Vì sao lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật?

Yến Anh |

Ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam - đã vi phạm chính sách, pháp luật khi chỉ đạo nhà xuất bản tổ chức sản xuất - kinh doanh sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.

Theo quyết định, ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật, như có khuyết điểm, vi phạm chính sách, pháp luật của nhà nước trong chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất - kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới. Ông Nguyễn Đức Thái cũng được kết luận đã mắc khuyết điểm và sai phạm khác như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của nhà nước.

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam nói chung cũng như quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng và có một số vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.

Năm 2021, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành 164,6 triệu bản sách giáo khoa, đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu của NXB đạt hơn 1.828 tỉ đồng, chủ yếu từ phân phối sách giáo khoa. Lợi nhuận sau thuế của NXB là 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch được Bộ GD-ĐT giao.

Báo cáo nêu rõ "NXB có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 39,9% và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản là 17,9%, cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2021 hiệu quả". Ngoài ra, 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB Giáo dục Việt Nam nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỉ đồng. Trong khi đó, khi chưa thực hiện thay sách giáo khoa mới, năm nào NXB Giáo dục Việt Nam cũng báo cáo lỗ khoảng hơn 40 tỉ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá sách giáo khoa mới tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần. Năm nay, giá sách giáo khoa cho các lớp 3, 7 và 10 cũng cao hơn 2 - 3 lần so với các bộ sách cũ.

Cùng với việc tăng giá sách giáo khoa, "Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021" của NXB Giáo dục Việt Nam đã hé lộ mức thu nhập của lãnh đạo đơn vị này. Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái nhận mức lương 544,3 triệu đồng/năm, cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Thái lên tới hơn 660 triệu đồng. Ông Hoàng Lê Bách, tổng giám đốc, nhận thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm; các phó tổng giám đốc là ông Lê Hoàng Hải, Phùng Ngọc Hồng, Nguyễn Chí Bình nhận thu nhập gần 550 triệu đồng/năm.

Sách giáo khoa hiện không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các NXB tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai. Để ngăn chặn tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đã nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên không được lạm dụng vị trí công tác của mình để ép buộc, gợi ý phụ huynh mua sách không thuộc danh mục sách giáo khoa.

Theo nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua vào chiều 16-6, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại