Vì sao hổ, loài được mệnh danh là chúa tể sơn lâm lại được dân ta gọi là Ông ba mươi?

Gabe |

Trong dân gian xưa, hổ - chúa tể sơn lâm thường được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như hùm, cọp hay khái nhưng Ông ba mươi thì thực sự là 1 danh xưng khó hiểu.

Trên thực tế, cái tên Ông ba mươi xuất phát từ dân gian và cũng có rất nhiều cách lý giải theo dạng truyền miệng dân gian. Trong đó được biết đến nhiều nhất và cũng từng được in thành sách là truyền thuyết về Phạm Nhĩ.

Thuở xưa, trên Trời có 1 vị thần vô cùng tài giỏi, sức khỏe vô biên, những chuyện dời núi lấp biển, đội đá bẻ cây, trên khắp thiên đình không ai bì nổi với ông. Đặc biệt, ông có 2 vành tai dài nhưng lại rách, cho nên mọi người gọi là Phạm Nhĩ.

Tuy có sức mạnh phi thường nhưng Phạm Nhĩ lại nghịch ngợm, hung hăng, thường đi gây sự với những kẻ mà mình không vừa mắt. Chính vì thế nên mọi người ai cũng sợ, tránh xa ông. Thấy vậy, Phạm Nhĩ ngày càng trở nên kiêu ngạo, tự phụ về sức mạnh ngàn người không địch nổi.

Từ kiêu căng sinh ra ngông cuồng, Nhĩ cho rằng trên thiên đình chẳng ai bằng mình, vậy mà đến nay vẫn không được Ngọc Hoàng trọng dụng sủng ái, lấy làm tức tối lắm! Nếu chỉ vậy thôi thì mọi chuyện còn bình thường.

Vì sao hổ, loài được mệnh danh là chúa tể sơn lâm lại được dân ta gọi là Ông ba mươi? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: NXB Kim đồng

Dần dần, thói tự phụ khiến Phạm Nhĩ còn tự đặt mình hơn cả Ngọc Hoàng, để rồi tụ tập bộ hạ, những kẻ tài giỏi nhưng bất trị, quyết náo loạn thiên đình, tự mình lên làm vua nhà Trời.

Ngày nọ, Nhĩ cùng đội quân hung hăng bất hảo của mình hành động, vào tận thiên cung đòi Ngọc Hoàng để mình cai quản thiên hạ.

Gặp chuyện tai ương, Ngọc Hoàng liền sai 18 vị thần tướng, 50 vị lực sĩ thân cận tài phép vô song ra trấn áp nhưng chẳng ai bì được với Phạm Nhĩ. Sau hơn 10 ngày tử chiến, chỉ còn 3 thiên tướng quay lại thiên đình, toàn bộ 50 lực sĩ đều ăn đòn no, không thể đánh lại, đành nhận thất bại đau đớn.

Vì sao hổ, loài được mệnh danh là chúa tể sơn lâm lại được dân ta gọi là Ông ba mươi? - Ảnh 2.

Đâu chỉ có vậy, thiên binh thiên tướng nhà Trời vốn đông nghịt mà ra bao nhiêu bại bấy nhiêu. Thừa thắng xông lên, Nhĩ và đồng bọn vây chặt thiên cung, quyết sống mái đến cùng. Đúng lúc nguy cấp nhất, Đức Phật xuất hiện.

Phạm Nhĩ ngông cuồng, không coi ai là gì, toan xông lên hạ gục Đức Phật rồi đánh vào thiên cung, nhưng không ngờ lại bị hút vào túi thần của Phật, toàn thân co rúm, bất động, không tài nào phản kháng lại nổi.

Đức Phật giao lại tên Phạm Nhĩ bất trị cho Ngọc Hoàng nhưng dặn dò cẩn thận, chỉ trừng phạt, làm hắn tỉnh ngộ chứ không nên giết hại.

Ngọc Hoàng nghe theo, giáng Nhĩ xuống trần làm kiếp vật, đồng thời tước bỏ sức mạnh, cắt đi đôi cánh và giảm bớt trí nhớ để hắn không quay lại thiên đình làm càn được nữa. Ngoài ra, còn phong cho làm Chúa tể sơn lâm nơi hạ giới.

Vì sao hổ, loài được mệnh danh là chúa tể sơn lâm lại được dân ta gọi là Ông ba mươi? - Ảnh 3.

Minh họa. Người săn được hổ không chỉ được thưởng mà còn bị phạt.

Tuy rằng sức mạnh bị giảm nhiều nhưng Phạm Nhĩ vẫn có sức mạnh tuyệt trần, làm muôn thú và cả con người khiếp sợ. Không ai dám gọi trực tiếp là hổ mà phải nói tránh đi thành Ông ba mươi.

Còn cái tên Ông ba mươi ra đời là do khi xưa, cứ có tiều phu hay thợ săn nào hạ gục được 1 con hổ, đem lại bình yên cho dân làng sẽ được nhà vua thưởng cho 30 quan tiền, cứ vậy mà thành lệ suốt trăm năm. Nhưng không chỉ có thể, chính người đó sau khi nhận thưởng cũng sẽ bị đánh 30 roi, coi như là để thỏa vong hồn Phạm Nhĩ, không tác oai tác quái nữa.

Ngoài truyền thuyết kể trên, dân gian xưa cũng có cách lý giải khác về cái tên Ông ba mươi. Trong truyện Mộc Tinh của Lĩnh Nam Chích Quái, người Văn Lang gọi Mộc Tinh, thần cây cối là Xương Cuồng. 

Vì sao hổ, loài được mệnh danh là chúa tể sơn lâm lại được dân ta gọi là Ông ba mươi? - Ảnh 4.

Truyền thuyết về Ông ba mươi.

Đây là loài cây "trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người, hại vật, (…) biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người". (Trích từ truyện Mộc Tinh).

"Dân phải lập đền thờ, hằng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xương Cuồng".

Đến đây, người viết có chú thích: "Xương Cuồng có nghĩa là hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. Mộc tinh, thần Cây cối, hay Xương Cuồng là thần Hổ. Mộc tinh trong hình ảnh cọp là tai họa của rừng núi, cũng như Ngư tinh là tai họa của sông biển và Hồ tinh (chồn cáo) là tai họa của đồng bằng".

Theo thuyết này, do có tục thờ cúng vào đúng 30 tháng Chạp hàng năm nên hổ mới được gọi là Ông ba mươi.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại