Vấn đề đó là: Vì sao không khống chế mức cước trần của “taxi công nghệ” Uber và Grab ?
Và vì sao không quản lí các chương trình khuyến mãi của hai thương hiệu “taxi công nghệ” này?
Vụ Vinasun kiện Grab vẫn còn đang treo lơ lửng, với một trong những lí do chính được phía nguyên đơn Vinasun đưa ra, là Grab đã khuyến mãi phá giá trong suốt mấy năm qua. Trong khi đó, tại Việt Nam đã có hành lang pháp lí đối với việc này.
Nhưng trong khi, việc khuyến mãi đến một mức nào đó gây ra cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường taxi thì việc tăng mức cước gấp nhiều lần mỗi dịp Tết đến, lễ lạt hay những ngày ngập lụt tại TPHCM và Hà Nội lại ảnh hưởng sát sườn đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Cần biết rằng, dịch vụ taxi truyền thống hiện nay, mỗi lần tăng cước đều bị cơ quan chức năng và dư luận giám sát khá chặt chẽ, và không phải muốn tăng thế nào cũng được, đồng thời mỗi lần tăng thì các phương tiện đều phải được kiểm định điều chỉnh lại đồng hồ tính cước.
Và cho đến bây giờ, chưa có doanh nghiệp vận tải hành khách nào, từ hàng không đến tàu hỏa, taxi… muốn tăng cước thế nào cũng được, mà đều nằm trong sự kiểm soát của cơ quan quản lí.
Trong khi đó, tình trạng tăng cước như trong dịp Tết này của Uber và Grab đang hoàn toàn vượt khỏi vòng cương tỏa của cơ quan quản lí nhà nước.
Vấn đề này, không ai khác chính là Bộ GTVT phải xem xét và xử lí, bằng các qui định chặt chẽ hơn đối với loại hình dịch vụ mới “taxi công nghệ” và “xe ôm công nghệ” nói chung chứ chẳng phải vì thành kiến gì với Uber và Grab; để từ đó, thị trường có sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh hơn, và đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng không bị bóp nghẹt với những kiểu tăng giá lên 200% hoặc 300%...
Không thể chấp nhận lập luận theo kiểu vì nhu cầu cao dịp Tết nên tăng cước thế nào cũng được. Bởi nếu buông lỏng cho kiểu lập luận như vậy, từ hàng không, đường sắt, xe khách đường dài… đều tăng cước vô tội vạ dịp Tết, thì thị trường sẽ rối loạn và người tiêu dùng sẽ lãnh đủ.