TS Trần Thị Dung – nguyên cán bộ Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN-PTNT) thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam kể lại hành trình gian nan xin thành lập Hội nước mắm truyền thống Việt Nam suốt 2 năm qua nhưng vẫn đang rơi vào bế tắc.
Cụ thể, ngày 9/5/2017, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chấp nhận đơn thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Sau đó, chúng tôi làm các hồ sơ cần thiết theo yêu cầu để gửi sang Bộ Nội vụ.
Một tháng sau chúng tôi quay lại Bộ Nội vụ theo đúng hẹn thì nhận được câu trả lời từ chuyên viên của bộ này là hồ sơ của chúng tôi không đủ điều kiện, không đủ 100 đơn của các hội viên trong cả nước.
Cũng trong buổi làm việc này, chúng tôi biết được có hồ sơ đề nghị thành lập Hội nước mắm Việt Nam do Bộ Y tế ra quyết định thành lập.
Theo Nghị định 45 và Thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn thì Bộ có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập các hội nghề nghiệp phải là Bộ quản lý chuyên ngành. Theo các văn bản hướng dẫn, Bộ quản lý chuyên ngành phải là Bộ NN-PTNT quản lý các sản phẩm nước mắm và thủy sản.
Còn theo Thông tư 13 về phân công quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành gồm Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương thì không có phân công Bộ Y tế quản lý trong lĩnh vực thủy sản.
Cùng thời gian đó, Bộ Nội vụ đã gửi hồ sơ thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam đi xin ý kiến các Bộ, ngành, trong khi hồ sơ của chúng tôi thì vẫn nằm yên một chỗ.
Hồ sơ chúng tôi gửi đến Bộ Nội vụ là 31/7/2017, trong khi Quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội nước mắm Việt Nam do Bộ Y tế ra quyết định lại ký ngày 15/8/2017.
Chúng tôi đã làm đơn gửi Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT về việc tại sao hồ sơ của chúng tôi gửi trước mà không được xử lý, lại đi xử lý hồ sơ gửi sau.
Danh sách của Ban vận động thành lập Hội nước mắm Việt Nam có ông Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP Bộ Y tế), bà Phan Thị Kim và một số quan chức của Cục ATVSTP Bộ Y tế, cộng thêm 6 DN của Masan và một vài DN cung cấp muối cho DN.
Chúng tôi tranh luận là Hiệp hội này không có ai sản xuất nước mắm mà cho phép đặt tên Hội có chữ nước mắm ở đây.
Sau đó cũng đã có một vài cuộc họp giữa Ban vận động và Bộ Nội vụ cùng các bên liên quan nhưng không có kết luận cuối cùng. Bộ Nội vụ đã trả lại hồ sơ, từ đó chúng tôi không biết kêu ai nữa.
Vì Bộ Nội vụ là đơn vị thay mặt Chính phủ đứng ra để xử lý việc này mà họ trả hồ sơ thì chúng tôi biết làm thế nào? Với Masan thì các nhà sản xuất nước mắm truyền thống không thể nào địch được. Cho nên, mấy năm nay cứ loay hoay, suy nghĩ, hỏi người nọ, người kia nhưng mọi việc vẫn đang đứng im.
Nếu vừa rồi, các nhà sản xuất nước mắm không có ý kiến thì TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đã được ban hành.
PV: Bà có cảm nhận được những mối nguy với nước mắm truyền thống khi Tiêu chuẩn này được ban hành?
Bà Trần Thị Dung: Với lý luận của họ thì họ bảo văn bản này chưa có chuyện gì cả nhưng người ta đã nhìn thấy sâu xa của nó là thế nào. Mọi người đã phát hiện ra vấn đề và phải phản ứng ngay.
Mọi người đều nhận thức ra là tiêu chuẩn này hàm ý gì, tôi chỉ là người mô tả lại sự kiện thôi.
Với một bản Tiêu chuẩn có bố cục như văn bản này thì cũng không có vấn đề gì là xấu cả, nó là văn bản hướng dẫn cho các nhà sản xuất trong quá trình sản xuất nên tuân thủ gì để ra sản phẩm đạt chuẩn.
Chúng ta đã có tiêu chuẩn sản phẩm, qui phạm thực hành sản xuất nhưng trong qui phạm thực hành sản xuất chỉ đặt ra các yêu cầu, còn cái này người ta hướng dẫn xem xét nhận diện các mối nguy ở trong sản xuất để có biện pháp phòng ngừa, không mất an toàn thực phẩm. Nhưng khi xây dựng nó phải đúng.
Cái đúng ở đây phải từ định nghĩa về nước mắm và các qui trình cụ thể cho nước mắm. Phải nói rõ các mối nguy do nước mắm truyền thống và mối nguy do nước chấm pha chế.
Hai mối nguy nhận diện khác nhau, nếu đánh đồng rồi kiểm soát thì không phù hợp, gây tốn kém chi phí, nguồn lực… ảnh hưởng đến người làm nước mắm truyền thống, trong khi người ta phải chắt chiu từng giọt nước mắm, chắt chiu từng đồng để có lợi nhuận nuôi sống gia đình trong bối cảnh cạnh tranh thị trường hiện nay.
Không cần thiết phải đẻ thêm phí để kiểm soát những mối nguy không đáng có. Cho nên, bản tiêu chuẩn này phải làm lại.
PV: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo về vấn đề này, theo bà, đây có phải là tín hiệu tốt để Ban vận động có thể thành lập được Hiệp hội?
Bà Trần Thị Dung: Chúng tôi kiến nghị Phó Thủ tướng, đề nghị tạo điều kiện thành lập Hiệp Hội nước mắm Việt Nam để bà con sản xuất nước mắm ngồi lại cùng nhau, phát triển nghề, bảo vệ nhau trước những chuyện lùm xùm kiểu như thế này.
Chúng tôi rất phấn khởi vì Phó thủ tướng đã đáp ứng được mong mỏi của người dân, có sự chỉ đạo để yêu cầu Ban soạn thảo phải thảo luận với người dân, nhà cung cấp để ra văn bản phù hợp.
Chúng tôi mới tiếp nhận các thông tin này qua báo chí nên chưa biết Phó Thủ tướng có chỉ đạo các vấn đề như nghiên cứu đánh giá rủi ro về Histamin trong nước mắm truyền thống, việc tạo điều kiện cho thành lập Hiệp hội.
PV: Xin cảm ơn bà!