Tạp chí “Lực lượng Không quân và Vũ trụ” viết rằng, Hoa Kỳ tụt hậu về xu hướng hiện đại trong việc sử dụng tác chiến điện tử. Mức độ hiện tại kém hơn đáng kể so với những gì đã được thể hiện trong cuộc xung đột ở Ukraine của cả Lực lượng vũ trang Ukraine và Lực lượng vũ trang Nga.
Tạp chí dẫn lời Đại tá Nicole Petrucci, người chỉ huy lực lượng sẵn sàng thường trực của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cho biết, xung đột Ukraine-Nga đang chứng kiến nhiều khả năng tác chiến điện tử hơn Mỹ đã từng thấy.
Bà Nicole Petrucci cho biết, các chuyên gia quân sự Mỹ đang nghiên cứu hiện tượng này rất chặt chẽ để xem chuyện gì đang xảy ra và cách giải quyết như thế nào.
Nguồn tin cho biết, Lực lượng Vũ trang Ukraine đang sử dụng các kỹ thuật tác chiến điện tử để giúp hệ thống phòng không của mình chống lại máy bay không người lái và tên lửa của Nga, ngược lại Moscow đang cố gắng bóp méo tín hiệu GPS giúp Kiev sử dụng máy bay dẫn đường và đạn pháo.
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đang phân tích thông tin từ Ukraine về các vấn đề chiến tranh điện tử và mối quan tâm này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, bởi nó có liên quan chặt chẽ đến hiệu suất sử dụng của vũ khí công nghệ cao đã cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Hôm 27/4, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Bill LaPlante đã thừa nhận trong phiên thảo luận tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu tại Mỹ hôm 25/4 rằng, một loại đạn cải tiến tầm xa mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine không phát huy hiệu quả do bị Nga gây nhiễu.
Ông LaPlante không đề cập loại vũ khí và công ty cụ thể, mà chỉ cho biết rằng, một Tập đoàn quốc phòng của Mỹ đã triển khai ý tưởng thú vị là cải tiến một loại vũ khí không đối đất thành phiên bản phóng từ mặt đất, từ đó tạo ra hệ thống hỏa lực tầm xa có độ chính xác cao, nhưng thử nghiệm không hiệu quả trên chiến trường Ukraine.
Mô tả này khớp với Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do tập đoàn Boeing của Mỹ sản xuất. Trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc đã gỡ bỏ nhiều yêu cầu thử nghiệm để đẩy nhanh tốc độ chuyển giao loại vũ khí này cho Ukraine và thử nghiệm hiệu quả tác chiến ngay tại thực địa.
Tuy nhiên, vị quan chức Mỹ thừa nhận là vũ khí được gửi đến Ukraine đã không hoạt động được. Có hàng loạt lý do khiến loại vũ khí này trở nên vô dụng, trong đó đặc biệt là do “môi trường tác chiến bị chế áp điện tử dữ dội, chưa có chiến thuật sử dụng và quy trình vận hành hoàn thiện”.
Ngoài ra, hàng loạt vũ khí dẫn đường bằng GPS như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS, vốn được ca ngợi là "có độ chính xác tuyệt vời" cũng đã liên tục bắn trượt mục tiêu ở Ukraine, do bị tác chiến điện tử Nga gây nhiễu tín hiệu chỉ thị mục tiêu.
Theo giới chuyên gia quân sự, việc các hệ thống tác chiến điện tử Nga có thể vô hiệu hóa vũ khí dẫn đường bằng GPS của Mỹ có thể buộc Washington và đồng minh thay đổi phương thức tác chiến trong xung đột tương lai, loại bỏ hoặc phải nâng cấp mạnh số lượng rất lớn bom đường kính nhỏ (SDB) dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS) mà Mỹ và các đồng minh đang sử dụng.
Vị quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, ngay cả hệ thống tác chiến điện tử ở Ukraine cũng có thể còn kém hơn so với nguy cơ Mỹ phải đối mặt trong cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc, nước có đủ phương tiện và khả năng can thiệp vào các vệ tinh mà quân đội Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều trong lĩnh vực chỉ huy và điều khiển vũ khí.
Cần lưu ý rằng, Trung Quốc đang nghiên cứu những ưu điểm và nhược điểm của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ để sử dụng chúng vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến tương lai; trong đó, điểm yếu lớn nhất là sự phụ thuộc quá mức của quân đội Mỹ vào thông tin vệ tinh.
Vị nữ Đại tá Mỹ nhấn mạnh, Lầu Năm Góc luôn nhìn về phía trước, cố gắng tìm hiểu loại thiết bị tác chiến điện tử nào đang chờ đợi họ trong tương lai. Quân đội Hoa Kỳ đã làm việc này được bốn năm đối với Lực lượng Không gian, còn Lực lượng Không quân đã làm trước đó trong ít nhất 20 năm.