trẫm sẽ trọng thưởng.

Sau này, dân ở vùng Thái Hòa quê Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt còn truyền lại đôi câu đối về hai thầy trò tài năng, rằng:

Ẩn nhưng vua biết mặt
Kiệt khiến giặc gờm tên.

Còn trong sử sách, tên tuổi người thầy của Lý Thường Kiệt lại không thấy có ghi chép, giống chăng với cái tên của chính ông.

Tương truyền, thầy Lý Công Ẩn chính là người thuộc dòng dõi tôn thất nhà Lý. Nơi thầy Ẩn dạy học thuộc phường Bái Ân, tức vùng Kẻ Bưởi. Dù sử sách không có dòng nào dành cho ông, nhưng tra trong Tây hồ chí, chúng tôi thấy có chi tiết liên quan đến ông cùng với người học trò Ngô Tuấn. 

Trong mục Cổ tích tập của tác phẩm khuyết danh này, có phần "Lý Công Ẩn giảng đường", tức là nơi dạy học của Lý Công Ẩn: "Nhà giảng sách ở mé Tây Bắc hồ (tức hồ Tây ngày nay – Người dẫn), nay thuộc phường Bái Ân. Công Ẩn tiên sinh là bậc tông thất hiền lương triều Lý, đọc sách không chịu làm quan. Thường dạy học tại đó. Nền cũ nay còn".

Cũng ở mục này, khi viết về Ngô Tuấn (được phong là Việt Quốc công), có phần "Việt Quốc công du học lộ", tức Con đường Việt Quốc công đi học

"Thuở nhỏ, Ngô công thờ Lý Công Ẩn tiên sinh làm thầy. Mỗi ngày cắp sách đi học ắt men theo bờ sông Tô Lịch đến Bái Ân. Ông Phạm Đan Phong ghi rằng: "Con đường Lý Thường Kiệt đi học" nay là con đường nhỏ từ An Ninh đến An Thái (chúng tôi chưa tra ra được – Người dẫn)".

* Nguồn sưu tầm: Trần Đình Ba, Kể chuyện lịch sử Việt Nam: Những điều lạ thời Lý, trang 157-161, NXB Văn hóa – Thông tin.

* Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại