Nghỉ việc được sếp tặng 40 triệu đồng, nữ thư ký đi làm nông dân và bài học đắt giá khi khởi nghiệp

Tuân Nguyễn |

Trải qua nhiều biến cố, bằng nội lực của mình, Ngọc Trâm đã sở hữu một trang trại tại Đà Lạt, một cửa hàng có thương hiệu tại TP.HCM và còn là người tiên phong mở ra một xu hướng mới: chế biến và xuất khẩu mì cải kale.

Năm 2015, Hồ Ngọc Trâm, nữ thư ký giám đốc của doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm ở TP.HCM quyết định nghỉ việc. Chỉ với số vốn 40 triệu đồng được sếp tặng khi nghỉ việc, cộng thêm 20 triệu đồng có được từ gia đình, cô gái 8X một mình tìm đến Đà Lạt, thuê đất lập trang trại trồng rau mang tên “Da Lat Eco Farm”.

Với số vốn ít ỏi, ban đầu Ngọc Trâm chỉ dám thuê 1.000m2 đất trồng cà chua, dưa leo. Chi phí thuê đất chỉ 3 triệu đồng/tháng, cộng với chi phí nhân công 4 triệu đồng/người/tháng nên cũng không tạo cho Ngọc Trâm nhiều áp lực về tài chính ban đầu. Song song với đó, Ngọc Trâm còn liên kết với nông dân Đà Lạt để họ trồng rau, củ, quả sạch.

Nghỉ việc được sếp tặng 40 triệu đồng, nữ thư ký đi làm nông dân và bài học đắt giá khi khởi nghiệp - Ảnh 1.

Hồ Ngọc Trâm quyết định khởi nghiệp ở một nơi xa lạ chỉ với số vốn 60 triệu đồng.

Dù lớn lên tại TP.HCM nhưng Ngọc Trâm lại luôn mơ ước tạo dựng cuộc sống tại Đà Lạt. Đó là lý do cô quyết định bắt đầu khởi nghiệp tại đây. May mắn mỉm cười với cô trong suốt 3 năm đầu khởi nghiệp, Da Lat Eco Farm trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn Global Gap rồi sản phẩm được tiêu thụ tại TP.HCM đã giúp Trâm "giắt lưng" được số vốn kha khá vào thời điểm đó.Khởi nghiệp vì bén duyên với Đà Lạt

Đồng thời Trâm mở thêm trang trại dưa lưới tại Bình Phước, sản phẩm chủ yếu bán tại thị trường Hà Nội và chị cũng khá thành công với dự án này trong hai năm 2016-2017.

Năm đầu tiên khởi nghiệp với Da Lat Eco Farm, mỗi tháng đều đặn mang lại cho Trâm khoản thu nhập 50 triệu đồng. Đến năm thứ hai nhờ cơ duyên làm dưa lưới Bình Phước, cộng thêm với số vốn nhỏ được 1 người bạn đầu tư vào mô hình này nên thu nhập bình quân mỗi tháng của chị lên tới 200 triệu đồng.

Nghỉ việc được sếp tặng 40 triệu đồng, nữ thư ký đi làm nông dân và bài học đắt giá khi khởi nghiệp - Ảnh 2.

Từ nữ nhân viên văn phòng, Ngọc Trâm đã quyết tâm khởi nghiệp từ nông dân.


Trong số những đầu mối nhập hàng tại TP.HCM, Ngọc Trâm may mắn được Chợ Phố, một cửa hàng nổi tiếng chuyên bán trái cây nhập khẩu, ưu ái cho một vị trí giới thiệu sản phẩm. Cơ duyên này dẫn đến năm 2018 chị nhận chuyển nhượng lại Chợ Phố từ người chủ cũ. Lúc đó chị mới chính thức có cửa hàng bán lẻ cho riêng mình, từ đó Da Lat Eco Farm hoạt động theo “trend” từ trang trại đến bàn ăn.

Thành công có được một cách khá thuận lợi trong 3 năm đầu khởi nghiệp khiến Ngọc Trâm như "ngủ quên" trên chiến thắng. Ngay sau khi nhận chuyển nhượng Chợ Phố, chị quyết định đầu tư tất tay 3 tỷ đồng mở rộng quy mô. Chợ Phố “lột xác”, trở thành cửa hàng nhập khẩu trái cây trực tiếp từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc với quy mô lớn nhất, nhì Sài thành cùng đầy đủ nhân sự các ban bệ. Đó là bước chuyển lớn trong việc khởi nghiệp của Ngọc Trâm, nhưng cũng là bài học đắt giá sau này cô phải đón nhận.

