Hợp đồng BOT, ai đang làm sai?
Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã 2 lần lên tiếng sẽ trả lại Nhà nước công tác quản lý, vận hành hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 nếu Bộ GTVT thực hiện không đúng cam kết.
Mới đây, liên danh các nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã gửi văn bản đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.
“Trả dự án” đã có trong điều khoản hợp đồng?
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông của tổ chức JICA (Nhật Bản) đánh giá, đầu tư theo hình thức BOT rất đúng, nhưng quá trình thực hiện chưa đúng, dẫn tới sai về bản chất.
Theo đó, hợp đồng BOT không chỉ có nhà đầu tư và nhà nước (Bộ GTVT làm đại diện), phải có người dân (là người sử dụng đường) tham gia.
Một đoạn QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới.
“Người trực tiếp sử dụng đường lại không được hỏi ý kiến. Toàn bộ hợp đồng do nhà đầu tư và Bộ GTVT đàm phán và ký kết với nhau. Một bên quan trọng (người dân) đã bị bỏ qua, nên giờ nảy sinh bất cập”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, nếu Bộ GTVT thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư sẽ bị người dân phản đối (như BOT Cai Lậy, BOT Tân Đệ), còn không thực hiện lại bị nhà đầu tư phản đối.
“Muốn giải quyết chỉ có cách thừa nhận sai. Bộ GTVT thừa nhận những cam kết chưa đúng của mình, còn nhà đầu tư thừa nhận rủi ro của dự án như bao dự án đầu tư khác, phương án tài chính bị phá vỡ. Còn nếu không, chỉ có ra tòa phân xử và theo đó thực hiện”, ông Đức bày tỏ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, quan trọng nhất phải xem lại hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và doanh nghiệp trước khi thực hiện dự án.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, mọi việc đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, hai bên cần căn cứ trên hợp đồng đã ký kết để sớm giải quyết hợp lý vấn đề.
Trước làn sóng nhà đầu tư “ồ ạt” gửi tâm thư xin trả lại dự án, theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ này đang xem xét lại các điều khoản của các hợp đồng đã ký với doanh nghiệp để có phương án xử lý./.