Tại Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội vàng để Việt Nam giảm lãi suất.
Tuy vậy, ông Hòe cần đặt câu hỏi NHNN đã giảm các lãi suất điều hành 1% từ đầu năm, tại sao lãi suất huy động không giảm. “Lãi suất trái phiếu Chính phủ xuống rất thấp, theo lý thuyết về đường cong lãi suất thì đáng lẽ lãi suất huy động trên thị trường cũng phải giảm nhưng thực tế không giảm”.
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn cao, trừ kỳ hạn dưới 6 tháng. Có thể một phần do độ trễ chính sách nhưng tôi nghĩ còn nhiều vấn đề khác. Nếu không thể giảm lãi suất huy động thì chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục không thể đi xuống.
Lãi suất đầu vào hiện nay không chỉ là chuyện chi phí vốn mà còn là vấn đề kinh doanh, câu chuyện cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng hiện nay nếu nhìn vào thị trường, ngân hàng đang phải huy động với lãi suất cao.
Dù có yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất huy động, trong bối cảnh mà đầu ra tín dụng vẫn còn khó khăn, giãn nợ, cơ cấu nợ thì không giải quyết được vấn đề. Nếu có thể đẩy được đầu ra tín dụng ra mang về thu nhập thì ngân hàng hàng có thể sẽ hạ lãi suất.
"Áp lực chi phí vốn tăng dần sẽ khiến các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động nhưng tại sao họ chưa hạ? Đó là vì sự nhạy cảm lãi suất giữa cung và cầu tại Việt Nam còn yếu", ông Tú Anh nói, dần dần, lãi suất cũng sẽ hạ khi kinh tế đang đi xuống và lãi suất liên ngân hàng đang giảm mạnh.
Tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia sáng 21/5. Ảnh: Báo Đầu Tư.
Gần đây, lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất sâu. Lãi suất 1 tháng chỉ còn 1,8% và theo ông Nguyễn Tú Anh thì "chưa bao giờ thấp như vậy".
Ông cho biết đây là nguồn vốn giá rẻ, qua đó dần dần lãi suất huy động sẽ hạ xuống, dựa trên cơ chế thị trường, không thể mãi duy trì cao được.Theo ông Tú Anh, NHNN sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh này.
Cơ quan này cần bắc cầu ghép, để luân chuyển tiền. Ngành ngân hàng đang triển khai giãn nợ, cơ cấu nợ, khiến dòng tiền trả về từ người đi vay chậm lại, do đó NHNN cần phải có một cầu nối để bù đắp khoảng thời gian giãn nợ, tạo điều kiện, thời gian cho phía vay trả nợ và các ngân hàng cân đối nguồn vốn.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, vấn đề lãi suất được đề cập không chỉ riêng trong dịch Covid-19, độ nhạy của lãi suất là điều đã nói lâu nay. Quá trình này phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là chất của thị trường của lãi suất.
Thứ hai là hoạt động liên ngân hàng, mối liên hệ trong thị trường này rất yếu và gần đây có cải thiện một chút. Thứ ba là ngân hàng và thị trường giấy tờ có giá, đặt biệt là kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá có vấn đề và vấn đề nằm ở cả thời điểm, khâu phối hợp, giữa các định chế chưa ăn ý. Vì vậy, theo ông Thành, giải quyết về lãi suất là câu chuyện dài.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất đã rất nhạy cảm, vì liên quan đến “miếng cơm manh áo” của nhân viên. Ông cho hay đã họp với các ngân hàng về vấn đề hạ lãi suất huy động.
"Khi Chính phủ yêu cầu hạ lãi suất và chúng tôi nhận thấy thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, đương nhiên chúng tôi sẽ giảm lãi suất đầu vào. Đến nay, lãi suất đầu vào đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước", ông Lực cho biết. Mức lãi suất chênh lệch đầu vào và đầu ra đã được thu hẹp xuống còn 2,5%.
Theo ông Lực, không ngân hàng nào chấp nhận huy động vào lãi suất 7%/năm và cho vay với lãi suất 8%/năm để chịu lỗ. Đương nhiên, trong một số trường hợp, các ngân hàng thương mại cần phải chấp nhận lãi suất đầu vào hơi cao, trong khi giảm lãi suất đầu ra theo yêu cầu của NHNN.
Lúc đó, các ngân hàng sẽ tính tới việc tăng các nguồn thu khác liên quan đến dịch vụ, bán chéo sản xuất...
"Nhưng tôi khẳng định rằng lãi suất huy động hiện nay đã giảm tương đối nhiều so với đầu năm", ông nói.