Mỗi tháng phải gánh 100 triệu đồng chi phí mặt bằng, cộng thêm chi phí nhân công, chi phí hoạt động các loại, nên dù doanh thu mỗi tháng được 3 tỷ đồng nhưng Chợ Phố vẫn lỗ 100 triệu đồng/tháng.

“Mấy tháng đầu thấy thua lỗ nhưng Trâm chưa biết sợ đâu, lúc đó vẫn đang ngủ quên trên chiến thắng mà. Đến khi nhìn lại thì giật mình cửa hàng đã lỗ tới 1,2 tỷ đồng sau 1 năm, cứ mỗi tháng lỗ 100 triệu đồng. Tới lúc đó Trâm mới nhận ra rằng đầu tư ngành trái cây nhập khẩu cần đến số vốn vài chục tỷ chứ không phải chỉ vài tỷ mình đang có. Mà cũng không thể cứ vội quăng ra một đống tiền và nghĩ rằng mình sẽ làm được”, Hồ Ngọc Trâm chia sẻ.

Khi đã biết “sợ”, giữa năm 2019 Ngọc Trâm đi đến quyết định thu hẹp quy mô Chợ Phố. Tiếp đó, đầu năm 2020 khi Covid-19 ập đến, cô quyết tâm tái cơ cấu Chợ Phố theo hướng tinh gọn hơn nữa.

Thời điểm đó, không đàm phán được giá thuê mặt bằng, Ngọc Trâm quyết định chuyển địa điểm cửa hàng. Từ đó Chợ Phố hoạt động theo mô hình một cửa hàng tiện lợi, vẫn bán trái cây nhập khẩu nhưng không trực tiếp nhập khẩu mà lấy từ đầu mối khác, cộng với việc bán rau, củ, quả Đà Lạt do chính trang trại từ Đà Lạt cung cấp. Cũng nhờ quyết định thu hẹp quy mô nên Chợ Phố mới sống sót và vượt qua bão Covid-19.

“Hồi đầu mình chạy theo hình thức bên ngoài, nhìn vô thì công ty hoành tráng lắm, nhân sự thì đông đúc, doanh thu tăng, nhưng chi phí quá lớn thành ra bị lỗ. Nên bài học rút ra khi khởi nghiệp là đừng vội bung ra làm lớn, nếu quyết định làm lớn thì phải chuẩn bị thật kỹ về nhân sự, tài chính,…”, Ngọc Trâm nói.

Nghỉ việc được sếp tặng 40 triệu đồng, nữ thư ký đi làm nông dân và bài học đắt giá khi khởi nghiệp - Ảnh 3.

Nhờ mạnh dạn tái cơ cấu Chợ Phố nên Ngọc Trâm vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.


Bên cạnh việc mạnh dạn tái cơ cấu, nên việc chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trong suốt 2 năm dịch bệnh đã giúp Chợ Phố ăn ra làm nên. Chỉ trong 2 năm kể từ năm 2020, Chợ Phố đã giúp Trâm lấy lại tất cả những gì đã mất trước đó bằng việc kết hợp bán sỉ và lẻ.

Chợ Phố “chết đi sống lại” khiến Ngọc Trâm nhận ra rằng kinh doanh mà chú trọng hình thức quá thì “mình chết chứ không ai chết hết”.

“Tôi chợt nhận ra mô hình lớn hay nhỏ không khác nhau quá nhiều đối với sản phẩm. Điều quan trọng là mô hình quản trị và định hướng của người làm kinh doanh. Khi mình giảm quy mô nhưng lại tăng chất lượng dịch vụ thì khách hàng vẫn yêu thích”, Ngọc Trâm cho hay.

Bài học về trái cây nhập khẩu cũng là bài học lớn cho ai muốn khởi nghiệp, phải là người có tiềm lực tài chính rất mạnh mới có thể theo được. Giờ đây nhìn lại, Ngọc Trâm cho rằng hai chữ “tồn tại” trong khởi nghiệp mới quý nhường nào. Theo Ngọc Trâm, làm ngành này không thể đòi phát triển như vũ bão, bởi đây không phải là ngành kinh doanh hái ra tiền một lúc.

“Kinh doanh nông nghiệp phải bắt đầu từ cái tâm, rồi từ từ tiền sẽ về. Nếu muốn giàu lên nhanh chóng từ nghề này thì sẽ phải trả giá đắt”, Ngọc Trâm chia sẻ.

Cú tai nạn trong đêm thay đổi cách kinh doanh

Trở lại với thời điểm năm 2018 khi mới tiếp quản Chợ Phố, đó cũng là thời điểm Ngọc Trâm lao vào công việc mà bỏ qua tất cả mọi lời khuyên nhủ. Cô thậm chí còn bỏ ngoài tai lời dặn của mẹ về việc phải chăm lo cho bản thân. Những chuyến đi về trong ngày giữa TP.HCM và Đà Lạt ngày một dày đặc.

