Iran cáo buộc Tổng thống Donald Trump và 35 quan chức Mỹ có liên quan đến vụ không kích làm thiệt mạng tướng Qasem Soleimani , Tư lệnh quân đoàn Al-Quds của Iran ngày 3/1/2020 tại Thủ đô Baghdad của Iraq.
Công tố viên của Tehran Ali Mehr cho biết Iran quyết tìm kiếm công lý đến cùng, ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Trump kết thúc nhiệm kỳ và trở thành một công dân bình thường.
Hàng triệu người Iran tiễn đưa tướng Qassem Soleimani về nơi an nghỉ cuối cùng (Ảnh: AP).
Bối cảnh Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi một chiến dịch "gây sức ép tối đa" chống lại Iran kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2017, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Tehran, mà Nhà Trắng cho là quốc gia ủng hộ khủng bố quốc tế lớn nhất ở Trung Đông.
Sau khi tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục siết chặt các lệnh trừng phạt toàn diện chống Tehran và đe dọa tấn công Iran. Mới đây nhất, Washington đã thúc ép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia hạn các lệnh trừng phạt Iran khi các lệnh này hết hạn vào tháng 10 tới, đồng thời trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một dự thảo nghị quyết nhằm mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.
Nước Mỹ đang phải gồng mình đối phó với những khó khăn to lớn chưa từng có trong lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra. Mâu thuẫn căng thẳng giữa đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ đang lên đến đỉnh điểm khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Tổng thống Donald Trump đang phải vật lộn với các vấn đề trong nước cũng như quốc tế, và đang gặp nhiều khó khăn chưa từng thấy trên con đường chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kì 2.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP).
Trong tình hình như vậy, Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump là nhằm đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani và hạ uy tín của ông Trump trước thềm bầu cử.
Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump trên cơ sở nào?
Phần lớn dư luận quốc tế cũng như bên trong lòng nước Mỹ không ủng hộ kế hoạch không kích sát hại tướng Iran Qassem Soleimani, cho hành động này không chỉ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Mỹ với Iran mà còn cả với đồng minh Iraq và toàn bộ khu vực Trung Đông.
Tướng Qasem Soleimani (Ảnh: AP).
Chính quyền và người dân Iraq đã bày tỏ sự bất bình đối với hành động không kích tướng Iran Qassem Soleimani.
Họ cho rằng, một đại diện chính thức của một nước láng giềng có quan hệ hữu hảo đang trên đường đến thăm chính thức Iraq đã bị Mỹ sát hại ngay trên lãnh thổ Iraq mà không được phép của nước chủ nhà là một sự vi phạm độc lập, chủ quyền Iraq và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Iraq sau đó đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ Mỹ tại Baghdad, Matthew H. Tueller liên quan đến việc Mỹ không kích tướng Qassem Soleimani trên lãnh thổ Iraq.
Ngoại trưởng Iran gọi vụ không kích tướng Qassem Soleimani là một hành động khủng bố quốc tế (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif, gọi vụ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani là một hành động khủng bố quốc tế.
Đặc biệt, Iran cho rằng, tướng Qassem Soleimani là một nhân vật tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố quốc tế, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận Al-Nusra, tổ chức Al-Qaeda.
Việc tấn công tướng Qassem Soleimani không hề có lý do cụ thể và không hề thuyết phục.
Với những hành động vi phạm luật pháp như vậy, Iran cho biết có thể kiện và có những biện pháp trả đũa.
Động cơ đằng sau việc Iran yêu cầu bắt giữ người đứng đầu Nhà Trắng
Chính quyền Iran cũng hiểu việc ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump và yêu cầu Interpol vào cuộc là không thể thực hiện được và chủ yếu mang ý nghĩa chính trị.
Mục đích của Iran muốn thông qua việc này để làm xấu đi hình ảnh, hạ uy tín của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên thế giới, cũng như trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt trước ngưỡng cửa của cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như BBC, Reuter, Associated Press, AFP, Al-Jazeera, RT... đều đưa tin đậm về việc Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump nhưng chưa có bình luận nào. Tại khu vực Trung Đông, các nước đều chưa có phản ứng chính thức nào.
Còn tại Mỹ, Washington vẫn chưa có phản ứng chính thức nào. Duy có Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran Brian Hook hiện đang ở thăm Saudi Arabia khi trả lời hãng tin CNN, đã phát biểu coi lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump là một "mưu đồ chính trị", không liên quan gì đến an ninh quốc gia, hòa bình thế giới hay thúc đẩy ổn định.
Ông Brian Hook khẳng định Mỹ tin rằng Interpol sẽ không can thiệp và phát lệnh truy nã đỏ dựa trên yếu tố chính trị.
Liệu yêu cầu bắt giữ Tổng thống Donald Trump có thực hiện được không?
Đến nay, Interpol có trụ sở tại thành phố Lyon của Pháp vẫn chưa có bình luận chính thức nào về yêu cầu của phía Iran.
Theo quy định, sau khi nhận được yêu cầu truy nã quốc tế từ bất cứ quốc gia nào, Interpol có thể hỗ trợ, thông báo cho các nước bắt giữ nghi phạm nếu xuất hiện trên lãnh thổ nước đó hoặc từ chối nếu thấy không đủ chứng cứ.
Tuy nhiên, theo Điều III của Hiến chương Interpol, tổ chức này hoàn toàn không được phép thực hiện bất kỳ sự can thiệp hoặc hoạt động nào mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc sắc tộc.
Do đó, nếu bất kỳ yêu cầu nào trong số những yêu cầu này được gửi đến Tổng Thư ký, theo quy định của hiến chương, Interpol sẽ không xem xét các yêu cầu đó.
Trong trường hợp này, chắc chắn yêu cầu của Iran bị từ chối, bởi nó liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang, liên quan đến nguyên thủ của một cường quốc số một trên thế giới, và còn các nguyên tắc của Interpol không cho phép can thiệp vào chính trị.
Các nhà phân tích chính trị cũng cho rằng, cũng dễ hiểu khi Interpol sẽ không xem xét đề nghị của Iran, không đưa ra "thông báo đỏ" (Red notice) để bắt giữ ông chủ Nhà Trắng.
Với những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Iran, có thể thấy không còn hy vọng phía trước trong việc giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia này.