Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng đã tìm thấy nơi an táng 2 người này. Nhưng nhà chức trách Trung Quốc không có động thái nào dẫn đến những cuộc khai quật. Tại sao lại có sự lạ này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết này .
Bộ tam kiêu hùng
Sau khi giới khảo cổ học tìm thấy hài hốt của danh tướng Tào Tháo, thì ngay tức khắc dư luận Trung Quốc chuyển hướng sang bí ẩn ngàn năm về nơi an táng 2 đối thủ chính trị của họ Tào: Lưu Bị và Tôn Quyền.
Bộ ba danh tướng Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền cùng khắc họa sức ảnh hưởng của họ ở Trung Quốc từ cách đây hơn 1.800 năm và các họ Tào, họ Lưu, họ Tôn vẫn đang chiếm số lớn trong các tên chủ hộ gia đình ở Trung Quốc đại lục cũng như ở các xứ hải ngoại nhờ vào vai trò nổi bật mà bộ ba đã thể hiện trong cuốn tiểu thuyết cổ điển bất hủ “Tam quốc diễn nghĩa” ra đời vào thế kỷ 14 cũng như nhiều kiệt tác nghệ thuật khác.
Núi Mai Hoa ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, được cho là nơi an táng di hài Tôn Quyền Nhưng đích xác lăng mộ nằm ở đâu trên ngọn núi này thì vẫn còn là điều bí ẩn.
Khi đại đế quốc Hán tan rã, bộ 3 Tào-Lưu-Tôn đã lao vào cuộc đánh nhau bất phân thắng bại và cuối cùng hình thành nên 3 miền đất riêng biệt.
Cuối tháng 3-2018, các chuyên gia từ Viện Khảo cổ học và di sản văn hóa tỉnh Hà Nam đã kết luận rằng bộ hài cốt là của người chết vào năm 60 tuổi, đã được tìm thấy trong một cổ mộ thuộc tỉnh Hà Nam, đích thị là Tào Tháo, một nhân vật trung tâm kiêu hùng sống vào thời Tam Quốc (220-280).
Điều đáng nói, vị trí có ngôi cổ mộ của họ Tào đã bị che giấu tinh vi trong nhiều thế kỷ, nó chỉ bị lộ sáng vào năm 2009 khi một khối bia đá được tìm thấy trong một ngôi mộ ở làng Hứa Gia Câu, huyện An Dương, địa cấp thị An Dương (tỉnh Hà Nam), trên khối bia đá có khắc nơi an giấc ngàn thu của Ngụy Vũ Đế - tên hiệu của Tào Tháo.
Qua các đợt khai quật tại cổ mộ đã cho thấy rằng, dưới sự cấm xây mộ hoành tráng của Tào Tháo, người con trai của Tào Tháo là Tào Phi đã hạ lệnh xây dựng một lăng mộ lớn để tôn vinh công lao của thái thượng hoàng.
Nhưng bí ẩn vẫn chưa hết, khi cấu trúc lăng mộ to lớn sau đó đã bị phá dỡ có lẽ là theo lệnh của Tào Phi có thể vì ông ta lo sợ ngôi mộ lớn sẽ trở thành mục tiêu bị cướp phá bởi những kẻ trộm mộ hoặc những kẻ cựu thù của Tào Tháo.
Sau nhiều năm đào sâu vào ngôi cổ mộ đáng ngờ, các nhà khảo cổ học bắt đầu bị thuyết phục ý tưởng rằng bộ hài cốt nằm trong ngôi mộ chính chắc chắn là của Tào Tháo chứ không phải ai khác.
Di sản của Tào Tháo vẫn luôn là một đề tài gây tranh cãi không ngớt trong suốt gần 2.000 năm qua.
Họ Tào là một chính trị gia tham vọng - ông ta đã dùng mưu lược của mình để một tay thâu tóm các vùng đất ở miền Bắc Trung Quốc cổ đại, sát nhập vào lãnh thổ Ngụy quốc, là nhà nước hùng mạnh nhất vào thời kỳ đó; ngoài ra Tào Tháo cũng là một nhà thơ và thư pháp nổi tiếng.
Miếu Vũ Hầu ở thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) được cho là nơi an giấc ngàn thu của cả Gia Cát Lượng và Lưu Bị.
Tuy nhiên trong các sáng tác văn hóa lại hay miêu tả Tào Tháo là một kẻ mưu gian kế hiểm và giết người không gớm tay. Tào Tháo làm tể tướng của hoàng đế cuối cùng của nhà Hán, tuy làm bề tôi nhưng họ Tào chuyên quyền, biến hoàng đế thành một con rối để ông ta dễ bề giật dây điều khiển.
Trong Kinh kịch Bắc Kinh, nhân vật Tào Tháo thường được mô tả có khuôn mặt trắng bệch tượng trưng cho tâm kế xảo quyệt. So với họ Tào, thì Lưu Bị thì được mô tả nhân văn hơn với lòng nhân từ và khiêm tốn.
Lưu Bị sinh ra trong một gia đình nghèo, mặc dù họ Lưu từng tuyên bố ông ta là con của một thành viên thuộc quý tộc nhà Hán.
Những năm thuở đầu đời, Lưu Bị kiếm sống bằng nghề bán hài cỏ trên phố trước khi đưa chân vào sự nghiệp chính trị. Mặc dù không có tài quân sự phi thường hay những chuyện kể dân gian như họ Tào nhưng bằng nhân cách sống và biết dùng người mà Lưu Bị đã thu phục được nhân tâm của bề tôi và các tướng lĩnh để thành lập nên nhà Thục (Thục Hán ở miền Tây Nam Trung Quốc).
Lại nói về Tôn Quyền. Trong văn học Trung Quốc, họ Tôn xem ra có vẻ ít tầm ảnh hưởng hơn Tào Tháo và Lưu Bị, nhưng bù lại ông ta thừa hưởng những vùng đất màu mỡ, giàu tài nguyên ở Đông Nam Trung Quốc vốn là lãnh địa của người anh trai cả của Tôn Quyền: Tôn Sách.
Sau khi kiên trì bảo vệ bờ cõi trước sự xâm lăng của 2 kẻ cựu thù là Tào Tháo và Lưu Bị, Tôn Quyền dựng nên nhà nước Ngô, bản thân xưng là Ngô Đại Đế. Nhà Ngô dưới thời cai trị của Tôn Quyền đã trở thành một đất nước thịnh vượng và độc lập.
Những manh mối đáng tin cậy
Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc tìm kiếm nơi an táng của Lưu Bị và Tôn Quyền đều bị ngáng trở do thiếu bằng chứng thuyết phục, mặc dù các truyền thuyết dân gian đã cung cấp một số manh mối đáng tin cậy. Có ít nhất 3 manh mối nói đến nơi an táng di hài của Lưu Bị.
Cấu trúc đồ sộ của lăng mộ Tào Tháo, vị danh tướng tài ba, kiêu hùng mà công và tội đang còn gây tranh cãi ở Trung Hoa.
Có thuyết cho rằng Lưu Bị được an táng cùng với vị đại thần Gia Cát Lượng, là cánh tay phải của ông, tại ngôi miếu Vũ Hầu nằm ở thành phố Thành Đô, xưa kia là kinh đô của nhà Thục, ngày nay nằm trong lòng địa giới của tỉnh Tứ Xuyên.
Nhưng một số chuyên gia tỏ ra bất đồng về manh mối này, họ dẫn chứng rằng Lưu Bị băng hà vào mùa hè tại quận Phụng Tiết (ngày nay địa danh này nằm trong lòng thành phố cấp trung ương Trùng Khánh), nơi này cách Thành Đô tới hơn 600km.
Nếu dựa trên tài liệu này thì di hài của Lưu Bị phải được vận chuyển bằng thuyền đi suốt một tháng ròng rã, mà nếu như thế thì thi hài của Lưu Bị sẽ bị phân hủy mạnh dưới thời tiết nóng nực, độ ẩm không khí cao.
Vì thế mà các chuyên gia tin rằng Lưu Bị được an táng ngay nơi ông băng hà, gần bờ sông Dương Tử.
Nhưng theo truyền thống dân gian ở Bành Sơn (địa cấp thị Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), cách Thành Đô khoảng 60km về phía Nam, nơi có một trái núi địa phương gọi là Mộc Ma mới đích xác là nơi có thiết lập ngôi mộ của Lưu Bị.
Nếu theo giả thuyết này thì núi Mộc Ma được bao bọc bởi 9 ngọn đồi tạo nên hình dáng hoa sen được cho là thế đất phong thủy vượng khí, tiềm tàng sức mạnh thiên nhiên rất lý tưởng dùng làm nơi an giấc ngàn thu của bậc thiên tử.
Mặc dù không có ngôi cổ mộ nào được phát hiện trong vùng núi Mộc Ma và chính quyền địa phương đã công nhận Mộc Ma Sơn là khu bảo tồn di sản vào thập niên 1980, báo Tây Thành Trung Quốc còn cho rằng, Mộc Ma là điểm đến thường xuyên của những kẻ đào trộm mộ cổ.
Việc tìm kiếm lăng mộ của Tôn Quyền có thể sẽ dễ dàng hơn khi mà các thư tịch lịch sử đã viết rằng di hài của Ngô Đại Đế (Tôn Quyền) được an táng trên núi Mai Hoa, một trái núi nằm gần thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô (phía Đông Trung Quốc), nhưng chính xác là nơi nào trên ngọn núi này thì vẫn đang chìm trong vòng bí mật.
Đầu thập niên 2000, giới chức địa phương Nam Kinh đã phái một nhóm nhà khảo cổ lên núi Mai Hoa để lùng ngôi cổ mộ bí ẩn.
Các chuyên gia sử dụng thiết bị khảo sát từ đã tìm thấy một địa đạo ngầm lớn mà họ tin rằng có lẽ là nơi an táng người xưa nhưng cuộc tìm kiếm của họ không đi xa hơn.
Một vấn đề nổi lên là giới chức từ chối khai quật tại địa điểm tình nghi, sử gia Hòa Ngọc Đào công tác tại Đại học Nam Kinh lên tiếng giải thích: “Nước tôi (Trung Quốc) có một quy luật bất thành văn là sẽ không tiến hành khai quật khảo cổ trừ phi điểm di sản đứng trước nguy cơ bị phá hoại”.
Khu vực nơi tìm thấy lăng mộ Tào Tháo là mục tiêu của bọn trộm mộ từ trước đó, đó là lý do giải thích tại sao giới chức cho phép tiến hành khai quật đào bới.
Giáo sư Tề Đông Phương công tác tại Trường Bảo tàng và khảo cổ học của Đại học Bắc Kinh, phát biểu rằng đôi khi giới chức Trung Quốc “bật đèn xanh” cho công tác khai quật nhằm phục vụ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà nếu làm thế thì sẽ gây rủi ro cho các cấu trúc ngầm.