Một tai nạn xe hơi xảy đến với Ngọc Trâm vào giữa đêm tháng 4/2018 khi Ngọc Trâm và tài xế riêng đang trên đường lên Đà Lạt. May mắn được cứu sống và ra viện sau một tháng điều trị, nhưng cú sốc tâm lý đã khiến Ngọc Trâm bị ám ảnh và rơi vào trạng thái trầm cảm, tự giam mình trong phòng kín suốt một tháng trời. Cùng thời điểm đó, sức ép tài chính để duy trì hoạt động Chợ Phố ngày một đè nặng.

“Tất cả mọi thứ bỗng chốc trở về con số không”, Ngọc Trâm nhớ lại. “Nhưng rồi sau cú sốc đó tôi nhận ra bài học để khắc chế tính ương bướng của mình. Hóa ra trước đó mình không hề yêu bản thân, không hề chăm sóc bản thân mà cứ lao vào công việc một ngày mười mấy tiếng, mình đã quá háo thắng”, Ngọc Trâm nói.

Nghỉ việc được sếp tặng 40 triệu đồng, nữ thư ký đi làm nông dân và bài học đắt giá khi khởi nghiệp - Ảnh 4.

Ngọc Trâm nhận ra cần phải đi thật chậm và yêu bản thân hơn.


Và cũng phải mất một năm rưỡi để Ngọc Trâm làm lại từ con số không. Thế nên với Ngọc Trâm, năm 2019 mới thực sự là khởi nghiệp khi đã thấu hiểu mọi lẽ, từ khi biết quý trọng bản thân, trân quý cuộc sống hơn. Cũng từ đó đến nay việc kinh doanh của Trâm diễn ra thuận lợi, sau khi trải qua biến cố, cô trở nên chín chắn hơn, bình thản đón nhận mọi việc với cái nhìn thấu đáo.

“Khi mình dành cho cuộc sống của mình nhiều điều tốt đẹp, bản thân không còn tham, sân, si nữa thì mọi thứ cứ diễn ra một cách thuận lợi hơn. Cho đến nay tôi sống rất an nhiên và không còn bị xoáy vào vòng xoáy kiếm tiền như ngày xưa”, Ngọc Trâm chia sẻ.

Nhìn lại quá trình 7 năm kể từ ngày quyết định bước ra khỏi vòng an toàn, chị thấy lựa chọn khởi nghiệp là hoàn toàn đúng, nhưng cũng cần rút ra bài học. Đó là quá trình khởi nghiệp mình cần phải bước từng bước chậm rãi, trước khi làm gì phải suy nghĩ thật kỹ.

“Hướng của tôi bây giờ bình lặng hơn, cũng không chú trọng vào hình thức như trước nữa. Ngày xưa mình thích là làm mà không cần có kế hoạch. Còn bây giờ làm bất cứ điều gì mình phải lên một kế hoạch chi tiết, đầu tư ra sao, bao lâu thu hồi vốn, những rủi ro có thể xảy đến,…”, Ngọc Trâm chia sẻ thêm.

Nghỉ việc được sếp tặng 40 triệu đồng, nữ thư ký đi làm nông dân và bài học đắt giá khi khởi nghiệp - Ảnh 5.

Những sản phẩm mới của Da Lat Eco Farm đang được khách hàng đón nhận.


Kể từ năm 2021, Ngọc Trâm mở thêm ngành hàng mì rau củ và đem lại doanh thu khá ổn định cho Da Lat Eco Farm. Mì rau củ làm từ bột củ cải kale (cải xoăn), củ dền, bí đỏ, chùm ngây,… và được thị trường trong và ngoài nước tiếp nhận khá tích cực, trong đó sản phẩm chủ lực là mì cải kale.

Ngọc Trâm chia sẻ, phụ nữ khởi nghiệp khó khăn hơn rất nhiều so với nam giới, nhưng nếu có những cộng sự thì vẫn tốt hơn là đi một mình. Tuy nhiên cũng phải lựa chọn kỹ người cùng chí hướng để khởi nghiệp. Đặc biệt, phụ nữ khởi nghiệp hãy luôn chú trọng cân bằng cuộc sống, cân bằng giữa công việc với gia đình, bạn bè.

Ngọc Trâm hé lộ kế hoạch thời gian tới sẽ mở thêm mảng du lịch trải nghiệm với các tour du lịch đến với các Farm tại Đà Lạt. Với cô gái có nhiều duyên nợ với Đà Lạt này, ngay cả khi mở rộng sang làm du lịch cũng phải gắn với nông nghiệp, bởi điều đó giúp ích cho những người nông dân, cho khách hàng, cho nhân viên, cho đối tác,…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại