Ảnh minh hoạ.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), những trường hợp nhập viện tắc ruột do bã thức ăn không phải hiếm gặp. Tính riêng trong 30 ngày gần đây, Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê tiếp nhận và điều trị 12 trường hợp tắc ruột liên quan đến các thực phẩm như măng, mít.
Gần đây nhất, Trung tâm tiếp nhận người bệnh V.H.S., 40 tuổi, ở Hương Lung, Cẩm Khê, Phú Thọ, vào viện trong tình trạng đau bụng, chướng bụng, nôn nhiều, không đại tiện được.
Người bệnh cho biết: Trước khi vào viện vài ngày, người bệnh ăn mít bị đau bụng, nhưng sau đó tự khỏi. Trước ngày vào viện, người bệnh tiếp tục ăn mít với số lượng nhiều thì xuất hiện các biểu hiện trên.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tắc ruột nghi do bã thức ăn, chỉ định nhịn ăn, đặt sonde dạ dày, thụt tháo, truyền dịch, dinh dưỡng hoàn toàn đường tĩnh mạch.
Trước đó, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho trường hợp người bệnh N.T.H., 62 tuổi, trú tại thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ cũng có biểu hiện tương tự như đau bụng, chướng bụng, nôn nhiều, không đại tiện được sau bữa ăn nhiều măng.
Bác sĩ Giang Hoài Đức Trưởng khoa Ngoại cho biết: Trong khoảng 30 ngày gần đây, khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận 12 ca bệnh tắc ruột liên quan đến ăn măng, ăn mít; Sau khi điều trị các bệnh nhân đều ổn định, không phải phẫu thuật.
Bác sỹ Đức cho biết thêm: Khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, ngô...
Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ Acid dịch vị cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.
Trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no. Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, đặc biệt ở người cao tuổi: Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn; uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt...
Tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, khi xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, nôn, bí trung tiện, chướng bụng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.