Tôi năm nay 65 tuổi, bị tăng huyết áp, phải uống thuốc mỗi ngày một lần để kiểm soát bệnh. Khi hướng dẫn dùng thuốc, bác sĩ dặn không được uống thuốc với nước ép bưởi. Xin hỏi quý báo, vì sao bác sĩ lại dặn dò như vậy?
Nguyễn Thành Hải (Hải Dương)
Thông thường, khi uống thuốc, nồng độ các hợp chất trong thuốc tan ra, hấp thụ vào cơ thể, rồi đi vào máu. Trong khi đó bưởi có hợp chất furanocoumarin có thể ức chế enzym cytochrom (CYP3A4) ở ruột non, một loại men tham gia quá trình chuyển hóa thuốc gây cản trở quá trình chuyển hóa thuốc và làm tăng nồng độ thuốc trong cơ thể.
Chẳng hạn khi dùng thuốc huyết áp felodipin chung với nước ép bưởi, nồng độ thuốc trong máu có thể tăng gấp 3 lần. Tác dụng của nước ép bưởi lên quá trình chuyển hóa cao nhất đối với các loại thuốc được chuyển hóa lần đầu qua gan cao như felodipin, amiodaron.
Ngoài ra, hợp chất furanocoumarin còn ảnh hưởng đến rất nhiều các loại thuốc khác như thuốc làm giảm cholesterol, một số loại kháng histamin, thuốc trị rối loạn cương, thuốc làm giảm huyết áp và thuốc chống ung thư.
Khi tương tác thuốc với nước ép bưởi xảy ra, người bệnh thường có dấu hiệu tim bất thường, chảy máu dạ dày, các triệu chứng cứng mỏi cơ, tổn thương thận, huyết áp tụt, khó thở, buồn ngủ, chóng mặt.
Mỗi loại thuốc khác nhau với nồng độ thuốc khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau. Do vậy, khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc huyết áp trong trường hợp của bác, người bệnh tốt nhất không nên ăn bưởi, uống nước ép bưởi hay bất kỳ loại trái cây nào chứa furanocoumarin.
Để thuốc đạt hiệu quả cao nhất và không xảy ra tương tác, bác nên uống thuốc với nước đun sôi để nguội. Nếu vẫn còn lo lắng, bác nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị cách dùng thuốc cụ thể để thực hiện cho đúng và an toàn.